Việc các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada giảm thuế về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch XK. Điều này góp phần thúc đẩy DN mở rộng sản xuất.
Bộ Công Thương đánh giá, DN Việt Nam khi XK hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Về cơ bản, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của ta như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), về cơ bản, mặt hàng thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp, cá viên) Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm.
Đặc biệt với một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Việt Nam không đạt được thỏa thuận xóa bỏ thuế quan cho mặt hàng thủy sản trong các khuôn khổ song phương và khu vực đến nay sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Đây chính là cơ hội để thủy sản của Việt Nam thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới cũng như mở rộng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống.
Tôm hùm xuất xứ từ Canada nhập về Việt Nam từ 14/1 giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15% . Người Việt sẽ được mua tôm hùm giá rẻ, nhưng DN thủy sản thì sao?
“Khi thuế xuất giảm, sản phẩm thủy sản tăng cơ hội nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu khác.
VASEP đang khuyến cáo các DN phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa cho tới việc đánh bắt hải sản hợp pháp", ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Hiệp định CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi XK vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình).
Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.
Ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2019, Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP.
Quy tắc này khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, khuyến khích đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối CPTPP.
Theo Bộ Công Thương, cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số DN, trước hết là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản.
Liên quan đến việc khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu mặt hàng tân trang, liệu rằng Việt Nam có quản lý được nhóm hàng này để không nhập về “rác thải công nghệ” hay không, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Cam kết về hàng tân trang là một trong các nội dung mới mà Việt Nam chưa từng cam kết trong các FTA đã ký kết.
Tuy nhiên, khi đàm phán và thống nhất nội dung này, Việt Nam cũng đã bảo lưu được một khoảng không chính sách nhất định để Chính phủ có thể quản lý và kiểm soát mặt hàng này một cách chủ động và hiệu quả khi Hiệp định có hiệu lực.
Cụ thể, hàng hóa phải là hàng hóa thu được toàn bộ hoặc một phần từ các nguyên vật liệu được thu hồi, có tuổi thọ và chức năng giống hệt hoặc tương tự hàng mới và có chứng nhận bảo hành như hàng mới mới được coi là hàng tân trang và được phép nhập khẩu vào thị trường CPTPP theo mức thuế suất như đối với hàng mới.
Đặc biệt, ta cam kết sẽ chỉ cho phép nhập khẩu loại hàng hóa này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Ngoài ra, Việt Nam cũng bảo lưu một danh mục loại trừ các mặt hàng được cho là hàng tân trang bao gồm: xe máy, xe đạp và một số máy móc điện-điện tử gia dụng như quạt điện, máy điều hòa không khí, máy sấy, máy rửa bát, máy giặt, máy hút bụi, v.v... Các mặt hàng này không được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo cam kết về hàng tân trang.
Đặc biệt, TPP11 có hiệu lực trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra, có người nói rằng với việc tự do hóa thương mại thì không cẩn trọng Việt Nam thành bên trung gian “bị lợi dụng”.
Trước vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột thương mại thì nguy cơ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp của nhau là có. Nguy cơ này xuất hiện không phụ thuộc vào việc ta có tham gia TPP11 hay không. Nguy cơ này đã được nhận diện và Bộ Công Thương đã liên tục có cảnh báo về nguy cơ này.
Một số biện pháp cũng đã được áp dụng để củng cố, kiện toàn công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Việt Nam là đất nước mở cửa, luôn chào đón đầu tư nước ngoài nhưng nếu nhà đầu tư nào có ý định lợi dụng Việt Nam để gian lận xuất xứ thì nên suy nghĩ lại bởi sẽ bị xử lý rất nghiêm nếu bị phát hiện.
Để hội nhập và tận dụng được cơ hội từ CPTPP, theo các chuyên gia, DN cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng XK trong thời gian tới.
DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
DN cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.
Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Để hỗ trợ các DN, có thể tận dụng được tối đa cơ hội và giảm thiểu thách thức, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của DN về các quy định, cam kết của Hiệp định.
Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.