Tại trường thử nghiệm và huấn luyện Eglin ở Florida, Không quân Mỹ và Raytheon đã hoàn thành xuất sắc tất cả các thử nghiệm phát triển và vận hành AIM-120D-3.
Giai đoạn kết thúc với màn trình diễn bắn đạn thật AIM-120D-3 từ máy bay chiến đấu F-16, chứng minh khả năng không đối không của loại vũ khí này theo yêu cầu của Không quân và Hải quân Mỹ.
Chiến đấu cơ F-16 phóng tên lửa AIM-120D-3.
Giám đốc Chương trình AMRAAM, ông Sean Bradley cho biết: "Cuộc thử nghiệm tên lửa AIM-120D-3 mới đã chứng minh những cải tiến về khả năng phần cứng và phần mềm của tên lửa. Tôi hài lòng rằng các máy bay chiến đấu của chúng ta sẽ được trang bị phiên bản mới nhất này".
Paul Ferraro, chủ tịch của Air Power tại Raytheon nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi đang tăng cường sản xuất AMRAAM với tốc độ cao hơn bao giờ hết. Với chức năng, hiệu suất và khả năng sản xuất được tăng lên đáng kể, chúng tôi đảm bảo rằng quân đội có thể tin tưởng vào việc có đủ loại vũ khí này trong kho mình."
AIM-120D-3 là biến thể tiên tiến nhất của tên lửa AMRAAM, được phát triển theo chương trình F3R, nâng cấp các thẻ mạch trong phần dẫn đường của tên lửa và cho phép cải tiến phần mềm liên tục. Là một phần của chương trình, thiết bị tên lửa đang được hiện đại hóa, cho phép cải tiến liên tục phần mềm. Tầm bắn của tên lửa thế hệ mới sẽ đạt 180 km.
Cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên của AIM-120D-3 diễn ra vào tháng 7/2022.
Đầu năm nay, Raytheon đã được trao hợp đồng trị giá 1,15 tỷ USD để cung cấp tên lửa AIM-120D-3 và C-8.
Trước đó, vào tháng 9/2022, tập đoàn này đã nhận được một hợp đồng trị giá 972 triệu USD cung cấp các bản cập nhật phần mềm và phần cứng cho tên lửa AIM-120C8.