Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc tìm cách lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc

Hoàng Phạm |

Trung Quốc tìm cách xích lại gần Nhật Bản và Hàn Quốc để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh bất đồng với Mỹ ngày càng khoét sâu.

Căng thẳng gay gắt với Mỹ

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong những tuần gần đây. Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa “cắt đứt mọi quan hệ” với Trung Quốc. Trước đó ông còn gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc” và dọa sẽ tìm cách đòi Trung Quốc bồi thường vì những thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Đầu tháng này, Mỹ áp hạn chế thị thực đối với các phóng viên Trung Quốc làm việc tại Mỹ, theo đó thời hạn làm việc của họ chỉ còn 90 ngày. Tuần trước, ông Trump cũng đã gia hạn thêm 1 năm lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do “các công ty nằm trong danh sách rủi ro an ninh quốc gia” (có cả Huawei và ZTE) sản xuất.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa 2 nước vốn đã bắt đầu xấu đi từ trước đại dịch Covid-19. Năm 2017, chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump nhận định rằng, Trung Quốc đang tìm cách “xóa bỏ an ninh và thịnh vượng của Mỹ và định hình một thế giới đối nghịch với các giá trị và lợi ích của Mỹ”.

Covid-19 trở thành yếu tố làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng, khiến 2 nước vốn đã ở trong guồng quay của những bất đồng về hàng hải, công nghệ, thương mại, càng có quan điểm thù địch với nhau hơn.

“Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị đẩy lên mức chưa từng thấy trong những năm gần đây và đại dịch cũng không ngoại lệ. Sự cạnh tranh luôn chế ngự mối quan hệ, trong khi cả 2 bên đều dường như đều thiếu sự linh động và thận trọng. Bất ổn cũng chiếm phần lớn trong các vấn đề song phương từ thương mại, công nghệ, tới các vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông và các vấn đề liên quan đến Covid-19”, bà Nirupama Menon Rao, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ từ 2009-2011 và từng có thời gian làm Đại sứ tại Mỹ và Trung Quốc, nói với the Hindu.

Bất đồng bủa vây tứ phía

Trung Quốc đang đối mặt với sức ép từ nhiều phía trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận hơn 4,9 triệu người mắc Covid-19 trong đó hơn 320.000 người tử vong (theo cập nhật của Worldometers tính đến chiều 19/5).

Australia đã đề nghị một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19). Cho tới nay, đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia.

“Chúng ta cần một cuộc điều tra độc lập để rút ra các bài học”, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói với các phóng viên hôm 23/4.

Đại sứ Trung Quốc tại Canberra Cheng Jingye sau đó đã “kêu gọi Australia gạt sang một bên những định kiến tư tưởng, chấm dứt trò chơi chính trị và làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy quan hệ song phương”.

Australia là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất của Australia, viện dẫn vấn đề dán nhãn và chứng nhận. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch của Australia sau một cuộc điều tra kéo dài 18 tháng.

Tìm cách lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc

Japan Times dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, mối quan hệ với Mỹ được dự báo sẽ còn tồi tệ ít nhất cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử Mỹ vào cuối năm nay, bởi vậy Trung Quốc đang tìm cách “xích lại gần” Nhật Bản và Hàn Quốc để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

“Đối với Nhật Bản, Trung Quốc là một đối tác thương mại thiết yếu. Nhật Bản cũng cho rằng nền kinh tế sẽ không thể phục hồi nếu không có sự hợp tác với Trung Quốc. Bởi vậy họ sẽ không muốn khoét sâu thêm bất đồng [với Trung Quốc-ND]”, nguồn tin nhấn mạnh.

Hồi tháng 3/2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất ngờ công bố lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với người nước. Biện pháp này được áp dụng ngay cả với những người có thị thực hợp lệ và có giấy phép cư trú. Dù vậy, theo nguồn tin của chính phủ Nhật Bản, Bắc Kinh đã dành một ngoại lệ cho Tokyo khi nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế để các doanh nhân có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 có thể đi lại giữa 2 nước.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu cho phép các doanh nhân Hàn Quốc đáp ứng một số điều kiện nhất định được nhập cảnh, nhằm đảm bảo sự thông suốt cho chuỗi cung cấp –vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi dịch bệnh lây lan.

Trong cuộc điện đàm hơn 30 phút hôm 13/5 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết ông không thay đổi quyết định tới thăm Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Hàn-Trung. Ông Tập dự kiến thăm Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng trên toàn thế giới, Trung Quốc đã buộc phải điều chỉnh lịch trình chuyến thăm.

Một nguồn tin thân cận với tình hình ở Đông Á cho biết: “Tới nay, định hướng ngoại giao của Trung Quốc có thể được quyết định bởi việc một nước có đóng góp như thế nào cho nền kinh tế của nước này”.

Nhật Bản cũng có lập trưởng mềm mỏng đối với Trung Quốc hơn các nước khác, bởi chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đều đang tìm cách cải thiện quan hệ thông qua việc giải quyết hiệu quả những bất đồng song phương.

Một số quan chức Nhật Bản còn lên tiếng phản đối việc chính trị hóa đại dịch Covid-19 và sẽ hợp tác với Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Đầu tháng này, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản nói rằng 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã tới gần và đuổi theo một tàu cá Nhật Bản trong lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Quần đảo không có người ở này (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, nhưng lần này, căng thẳng đã không leo thang./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại