Hãng thông tấn Kyiv Independent tiết lộ, số lượng lớn bom FAB-500 và FAB-1500 với khối lượng lần lượt là 500 và 1.500kg đã được Không quân Nga tập kết tại đơn vị chiến đấu sẵn sàng xuất kích.
Nga bắt đầu sử dụng bom dẫn đường nâng cấp từ bom thông thường từ đầu năm 2023, gây ra mối đe dọa lớn với các đơn vị Ukraine. Đêm 24/3, quân đội Ukraine thông báo, tỉnh Sumy hứng chịu đòn không kích nghiêm trọng, khi máy bay Nga thả 11 quả bom FAB-500 gắn module Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK).
Ngoài ra, chiến đấu cơ Su-34 và Su-35S Nga thả tới 20 quả bom dẫn đường mỗi ngày nhằm vào các mục tiêu dọc tiền tuyến. UMPK gồm thiết bị định vị vệ tinh GLONASS và hệ thống điều khiển để tăng đáng kể độ chính xác, kèm theo cánh nâng cho phép bom bay xa hơn nguyên bản.
Một bộ UMPK có giá xuất xưởng khoảng 24.000 USD. Chi phí này rẻ hơn nhiều so với tên lửa dẫn đường Kh-29 có khối thuốc nổ tương đồng và mức giá lên tới 140.000 USD/quả.
Ưu thế không quân cho phép máy bay Nga thả bom dẫn đường gắn bộ kit UMPK từ độ cao lớn, giúp nó đạt tầm bay tối đa khoảng 50 km, ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không Ukraine.
Trong khi đó, tiêm kích Ukraine phải bay sát mặt đất để tránh bị phát hiện, hạn chế đáng kể tầm bay của bom dẫn đường JDAM-ER do Mỹ chế tạo, khiến chúng không thể vươn tới mục tiêu ở cách 70 km như thiết kế.
Không biết bom FAB-1500 có được trang bị bộ dẫn đường và tăng tầm bay như UMPK hay không, nhưng không quân Nga dường như đã triển khai bom lượn dẫn đường UPAB-1500B nhằm vào các mục tiêu tại thành trì Avdeevka ở tỉnh Donetsk.
UPAB-1500B được đánh giá là loại siêu bom thông thường Nga ra mắt từ năm 2019. Nó sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh GLONASS, có thể đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 10m và mang khối thuốc nổ nặng hơn một tấn.
Loại bom có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 50 km và phù hợp với nhiều mẫu máy bay chiến thuật của Nga. Các quả bom UPAB-1500B công kích mục tiêu Ukraine nhiều khả năng được thả từ cường kích Su-34.
Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat cho biết, cách tốt nhất để đối phó bom dẫn đường Nga là tấn công máy bay mang chúng, nhưng không quân Ukraine không có loại vũ khí nào có thể thực hiện nhiệm vụ này.
Chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27 trong biên chế Ukraine đều ra đời từ thời Liên Xô, không sở hữu radar mạnh và tên lửa tầm xa như chiến đấu cơ Nga, cũng không thể hoạt động tự do bởi lưới phòng không dày đặc của Moscow.
Các tổ hợp đánh chặn S-300PM/PT có tầm bắn hiệu quả 75 km với mục tiêu bay cao, nhưng dễ bị phát hiện và tập kích nếu triển khai gần tiền tuyến. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với tổ hợp tầm trung IRIS-T, NASAMS và Buk-M1, với tầm bắn tối đa khoảng 25-35km.
Tình hình tồi tệ hơn khi tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ nhận định Ukraine có thể cạn tên lửa cho các hệ thống Buk-M1, NASAMS và S-300 vào đầu tháng 5.