Điều gì làm nên một người trưởng thành?
Nhiều thế kỷ trước, con trai 15 - 16 tuổi, thậm chí là 13 tuổi cũng được xem là đủ lớn để lao động. Xét trên góc độ luật pháp ngày nay, tuổi trưởng thành là khi bạn tròn 18 tuổi.
Với người giàu triết lý hơn, trưởng thành là lúc bạn kết hôn, nhận thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình và con cái. Với người thực dụng, bạn cần phải có một sự nghiệp thành công, đó mới là trưởng thành.
Còn khoa học thì sao? Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tin rằng con người thực sự chỉ trưởng thành ở giai đoạn 30 tuổi. Dù mỗi người sẽ có mốc trưởng thành khác nhau, nhưng vẫn phải ngoài 30.
Lý do được đưa ra cũng rất thực tế: nó nằm ở những thay đổi trong não bộ của con người xuyên suốt tuổi dậy thì và giai đoạn 20 tuổi, mà phải qua 30 mới bắt đầu hoàn thiện. Chẳng hạn, các neuron thần kinh qua tuổi dậy thì vẫn tiếp tục phát triển và kết nối, rồi trở nên ổn định hơn vào năm 30. Thậm chí với nhiều người, sự thay đổi ấy vẫn tiếp tục sau 30 tuổi.
Đó không phải là những thay đổi "suông" mà còn gây ảnh hưởng đến hành vi của bạn, thậm chí còn đóng góp vào quá trình hình thành một số bệnh tâm thần ở người, như chứng tâm thần phân liệt. Theo thống kê, độ tuổi trung bình của những trường hợp hình thành tâm thần phân liệt là giai đoạn từ 18 đến đầu 20 ở nam giới, và cuối 20 - 30 ở phụ nữ.
"Chúng tôi muốn nói rằng việc định nghĩa sự trưởng thành của chúng ta hiện nay có phần vô lý. Đó là một quá trình dài hạn, có thể kéo dài đến 30 năm," - Peter Jones, giáo sư khoa học thần kinh từ ĐH Cambridge cho biết.
Theo Jones, đây là một kết luận hợp lý hơn. Ở tuổi 20, cơ thể và não bộ vẫn tiếp tục phát triển. Các tác động từ yếu tố kinh tế - xã hội bên ngoài góp phần làm quá trình trưởng thành trong não chậm lại, kéo dài giai đoạn "thiếu niên" ở người, do đó phải đến 30 não mới hoàn toàn trưởng thành.
"Nhiều người trong chúng ta mới chỉ đang bước trên con đường trưởng thành mà thôi," - Jones giải thích.
Dù vậy, thực tế thì 18 vẫn là tuổi trưởng thành được công nhận trên đa số các quốc gia trên thế giới. Nên nếu đã qua 18 mà vẫn nuối tiếc quyền lợi tuổi trẻ thì... xin chia buồn nhé.
Tham khảo: Science Alert, IFl Science, CNN