Không kích tàn phá Idlib, Nga dọa dẫm Thổ Nhĩ Kỳ?

Mạnh Kiên |

Nga đang tiến hành các cuộc không kích để tạo áp lực hoặc gửi thông điệp như một phần trong quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ.

Không kích tàn phá Idlib, Nga dọa dẫm Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường thêm lực lượng quân sự ở Idlib trong vài tuần qua.

Cuộc chiến Idlib sôi sục

Vào ngày 18/8, ba chiến đấu cơ của Nga đã tiến hành 12 cuộc không kích ở các vùng ngoại ô phía Tây Idlib. Các cuộc không kích diễn ra bất chấp thỏa thuận ngừng bắn ngày 5/3 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyib Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhằm thiết lập một hành lang an ninh xung quanh đường cao tốc chiến lược M4 nối các tỉnh Aleppo và Latakia.

Các báo cáo gần đây cho thấy, quân đội Chính phủ Syria đã mang quân tiếp viện tới Idlib, báo hiệu một cuộc chiến sắp xảy đến trong khu vực. Trong khi đó, các cuộc không kích của Nga đã thúc đẩy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ củng cố thêm sức mạnh quân sự ở vùng nông thôn Idlib.

Phát ngôn viên quân sự của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), tổ chức khủng bố đang thống trị ở Idlib cho hay, nhóm này vẫn tiếp tục củng cố quân sự để xem xét các kịch bản có thể xảy ra.

Nhóm này cũng tăng cường chi viện quân sự dọc tuyến đầu nhằm chờ đợi phản ứng từ lượng dân quân thân chính quyền Assad. Các lực lượng dân quân này đang huy động lực lượng trên nhiều mặt trận, chủ yếu là vùng nông thôn Latakia, phía Nam và phía Đông Idlib.

"Nếu Damascus không tuân theo thỏa thuận đã ký ngày 5/3 và cố gắng tiến công để kiểm soát đường cao tốc M4, nơi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang tuần tra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện các kế hoạch B và C mà Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã soạn thảo trước thỏa thuận ngày 5/3.

Phương án khả dĩ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và các phe đối lập ở Syria sẽ sẵn sàng chiến đấu với lực lượng Damascus để thúc đẩy họ rút lui khỏi các khu vực đã giành được quyền kiểm soát gần đây", Khalid Kutayni , một lãnh đạo Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nói với Al-Monitor,

"Mặc dù Nga cho đến nay vẫn hoàn toàn ủng hộ các chính sách của Tổng thống Assad, nhưng nước này sẽ đánh giá lại tình hình trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cảnh báo Damascus không đến gần các địa điểm do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng ở Idlib. Nga lo ngại về việc mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ vì hai nước có chung lợi ích chiến lược.

Tuy vụ việc ở Libya không ảnh hưởng đến tình hình Idlib nhưng nó lại ảnh hưởng đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đồng ý đổi Idlib lấy thành phố trọng điểm của Libya là Sirte. Chúng tôi đã nghe tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được phép kiểm soát Sirte nếu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Nga kiểm soát Idlib, nhưng điều này không đúng", Kutayni nói thêm.

Đấu trí chính trị

Không kích tàn phá Idlib, Nga dọa dẫm Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

"Chảo lửa" Idlib được dự đoán có nguy cơ bùng cháy.

Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang hỗ trợ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận ở Libya.

Trong những tháng gần đây, các lực lượng trung thành với GNA đã giành quyền kiểm soát một số khu vực xung quanh Tripoli, bao gồm cả căn cứ không quân al-Watiya vốn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar thuộc Quân đội Quốc gia Libya (LNA), phe được Ai Cập và UAE hậu thuẫn.

Với những tiến bộ này, GNA đã nhắm đến thành phố trọng yếu Sirte và gần đây đã công bố chuẩn bị đánh đuổi lực lượng tướng Haftar để chiếm giữ thành phố.

"Nga thường tiến hành các cuộc không kích tương tự để tạo áp lực hoặc gửi thông điệp như một phần trong quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này không giới hạn ở tình hình Idlib mà còn liên quan đến nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả ở Libya.

Trong khi đó, các lực lượng Syria và Iran lại tiếp tục gây ra những giao tranh nhỏ. Các cuộc pháo kích bừa bãi đã nhấn chìm khu vực trong tình trạng hỗn loạn", Majd Kilany, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Jusoor ở Idlib, nói với Al-Monitor.

"Damascus đang gửi quân tiếp viện đến mặt trận ven biển, đặc biệt là trục Kabina, nơi các lực lượng Nga vẫn đang tạo cơ hội để đảm bảo sự hiện diện của họ trên bờ biển Syria", ông nói thêm.

"Quyết định chiến đấu ở tây bắc Syria mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự. Dựa trên các cân nhắc chính trị, không có khả năng thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/3 sẽ sụp đổ hoặc bị vi phạm trên quy mô lớn. Sự trở lại của các cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4 là một chỉ số quan trọng cho thấy, cả hai bên đều muốn duy trì bản đồ khu vực và duy trì lệnh ngừng bắn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại