Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ hôm nay: Nhân tố mới cho tăng trưởng kinh tế

Phan Thế Hải |

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và các văn kiện liên quan vào 12/11/2018. Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ hôm nay 14/1. Đây được coi là một nhân tố quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019.

Cũng cần phải nói thêm, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.

Các nước tham gia CPTPP có tổng GDP: 10,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu. Tổng dân số: 495 triệu người, chiếm 6,8% dân số thế giới.

Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trao đổi với Nhadautu.vn, TS. Phạm Tất Thắng - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Công Thương cho rằng: Với sự đồng thuận cao và những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, Việt Nam là nhân tố quan trọng để CPTPP được ký kết và có hiệu lực.

Cũng chính từ sự đồng thuận cao trong hệ thống quyền lực, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để hội nhập với khu vực theo tinh thần mà Hiệp định này đã được ký kết và thông qua. Sự nỗ lực của hệ thống hành chính là nhân tố quan trọng cho tăng trưởng GDP.

Theo ông Thắng, do lịch sử để lại, nền kinh tế Việt Nam hiện đang chịu nhiều rào cản từ thể chế. Để tạo động lực mới, điều quan trọng nhất là cải cách thế chế, cắt giảm giấy phép con của các bộ ngành, dỡ bỏ rào cản.

Trong những năm qua, việc này đã có những bước tiến dài nhưng đôi lúc bệnh cũ tái phát. Một số bộ ngành tiếp tục ban hành những thông tư, nghị định mà thực chất đây là những “giấy phép con”, những rào cản mới mọc lên. Khi CPTPP có hiệu lực, việc cải cách thể chế sẽ phải làm tiếp tục với một lộ trình mạch lạc hơn.

Ông Thắng cho rằng, cùng với việc truyền cảm hứng từ Hiệp định mới có hiệu lực, những nhân tố cũ có cơ hội phát huy tốt hơn. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, công nghệ mới, nông nghiệp sạch... bắt đầu phát huy tác dụng.

Đặc biệt là khi được tham gia vào một thị trường rộng lớn hơn là CPTPP, những sản phẩm có sức cạnh tranh mới của Việt Nam như ô tô Vinfast, Trường Hải; điện thoại thông minh của Samsung; Vsmart, Bphone... sẽ có cơ hội tham gia thị trường khu vực mà không vướng vào những hàng rào thuế và phi thuế.

Với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực, TS. Nguyễn Thạc Hoát - Trưởng khoa Tài chính - Đầu tư (Học viện Chính sách phát triển) cho rằng: Việt Nam còn một nguồn lực vô cùng quan trọng đó chính là kinh tế ngầm. Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng đỡ và bắt đầu thức tỉnh, không còn ngầm nữa, đây sẽ là nguồn lực không nhỏ.

Hiện tại ở Việt Nam, tình trạng kinh tế ngầm diễn ra khắp nơi trên thế giới với tỷ trọng xấp xỉ 25% GDP quốc gia.

Khi nền hành chính tốt hơn, tính minh bạch cao cao hơn, sẽ không còn những doanh nhân hoạt động theo mô hình “anh hùng Núp” nữa, họ sẽ bước ra ánh sáng để tham gia một cuộc chơi sòng phẳng, đàng hoàng.

Ông Hoát cũng cho rằng, với một nền kinh tế xấp xỉ 100 triệu dân, thị trường nội địa Việt Nam có sức mua rất lớn mà chưa được đánh thức. Việc khai thác tốt thị trường này sẽ là động lực quan trọng để kinh tế có những bước phát triển tốt hơn.

Khác với sự lạc quan của ông Phạm Tất Thắng, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng: Việc CPTPP có hiệu lực là câu chuyện dài hạn, sẽ chưa có thay đổi đáng kể trong năm nay.

Theo ông Thiên, CPTPP thực chất là TPP 11, với sự rút lui của Mỹ, thị trường lớn nhất của Việt Nam. Khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu, nhưng với TPP 11 thì ở những thị trường còn lại không quá lớn để kinh tế Việt Nam có tăng trưởng đột biến.

Một yếu tố nữa là việc cải cách thể chế, khi CPTPP có hiệu lực sẽ tạo áp lực lên việc cải cách thể chế. Một thể chế được cải cách thông thoáng hơn theo mô hình của Chính phủ kiến tạo sẽ khuyến khích đầu tư trong nước và các dòng vốn FDI.

Đặc biệt là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mới chỉ là bước dạo đầu thì việc dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ là tất yếu. Điều quan trọng là Việt Nam cần phải biết cách nói không với các dự án FDI kém chất lượng và đón những dự án tốt, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững và lâu dài.

TS. Phạm Tất Thắng bổ sung thêm: Một trong những nhân tố nữa có thể góp phần làm tăng trưởng kinh tế là việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Nhiều DNNN đã được cổ phần nhưng nhà nước vẫn nắm giữ trên 51% mà chưa thoái vốn. Việc Nhà nước thoái vốn ở những lĩnh vực không cần thiết sẽ nhường lại không gian kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân.

Điều này không chỉ ngăn được việc phát sinh thêm những khoản thua lỗ, mất vốn, những “cục máu đông” của nền kinh tế mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng hơn cho nền kinh tế.

Với việc CPTPP có hiệu lực, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, các DN Việt có thêm nhiều cơ hội để vươn ra nước ngoài mà không còn vướng mắc về hàng rào thuế quan.

Việc tự do hóa dịch vụ cũng mở ra nhiều cơ hội khi Việt Nam là một nước có nguồn nhân lực dồi dào và có thế mạnh ở lĩnh vực này. Cơ hội trước mắt là rất lớn, nhưng tận dụng nó đến đâu tùy thuộc vào sự nỗ lực đồng bộ, không chỉ từ doanh nghiệp mà còn là của cả hệ thống chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại