Trung Quốc tập trung vào miền Tây để phục hồi kinh tế
Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua, 17/5, đã công bố chi tiết kế hoạch “Hướng Tây”, một chiến lược phục hồi kinh tế, trong bối cảnh các tỉnh phía đông phụ thuộc vào xuất khẩu phải hứng chịu những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và áp lực gia tăng từ những lời đe dọa cắt đứt quan hệ thương mại của Mỹ.
Mặc dù các lãnh đạo đất nước cam kết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục mở cửa, nhưng một chiến lược kinh tế mới đang được thực thi. Đó là tập trung phục vụ nhu cầu nội địa khổng lồ.
"Đẩy mạnh sự phát triển của các khu vực phía tây là một quyết định quan trọng nhằm đồng đều hóa sự phát triển giữa các khu vực và phối hợp lợi ích chung, cả trong nước và nước ngoài," trích bản định hướng phát triển do chính phủ, Quốc hội, và Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Quốc phát hành.
Chính phủ cũng sẽ phát triển các dự án năng lượng mới, như các cơ sở lưu trữ dầu và khí ngầm, và khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển hướng hoạt động về phía tây thay vì chuyển ra nước ngoài.
Vào năm 1999, Bắc Kinh cũng đã triển khai một kế hoạch tương tự để thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây với tên gọi “Chiến lược phát triển phía Tây”.
Với sự tham gia của hàng chục tỉnh bao chiếm 3/4 lãnh thổ và 1/4 dân số Trung Quốc, chiến lược này đã đem lại kết quả không đồng nhất trong công cuộc cải thiện tình trạng bất bình đẳng giữa các khu vực trong nước.
Tính đến cuối năm 2018, sau gần hai thập kỷ triển khai, chiến lược đã giúp sản lượng kinh tế của các tỉnh phía tây tăng lên mức 20,5%. Theo một phân tích của giáo sư Đại học Tây Bắc Bai Yongxiu công bố hồi tháng 12 năm ngoái, sự chênh lệch giữa các tỉnh miền đông phát triển hơn với các tỉnh phía tây vẫn ngày càng nới rộng, xét trên chỉ tiêu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nguồn thu ngân sách và thương mại.
Tuy vậy, các tỉnh miền tây Trung Quốc đã chứng minh khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn trong đại dịch COVID-19. GDP của Trung Quốc đã giảm 6,8% trong quý I khi các khoản đầu tư vào tài sản cố định lao dốc tại các tỉnh phát triển hơn ở phía đông như Quảng Đông và Chiết Giang.
Trong khi đó, các tỉnh miền tây Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, vượt trội so với các tỉnh phía đông khi tỉ lệ suy giảm kinh tế ở mức tương đối khiêm tốn.
Chiến lược mới đã công nhận tầm quan trọng của các khu vực phía tây Trung Quốc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của chính phủ Trung Quốc từ này đến cuối năm. Kế hoạch này cũng sẽ giúp chính phủ Trung Quốc có thêm thời gian cho việc hoạch định chiến lược mới.
Nỗ lực để duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Trung Quốc đã trải qua 1 quá trình lịch sử lâu dài về việc lập kế hoạch tự chủ kinh tế. Khi quan hệ với Liên Xô trở nên căng thẳng vào những năm 1950, lãnh tụ Trung Quốc là Mao Trạch Đông đã quyết định chuyển nhiều dự án công nghiệp của quốc gia đến các khu vực miền núi nhằm bảo toàn tài sản trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Chính sách “Mũi nhọn thứ ba” này chỉ dừng lại khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách thị trường cách đây 4 thập kỉ.
Các biện pháp thúc đẩy đầu tư vào các tỉnh nội địa hiện nay đã hiện thực hóa mong muốn của chủ tịch Tập Cận Bình về việc Trung Quốc cần tự chủ hơn trong lĩnh vực công nghệ then chốt, sản xuất thực phẩm và nhu cầu của người tiêu dùng.
Bắc Kinh đang đối mặt với một thách thức lớn để duy trì vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sản lượng xuất khẩu đã giảm 9% trong 4 tháng đầu năm, trong khi vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng quốc tế đang lung lay khi chính quyền tổng thống Trump đang tìm cách đổ lỗi cho nước này về nguồn gốc của dịch COVID-19.
Môi trường bên ngoài đang trải qua những thay đổi rõ ràng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Để duy trì sự tăng trưởng trong tương lai, Trung Quốc cần dựa nhiều hơn vào nhu cầu của thị trường nội địa vì trên hết đây là thị trường lớn nhất thế giới.
Ông Steve Tsang, giám đốc của Viện SOAS Trung Quốc có trụ sở tại London cho biết, “Sự gián đoạn và thiệt hại kinh tế mà cuộc khủng hoảng y tế này gây ra trên toàn cầu sẽ làm thay đổi động lực của quá trình toàn cầu hóa. Hầu hết các nước phương Tây đều sẽ muốn giảm sự phụ thuộc các nguồn cung quan trọng từ Trung Quốc.”
Kế hoạch mới cũng nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy sự phát triển của sáng kiến Vành đai và Con đường, một chiến lược do ông Tập khởi xướng để mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc thông qua mạng lưới các dự án cơ sở hạ tầng và kết nối thương mại với các nước ở châu Á, châu Âu và châu Phi.
Các tỉnh phía tây nằm ở khu vực tận cùng phía đông của Con đường tơ lụa thế kỷ 21 và kế hoạch "Hướng Tây" sẽ nâng cấp các kết nối giao thông với châu Âu và Đông Nam Á.