Ông Putin hồi đáp lời cầu viện của Gagauzia
Theo tờ Politico, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đã cam kết sẽ hỗ trợ khu tự trị Gagauzia của Cộng hòa Moldova (quốc gia giáp ranh Ukraine) sau cuộc gặp với lãnh đạo khu này bên lề "Đại hội Thanh niên Toàn cầu" (World Youth Festival, diễn ra từ ngày 1/3 - 7/3) tại thành phố Sochi, miền nam nước Nga.
Thống đốc Gagauzia Evghenia Guțul - người đã bắt đầu chuyến đi tới Nga từ cuối tuần trước để cầu viện Moscow - cho biết ông Putin "đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho Gagauzia, cũng như người dân của khu tự trị, trong việc đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, duy trì thẩm quyền và vị thế trên trường quốc tế".
"Tôi đã nói cho ông Putin biết về những hành động bất hợp pháp của chính quyền Moldova, họ đang trả đũa chúng tôi vì lập trường công dân của chúng tôi và vì chúng tôi đang đứng về phía quyền lợi lãnh thổ của mình" - Bà Guțul cho hay.
Trước đó, bà Guțul đã có cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko tại thủ đô Moscow. Trong cuộc gặp này, phản hồi trước đề nghị hỗ trợ của Gagauzia, bà Matvienko cũng khẳng định Nga "sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho Gagauzia".
Đám đông vây quanh bà Evghenia Guțul khi vừa từ Nga trở về Gagauzia. Nguồn: Izvestia
Đáng nói, theo tờ Izvestia, khi bà Guțul trở về Gagauzia ngày 8/3 sau chuyến thăm Nga, hàng chục người dân Gagauzia đã chờ sẵn ở sân bay để được gặp bà. Ngoài ra, còn có nhiều đại diện báo chí và nhân viên thực thi pháp luật có mặt.
Trước đó, đã có những lo ngại rằng bà Guțul sẽ bị chính quyền Moldova bắt giữ ngay khi xuống máy bay. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng thông tấn RIA Novosti, điều đó đã không xảy ra, bà Guțul rời sân bay mà không gặp phải cản trở nào.
Trả lời phóng viên, bà Guțul nhấn mạnh "Gagauzia sẽ làm mọi thứ để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow".
Theo Politico, thông báo của bà Guțul về lời hồi đáp của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi chính quyền Transnistria - vùng ly khai thân Nga ở Moldova - đưa ra lời cầu viện tương tự vào tháng trước, trong đó kêu gọi Tổng thống Putin "hãy bảo vệ Transnistria trước những áp lực từ phía chính quyền Moldova".
Liên quan tới yêu cầu của Transnistria, Điện Kremlin cũng đã có phản hồi chính thức. Thư ký báo chí của Tổng thống Putin Dmitry Peskov ngày 6/3 cho biết "Moscow sẵn sàng giúp đỡ Transnistria nếu cần thiết".
Theo Viện nghiên cứu Trung Đông (MEI), Gagauzia nhỏ bé chỉ có diện tích 700 dặm vuông nhưng lại có tiềm năng đóng vai trò to lớn trong nền chính trị khu vực. Nếu Nga đạt được quyền kiểm soát lớn hơn ở Gagauzia thì họ sẽ gần như hoàn tất việc kiểm soát biên giới phía tây Ukraine, đồng thời đặt vùng Odesa của Ukraine dưới mối đe dọa gia tăng.
Trong khi đó, ở Transnistria không chỉ có các công dân Nga, mà còn có cả lực lượng quân sự Nga. Hãng thông tấn TASS cho biết, Nga hiện đang triển khai 1.500 binh sĩ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Transnistria và canh gác kho chứa 20.000 tấn đạn dược mà Liên Xô để lại sau khi rút quân khỏi châu Âu.
Moldova "xé" hiệp ước lịch sử, tức tốc tìm cứu binh
Moldova đình chỉ CFE
Trước những diễn biến phức tạp, kênh tin tức RTVI (trụ sở tại Moscow và New York) đưa tin, chính phủ Moldova đã thông qua dự thảo luật về việc đình chỉ Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Lý giải về quyết định này, Bộ Quốc phòng Moldova cho biết, một trong những lý do là Nga đã rút khỏi CFE vào tháng 11/2023 và khi vẫn đang là một bên tham gia hiệp ước này, Moscow đã phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine.
Hiệp ước CFE được ký kết tại Paris vào ngày 19/11/1990 giữa đại diện của 16 quốc gia thành viên NATO và 6 quốc gia khối Warsaw (trong đó có Liên Xô).
CFE giới hạn số lượng thiết bị quân sự mà các bên tham gia được phép sở hữu (bao gồm xe tăng, pháo binh, máy bay và trực thăng) để sau Chiến tranh Lạnh, không bên nào trong số các phe đối lập trước đây có thể nhanh chóng xây dựng lực lượng chuẩn bị cho chiến tranh.
Năm 2007, Nga đình chỉ tham gia CFE vì cho rằng hiệp ước này không khả khi. Tới tháng 5/2023, Tổng thống Putin đề xuất bãi bỏ hiệp ước và được Duma Quốc gia Nga nhất trí thông qua. Moscow hoàn tất thủ tục rút khỏi CFE vào tháng 11/2023.
Việc rút khỏi CFE sẽ rộng cửa cho Moldova tăng cường trang bị vũ khí.
Trả lời RTVI, ông Nicolae Pascaru, cựu thành viên Quốc hội Moldova cho rằng, bước đi này của Chisinau là một "vấn đề lớn", bởi quốc hội nước này hiện đang đình chỉ nhiều thỏa thuận để dần tiến đến việc rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Theo ông Pascaru, mối quan hệ với Nga hiện nay gần như chỉ dừng ở cấp độ ngoại giao. Phe đối lập thân Nga bị "trấn áp" rất nhiều.
Trong khi đó, ông Vitaly Andrievsky - Giám đốc Viện chính trị Moldova nhận định, trước mắt động thái của chính quyền Chisinau chưa có tác động lớn, bởi hiện tại Moldova đang bị ràng buộc bởi tình trạng trung lập và chưa có đủ năng lực tài chính để sắm thêm vũ khí. Tuy nhiên, việc đình chỉ CFE sẽ mở cửa cho khả năng này trong tương lai.
"Hiện Nga đang đẩy mạnh theo hướng Transnistria và Gagauzia. Điều này tạo ra những mối đe dọa nhất định với Moldova, chủ yếu là gây mất ổn định. Tuy nhiên, ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau sự bất ổn đó? Nga sẽ thực hiện những bước đi nào? Vì thế, Moldova cũng đang cố gắng làm điều gì đó. Việc đình chỉ CFE là bước đi đầu tiên cho tương lai" - Ông Andrievsky nói.
Tìm kiếm sự bảo vệ từ Pháp
Trong khi đó, theo tờ Politico, Moldova đang cảm nhận rõ "sức nóng" từ Nga. Mặc dù nhấn mạnh rằng sức mạnh quân sự Nga đã suy yếu do cuộc chiến ở Ukraine nhưng Ngoại trưởng Moldova Mihail Popșoi cho biết, các mối đe dọa an ninh ngày càng "hung hăng" từ phía Moscow và những dự đoán cho rằng Nga có thể sáp nhập vùng ly khai Transnistria đang gây ra một cảm giác bất an.
Ngay trong ngày 7/3 - một ngày sau khi Thống đốc Gagauzia Evgenia Gutsul có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin và nhận được phản hồi của ông về đề nghị giúp đỡ, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã có chuyến đi tới Paris và gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tại cuộc gặp, bà Sandu cảnh báo rằng Nga đang tiếp tục nỗ lực gây bất ổn cho Moldova, và nếu không chịu dừng lại ở Ukraine, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục mang tới mối đe dọa lớn hơn cho châu Âu.
"Các khu vực tiền tuyến cứ thế tiến gần hơn. Tới gần đất nước của chúng tôi hơn, gần đất nước của ngài hơn. Vì vậy, châu Âu cần thể hiện một mặt trận thống nhất" - Bà Sandu nhấn mạnh.
Một hiệp định hợp tác quốc phòng giữa hai phía đã được ký kết trong cuộc gặp. Tổng thống Macron cho biết, hiệp định này đánh dấu quyết tâm của Pháp trong việc bảo vệ và giúp đỡ Moldova.
Hiệp định sẽ đặt ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đào tạo, đối thoại thường xuyên và chia sẻ thông tin tình báo giữa Pháp-Moldova trong tương lai.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo, một phái bộ quốc phòng của Pháp sẽ được mở tại thủ đô hisinau của Moldova vào mùa hè năm nay để giúp đánh giá nhu cầu của Chisinau. Tiến trình đàm phán giữa hai phía về các hợp đồng cung cấp vũ khí cũng đã bắt đầu.