Theo RT, "Chưa từng có trung tâm chỉ huy phối hợp nào như vậy", Abu Khaled – đại diện của tổ chức Jabhat Al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Syria giờ đổi tên là Hayat Tahrir al-Sham – tiết lộ với phóng viên Mỹ Abdul Kareem.
Nhiệm vụ chính của "trung tâm chỉ huy" này là hợp nhất toàn bộ lực lượng nổi dậy chống quân đội chính phủ Syria đang bao vây khu vực.
"Tôi muốn gửi thông điệp tới chính phủ Syria rằng các tay súng tại khu vực phía Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng các ông sẽ không hiểu cho đến khi nhìn thấy họ", Abu Khaled nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn phát sóng trên OGN TV.
Tuyên bố được các tay súng khủng bố đưa ra trong bối cảnh quân đội Syria tỏ ra mất kiên nhẫn với việc các nhóm phiến quân vũ trang ở tỉnh Idlib không chịu tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mà Nga-Thổ thông qua hồi tháng 9.
Thoả thuận Nga-Thổ yêu cầu các nhóm cực đoan, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Nusra và các tổ chức khủng bố có trong danh sách của Liên Hợp Quốc phải rút hết khỏi khu vực "Phi quân sự" ở tỉnh Idlib trước ngày 15/10 để tạo tiền đề cho các hoạt động đàm phán.
Thỏa thuận trên được xem là bước đột phá nhằm tháo gỡ bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vấn đề Syria cũng như mở lối thoát cho dân thường ở tỉnh Idlib, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa các phe hồi tháng 9 đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tuy nhiên, tính đến nay, nhiều nhóm khủng bố và phiến quân Hồi giáo, gồm HTS, vẫn hiện diện tại khu phi quân sự này. Ngoài ra, tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã không thuyết phục được nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Dân tộc (NLF) thân cận rút khỏi khu vực.
Theo nhà phân tích các vấn đề toàn cầu Patrick Henningsen, tuyên bố của Al-Nusra sẽ làm "thay đổi khung thỏa thuận đa phương", do không còn cái gọi là "phe nổi dậy ôn hòa tại Idlib".
Chuyên gia Henningsen nhận định việc hợp nhất các nhóm nổi dậy được cho là khơi mào một cuộc chiến tại tỉnh Idlib. Tuy nhiên, một khi giao tranh bùng phát, cuộc chiến không chỉ xảy ra giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng khủng bố, nếu như Mỹ can thiệp trợ giúp.
"Mỹ thể hiện quan điểm rõ ràng, bất kỳ cuộc tấn công nào của quân đội Syria vào Idlib sẽ vấp phải đòn phản ứng dữ dội của Mỹ. Nếu như phương Tây định can thiệp, kết quả là họ sẽ đứng về phe khủng bố", cựu Đại sứ Anh tại Syria Peter Ford giải thích.
Trong một diễn biến mới nhất, lực lượng quân đội Syria (SAA) đã nã tên lửa vào sào huyệt khủng bố ở khu vực Al-Ghaab và Idlib nhằm đáp trả vụ tấn công của những tay súng cực đoan khiến 20 quân nhân SAA thiệt mạng trước đó.
SAA chiều ngày 16/11 (giờ địa phương) đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Al-Ghaab, Hama và khu vực "chảo lửa" Idlib. SAA đã sử dụng tên lửa đất đối đất dội vào hệ thống phòng thủ tại sào huyệt của các nhóm khủng bố Hay’at Tahrir Al-Sham và Phong trào Hồi giáo Turkistan.
SAA trước đó đã cam kết sẽ trả đũa lực lượng khủng bố. Nguồn tin cho hay, Syria dường như đang cân nhắc huy động thêm không quân nước này tiến hành không kích Al-Ghaab và Jisr Al-Shughour sau khi lực lượng này đã ngừng tấn công vào tây bắc Syria kể từ hiệp định Sochi.
SAA đã tấn công dồn dập vào các khu vực IS đã chiếm trong tuần trước. Theo các nguồn tin từ tiền tuyến, các mục tiêu khủng bố đang rung chuyển vì hỏa lực của quân đội Syria.