Không phải Nga hay Iran, Mỹ đang "ngần ngại" trước một "kình địch" lớn khác ở Venezuela?

Quốc Vinh |

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình, thế lực này đang trở thành đối thủ lớn nhất của liên minh quân sự phương Tây NATO, hơn cả so với đối thủ truyền thống là Nga.

Iran đã đi theo những hành động của Nga trong việc bảo vệ mối quan hệ với Venezuela vào thời điểm Mỹ đang tìm cách làm xáo trộn chính trị ở quốc gia Mỹ Latinh, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc mới là mối quan tâm lớn nhất của Lầu Năm Góc, theo tạp chí Newsweek.

Trong vài tuần qua, chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro đang lấy được sự ủng hộ ở khắp mọi nơi, củng cố thêm vị thế quyền lực ở Caracas.

Trong cuộc họp báo hôm 8/4, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza khẳng định rằng, đất nước ông "sẽ tiếp tục hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga" sau quyết định gửi máy bay và 100 nhân viên quân sự gây ra tranh cãi với Washington vào tháng trước.

Ông Arreaza vừa có chuyến công du từ Trung Đông trở về, mang lại sự ủng hộ vững chắc cho Tổng thống Nicolás Maduro từ Syria và Lebanon. Trong khi đó, một phái đoàn các quan chức Tehran cũng đã đến Venezuela hôm 8/4 thông qua hãng hàng không Mahan Air của Iran.

Hãng hàng không thương mại thuộc sở hữu tư nhân từng bị xử phạt vào năm 2011 sau khi Mỹ cáo buộc "cung cấp hỗ trợ tài chính, vật chất và công nghệ" cho Vệ binh Cách mạng Iran, nhóm quân sự ưu tú mới đây cũng bị chỉ định là "tổ chức khủng bố" trong tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump hồi đầu tuần.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình Venezuela đang đi theo chiều hướng nóng, người đứng đầu bộ chỉ huy miền Nam của Hải quân Mỹ, Đô đốc Craig Faller nói ông quan tâm nhiều hơn về một quốc gia khác đang phản đối những nỗ lực thay đổi chính quyền ở Venezuela. Đó là Trung Quốc.

"Tôi nghĩ sự quan ngại lớn nhất hiện nay là xu hướng mà chúng ta thấy ở Trung Quốc", ông Faller nói với tạp chí Foreign Policy hôm 8/4.

Washington trong những năm qua đã thường xuyên đụng độ với những chính sách của Bắc Kinh, bao gồm cả các dự án quy mô lớn trải dài từ châu Á, qua châu Phi, châu Âu và đến tận phía Tây như Mỹ Latinh.

Phó Tổng thống Mike Pence thậm chí tin rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đang biến nước này thành đối thủ lớn nhất của liên minh quân sự phương Tây NATO, hơn cả so với đối thủ truyền thống là Nga.

Về phần mình, người phát ngôn của bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gần đây đã phủ nhận các báo cáo nói rằng Bắc Kinh đã gửi 120 binh sĩ tới Venezuela hay tham gia sâu vào những diễn biến ở quốc gia này.

Tuy nhiên, đối thủ kinh tế hàng đầu của Mỹ được cho là đã bán vũ khí trị giá hơn 615 triệu USD quốc gia Nam Mỹ. Trung Quốc cũng đã đề nghị giúp xây dựng lại lưới điện bị hư hại của đất nước, tích cực giúp đỡ Venezuela trong nhiều lĩnh vực.

Không phải Nga hay Iran, Mỹ đang ngần ngại trước một kình địch lớn khác ở Venezuela? - Ảnh 2.

Tổng thống hợp pháp Venezuela Nicolás Maduro và nhà lãnh đạo tự xưng Juan Guaidó.

Trong khi Mỹ, cùng với một số quốc gia châu Mỹ La tin h, cũng như các đồng minh phương Tây ở nước ngoài, ủng hộ Juan Guaidó – lãnh đạo phe đối lập, Tổng thống Maduro vốn được coi là nhà lãnh đạo hợp pháp ở Venezuela vẫn được Trung Quốc, Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, bên cạnh các nước Cuba, El Salvador, Mexico, Nicaragua và Uruguay lên tiếng ủng hộ trong khu vực.

Moscow và Bắc Kinh đã cảnh báo Washington trong việc can thiệp chống lại chính quyền Maduro và đã gửi viện trợ quốc tế sau khi tình hình chuyển biến xấu.

Sự hiện diện của các máy bay Nga, Trung Quốc và Iran ở Caracas đã khiến Mỹ phẫn nộ. Tổng thống Trump hồi tháng trước cho biết, ông đang xem xét bổ sung quốc gia hàng xóm lớn khác của Venezuela là Brazil vào NATO sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro đắc cử.

Nói với đài phát thanh Jovem Pan trong nước hôm 8/4, Bolsonaro cho biết, ông đang làm việc cùng với Tổng thống Trump để thúc đẩy làn sóng phản đối trong lực lượng vũ trang Venezuela, những người vẫn trung thành với Tổng thống Maduro.

Theo Reuters, động thái này cho thấy ông có thể ủng hộ hành động quân sự của Mỹ chống lại Venezuela, mặc dù ông cảnh báo điều đó có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh du kích kéo dài.

Tổng thống Bolsonaro trước đây đã xem xét đề nghị về một căn cứ quân sự của Mỹ ở Brazil sau khi Nga gửi một phái đoàn quân nhân, cũng như máy bay ném bom đến Venezuela vào tháng 12. Cùng tháng đó, Iran tuyên bố đang lên kế hoạch cử một phái đoàn hải quân trong một chương trình ủng hộ chính quyền Maduro.

Khi áp lực đối với Chính phủ Maduro có dấu hiệu tuột dốc, bộ Ngoại giao Mỹ đã lên kế hoạch tăng cường liên minh gây sức ép của riêng mình trong tuần tới.

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Venezuela Elliott Abrams đã lên kế hoạch gặp các quan chức Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tại Lisbon và Madrid, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự ở Chile, Paraguay, Peru và Colombia.

Động thái của Mỹ cho thấy phe ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaidó sẽ không từ bỏ việc chống lại chính quyền Tổng thống Maduro, dẫu cho Nga, Iran và Trung Quốc đã sẵn sàng có những biện pháp tăng cường bảo vệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại