Vào khoảng giữa thế kỷ 20, cuộc chạy đua lên không gian giữa Liên Xô và Mỹ trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cả hai bên đều tập trung đầu tư vào những nhà khoa học hàng đầu để có thể trở thành cường quốc đầu tiên chinh phục không gian.
Mở đầu "cuộc chiến" đó, Liên Xô mở màn bằng chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin lên không gian vào 12/4/1961. Nó giống như một cú đấm thẳng vào bước màn mỏng giới hạn con người với vũ trụ xung quanh.
Nhưng đó mới chỉ là những nước đi đầu tiên, con người không thể thỏa mãn chỉ với một chuyến bay thành công lên vũ trụ và Liên Xô cũng vậy. Đây sẽ chỉ là nền móng ban đầu để họ xây dựng những thành công tiếp theo.
Tương tự, đó cũng là áp lực đặt lên phía Mỹ, buộc họ phải sáng tạo nhiều hơn, đột phá nhiều hơn nếu không muốn bị bỏ lại quá xa trong cuộc đua chinh phục không gian này. Và kết quả là họ có bước chân đầu tiên của Neil Amstrong lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969.
Tuy nhiên, đó vẫn là tương lai, bởi trước khi phía Mỹ tạo được dấu ấn lịch sử này, bên phía Liên Xô đã có thêm một sự kiện quan trọng vào 18/3/1965.
Bước chân lịch sử giúp Liên Xô vượt mặt Mỹ trong cuộc đua không gian
Như đã đề cập ở trên, Gagarin đã làm nên lịch sử, đem lại niềm tự hào cho Liên Xô khi thực hiện thành công sứ mạng bay lên không gian của mình. Nhưng như thế là không đủ đối với những khao khát cháy bỏng chinh phục một "miền đất mới".
Sau bốn năm miệt mài chuẩn bị, đầu tư vào trang thiết bị cũng như mài giữa nhân lực, Liên Xô tiếp tục chuẩn bị cho một chuyến bay nữa với nhiều mục tiêu hơn.
Với con tàu Voskhod 2 (tàu vũ trụ tối tấn nhất thời bấy giờ của Liên Xô) cùng hai phi hành gia là chỉ huy Pavel Belyayev và phi công Alexey Leonov, họ ấp ủ một dự định táo bạo bậc nhất: Đi bộ ngoài không gian.
Thời khắc đã đến...
Alexey Leonov được người chỉ huy hỗ trợ để thực hiện sứ mệnh của mình. Lúc này, con tàu Voskhod 2 đang ở cách mặt đất gần 500km, tất cả mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào thì hai người cũng chỉ có thể dựa vào bản thân mình.
11h30 (giờ Moscow) ngày 18/3/1965, Leonov chính thức bước chân ra ngoài không gian. Đó là loại trải nghiệm mà cả đời này ông sẽ không bao giờ quên. Xung quanh yên tĩnh đến lạ kỳ, thậm chí Leonov còn có thể nghe rõ tiếng tim mình đập.
Nhưng sự phấn khích đó vẫn bị nén lại để Leonov có thể thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình trong sứ mệnh này, đó là quan sát khoảng không và quay phim tư liệu, đó sẽ là những tư liệu vô giá đối với sự hiểu biết của con người về vũ trụ ngoài kia.
Mang trên mình bộ đồ được chế tạo đặc biệt để con người có thể tiến vào không gian, Leonov lúc này được nối với tàu bằng dây cáp và cách đó khoảng 5,35m - một khoảng cách đủ để phi hành gia này vừa có thể tận hưởng trọn vẹn không gian lạ lẫm xung quanh vừa giữ cho ông một sự an toàn nhất định.
Kết thúc nhiệm vụ, Leonov quay trở về tàu, nhưng chính trong lúc này, một sự cố không mong muốn đã xảy ra. Bộ đồ vũ trụ của ông bỗng nhiên bị phồng lên bất thường, điều này là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với chính phi hành gia cũng như ảnh hưởng tới quá trình về lại tàu của Leonov.
Đứng trước sự cố bất ngờ này, Leonov bỗng có quyết định rất nhanh nhưng đầy mạo hiểm, ông tự mình xả bớt không khí trong bộ đồ để giảm áp suất. Việc này giúp quần áo không bị phồng lên nữa nhưng lại khiến Leonov đối mặt với việc bị giảm áp đột ngột.
May mắn, bằng vào ý chí kiên định phi thường của mình, phi hành gia Leonov đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất để giữ lại sự tỉnh táo và trở lại tàu.
Hành trình này Leonov thực sự quá dài và tiềm ẩn vô số nguy hiểm, nhưng cuối cùng, ông cùng chỉ huy của mình vẫn có thể trở về Trái Đất an toàn.
Tham khảo nhiều nguồn