Quân Đức chính thức đổ bộ tới sát Nga
Hãng thông tấn AP ngày 9/4 đưa tin, Đức đã chính thức triển khai quân đội tới Lithuania, giáp biên giới vùng Kaliningrad của Nga.
Trước đó, theo tờ Politico, chiến dịch của Nga tại Ukraine đã thúc đẩy Đức đi tới quyết định chưa từng có: Triển khai thường trực hàng nghìn quân, chỉ cách biên giới Nga khoảng 100km và nằm ngay trong vùng hỏa lực nếu Nga phát động một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ NATO.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, lực lượng Đức sẽ đóng quân lâu dài bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Các nhà lãnh đạo Lithuania đã biểu dương quyết định của Đức là một "bước đi lịch sử".
Trong ngày hôm qua (8/4), hơn 20 binh sĩ Đức đã có mặt tại Lithuania. Đến cuối năm nay, sẽ có thêm 150 lính Đức được điều tới đây. Dự kiến, tới cuối năm 2027, tổng quân số Đức đóng tại Lithuania sẽ lên tới 5.000 người. Chi phí dành cho việc triển khai lữ đoàn rơi vào khoảng 800 triệu euro.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi đồn trú lâu dài một đơn vị quân sự với quy mô như vậy bên ngoài lãnh thổ Đức" – Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu tại Berlin, trong buổi lễ chia tay ban chỉ huy tạm thời của "Lữ đoàn Lithuania". Ông Pistorius gọi đây là "ngày trọng đại đối với quân đội Đức".
Trong khi đó, tại thủ đô Vilnius của Lithuania, Bộ trưởng Quốc phòng Laurynas Kasciunas ca ngợi động thái của Đức là "một tấm gương tuyệt vời" cho tất cả các quốc gia ở sườn phía đông của NATO, giáp biên giới Nga và Belarus – đồng minh của Moscow.
"Chúng tôi sẽ tạo ra một cơ cấu phòng thủ và răn đe tới mức không một đối thủ nào ở phía đông dám nghĩ tới việc thử thách Điều 5 của NATO" – Ông Kasciunas nhấn mạnh.
Trong đó, Điều 5 của NATO quy định rằng "bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào vào một/một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh" và tất cả các thành viên có nghĩa vụ hỗ trợ (những) nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy ngay lập tức".
Theo Politico, một trong những thành phần trực thuộc "Lữ đoàn Lithuania" của Đức là đơn vị thiết giáp Panzerbatallion 203. Vào tháng 12 năm ngoái, ông Pistorius cho biết, đơn vị này đã chuyển giao toàn bộ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine nên đang chờ phương tiện mới thay thế.
Bộ Quốc phòng Đức đã đặt hàng xe tăng mới cho Panzerbatallion 203. Sau khi hoàn tất, các xe này sẽ được chuyển thẳng tới Lithuania.
Kremlin cảnh cáo dùng tới "biện pháp đặc biệt"
Phản ứng trước động thái của Đức, Điện Kremlin ngay trong ngày 8/4 đã phát đi cảnh báo cứng rắn.
"Tiêu cực! Đây là hành động tiếp tục làm leo thang căng thẳng, tạo ra các ổ ẩn chứa nguy hiểm cho biên giới Nga" – Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Ông Peskov đồng thời cảnh báo, hành động như vậy sẽ buộc Nga phải tiến hành "các biện pháp đặc biệt" để ngăn chặn mối đe dọa.
"Tình hình hiện tại đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để đảm bảo an ninh cho chính mình" – Quan chức Nga nhấn mạnh.
Theo tờ Express (Anh), tương tự như hai quốc gia còn lại ở vùng Baltic (Latvia và Estonia), Lithuania được phương Tây cho là "một trong những mục tiêu khả dĩ" trong trường hợp Nga muốn thực hiện ước mơ khôi phục biên giới thời Liên Xô.
Quân đội Đức cho rằng Lithuania phải đối mặt với mối đe dọa lớn do nước này giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad (của Nga) và Belarus – quốc gia đồng minh thân cận của Moscow.
Ngoài ra, các nhà phân tích quân sự phương Tây tin rằng, "khoảng trống Suwalki" – dải đấy nằm giữa Belarus và Kaliningrad có thể trở thành khu vực căng thẳng lớn nếu quan hệ Nga-NATO rạn nứt hơn nữa.
Tuy nhiên, tờ báo Anh cũng cảnh báo, hành động của Đức làm gia tăng lo ngại về nguy cơ châm ngòi Thế chiến III.
Đáng lưu ý, trong tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cáo buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "cố gắng kéo mọi người vào Thế chiến III" khi đề nghị các nước phương Tây đưa quân tới Ukraine.
"Chúng tôi không cho rằng châu Âu đang xung đột với Nga và không tìm kiếm đối đầu. Chúng tôi sẽ kháng cự mọi âm mưu kéo NATO vào cuộc chiến với Nga tại Ukraine" – Ông Scholz nhấn mạnh.
Giải thích cho hành động của mình, Berlin cho biết việc triển khai quân tới Lithuania là nhằm "ngăn chặn nguy cơ Nga tiếp tục mở rộng chiến dịch quân sự sau Ukraine".
Dù nhằm mục đích gì thì theo truyền thông Nga, đây cũng là một bước đi táo bạo của Đức và có thể thúc đẩy các biện pháp đáp trả từ Moscow.
Vào ngày 4/4 vừa qua, đúng dịp NATO kỷ niệm 75 năm thành lập, Điện Kremlin đã tuyên bố Nga và NATO hiện đang "đối đầu trực diện", đồng thời mô tả NATO là "công cụ của sự đối đầu" và đang thể hiện rõ bản chất.