Câu chuyện của một cậu học trò nghèo ở Trung Quốc
Khi bố nén tiếng thở dài, bàn tay run rẩy đưa số tiền 4.533 NDT (gần 16 triệu đồng) phải vay mượn khắp nơi mới có được cho mình, nó hiểu rõ hơn ai hết, rằng sau khi đóng 4.100 NDT tiền học phí, nó còn lại tất cả 433 NDT để tiêu cho tất cả các khoản khác trong suốt một học kỳ!
Nó cũng rõ hơn ai hết, rằng người cha lớn tuổi của mình đã cố gắng hết sức, chẳng thể gửi cho nó thêm được nữa.
"Bố, bố yên tâm nhé, con trai còn có đôi bàn tay, hai con mắt…"
Nén chặt nỗi xót xa, nở nụ cười an ủi bố xong, nó quay lưng cất bước trên con đường núi quanh co uốn khúc.
Trong cái quay lưng thật nhanh ấy, đã có nước mắt rơi.
Ảnh minh họa.
Đi đôi dép nhựa không còn mới, đi bộ một quãng đường núi dài lê thê, tiêu mất 68NDT tiền xe khách, điểm cuối cùng chính là ngôi trường đại học mà nó vừa thi đỗ.
Đến trường, trừ tiền xe, tiền học phí, trên tay nó chỉ còn lại 365 NDT. Số tiền này dùng trong 5 tháng, phải làm thế nào để sống suốt một học kỳ đây?
Nhìn những học sinh khác cổ đeo tai nghe MP3, quần áo hàng hiệu qua lại, cười tươi chào nó, nó cũng cười đáp lại, nhưng chẳng ai biết rằng, nó đang cố ngăn nước mắt không rơi.
Cơm, chỉ ăn hai bữa, mỗi bữa 2 đồng không được hơn, đó là mức chi tiêu thấp nhất có thể mà nó tự đặt ra cho mình. Thế nhưng dù có như vậy, nó vẫn chẳng thể duy trì đến cuối học kỳ.
Nghĩ đi nghĩ lại, nó quyết tâm chạy đến cửa hàng điện thoại mua một chiếc điện thoại cũ, ngoài việc có thể nghe gọi, chỉ có thêm chức năng nhắn tin.
Ngày hôm sau, trên các bảng tin ở trường học xuất hiện ồ ạt thông tin quảng cáo có nội dung:
"Bạn có cần dịch vụ giúp việc không? Nếu bạn không muốn đi mua cơm, lấy nước, đi nạp tiền điện thoại… hãy nhấc điện thoại lên và nói với tôi, tôi sẽ phục vụ trong thời gian ngắn nhất. Giúp việc trong trường mỗi lần 1 đồng, bên ngoài trường mỗi lần 2 đồng".
Quảng cáo mới dán, điện thoại của nó đã bận hệt như "đường dây nóng".
Một anh học mỹ thuật năm cuối gọi điện đến nói: "Buổi sáng anh không muốn dậy đi mua cơm, việc này nhờ em!"
"Vâng, vậy cứ 7h sáng hằng ngày em giao cơm lên tận phòng ngủ cho anh."
Nó hưng phấn và thích thú ghi đơn hàng đầu tiên. Vừa ghi xong, một tin nhắn khác lại đến: "Cậu có thể giúp tôi mua một đôi giày và gửi lên phòng 504 không? Cỡ 41, cần loại chống thối."
Nó là một thằng bé thông minh.
Vào trường không lâu, nó phát hiện một hiện tượng thú vị: Các sinh viên năm thứ ba, thứ tư – những người có điều kiện gia đình khá giả trong trường ngày càng có xu hướng lười nhác, cả ngày mải mê học hoặc chơi điện tử trong ký túc xá, thậm chí đến việc xuống nhà mua cơm cũng ngại.
Trong khi đó, nó là một thằng bé lớn lên ở vùng đồi núi, chân cứng đá mềm, leo 4, 5 tầng cầu thang chỉ là chuyện nhỏ.
Chiều đó, một người bạn gọi điện nhờ nó ra ngoài trường mua giúp 15 NDT tiền đồ ăn nhanh.
Cúp điện thoại, nó chạy đi như một cơn gió, vừa đi vừa về chưa đến 10 phút. Người bạn kia rút ra 20 NDT đưa cho nó, nó tìm tiền lẻ trả lại 3 đồng, vì giá đã được làm sẵn rồi, ra ngoài trường 2 đồng tiền công. Làm ăn, bất luận thế nào cũng phải giữ chữ tín.
Về sau, nhờ vào hiệu quả và uy tín làm việc mà "khách hàng" thường xuyên tìm đến nó. Có được những mối làm ăn tốt như vậy, bản thân nó cũng cảm thấy ngạc nhiên.
Có lần hết giờ học, vừa mở điện thoại, nó đã nhận được cả đống tin nhắn đặt dịch vụ.
Buổi chiều hôm đó, trời mưa rất lớn, điện thoại kêu liên hồi. Là một cô bạn gái gửi tin nhắn đến, nói là trời mưa to quá, cần một chiếc ô, càng nhanh càng tốt.
Nhận tin nhắn xong, nó lao ra khỏi trời mưa, đưa ô cho khách cũng là lúc nó ướt như chuột lột. Cô gái cảm động, bất ngờ tặng cho nó một cái ôm ấm áp!
Đó là lần đầu tiên, nó nhận được một cái ôm từ một cô gái! Nó luôn miệng cảm ơn, nước mắt bất giác trào ra…
Cùng với độ "nổi tiếng" tăng dần, việc làm ăn của nó ngày càng thuận lợi. Chỉ cần khách hàng yêu cầu, nó sẽ cung cấp dịch vụ nhanh nhất, ưu đãi nhất.
Cảm giác chẳng mấy chốc, học kỳ đầu tiên đã kết thúc nhanh chóng theo những bước chân chạy không ngừng nghỉ của nó.
Nghỉ đông về nhà, người cha già vẫn đang phiền muộn vì số tiền học phí của con phải đóng trong kỳ tới. Bất ngờ, nó rút ra 1000 NDT nhét vào tay bố, nói:
"Bố, mặc dù bố không cho con một gia đình giàu có nhưng bố đã cho con một đôi chân rắn chắc, biết chạy thật nhay. Nhờ có đôi chân này, con nhất định sẽ "chạy" hết đại học, sẽ "chạy" để được công thành danh toại!"
Nhận thêm ngày càng nhiều việc, nó đứng ra tổ chức những người bạn có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ công việc với mình, phạm vi cung cấp dịch vụ cũng ngày càng được mở rộng chứ không còn bó hẹp trong vườn trường như trước.
Dần dần, từ chỗ giao hàng ăn, những mặt hàng thiết yếu, sản phẩm được mở rộng sang hàng điện tử, linh kiện điện tử…
Hết học kỳ một, nó không chỉ mua được máy tính mà còn có một tập khách hàng đông đảo trên mạng, lại được một trung tâm thương mại lựa chọn làm tổng đại lý trong trường.
Chạy, chạy và không ngừng chạy, nó cứ thế chạy đến cái đích mang tên thành công. Nó nói, năm thứ tư đại học, nó không chỉ tốt nghiệp loại xuất sắc mà còn kiếm "thùng vàng đầu tiên" để sau này lập nghiệp. Nó tự mặc định "thùng vàng đầu tiên" ấy có trị giá 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỉ đồng).
Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?
Nếu là bạn, bạn có hành động như nhân vật chính trong câu chuyện trên? Hay bạn sẽ oán trách bố mẹ và xã hội?
Nếu bạn gặp phải trời mưa, mưa rất to, bạn không có ô trên đầu, bạn sẽ làm thế nào? Sẽ nỗ lực, dốc hết sức để chạy hay bình tĩnh, thong thả đi dưới mưa?
Câu hỏi này có thể sẽ đưa chúng ta liên tưởng đến một câu chuyện đầy tính triết lý:
Có hai người đang đi bộ trên đường thì mưa bất chợt đổ xuống. Một trong hai người co cẳng chạy thật nhanh trong khi người còn lại chẳng hề hành động gì, cứ bình tĩnh đi như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Người đi đường cảm thấy hiếu kỳ, liền hỏi: "Tại sao anh không chạy?"
Anh ta đáp: "Tại sao phải chạy, lẽ nào phía trước không mưa? Đằng nào cũng đã ở trong mưa rồi, cần gì phải phí sức chạy làm gì?"
Người kia á khẩu, không biết nói gì hơn.
Còn bạn, bạn sẽ là ai? Là người chạy thật nhanh để tránh mưa hay là người có suy nghĩ cứ bình tĩnh vì chạy đi đâu rồi cũng vẫn ướt? Trong hai người họ, ai sai ai đúng?
Thực ra, trong câu chuyện này chẳng có ai sai, họ chỉ đang có hai quan niệm, hai thái độ sống khác nhau mà thôi.
Lời bình
Trong cuộc đời, thực ra không có đúng sai, mỗi bước chân ta đi đều là lựa chọn của chính mình, và nó sẽ mang lại một kết quả tương ứng. Kết quả đó sẽ mang chúng ta đến với những cuộc đời khác biệt, không thể giống nhau.
Người quyết định chạy trong mưa cuối cùng vẫn ướt, người đi dưới mưa cũng vậy, nhưng điều khác biệt là người thứ nhất đã nỗ lực và có thể, kết quả anh ta có được sẽ tốt hơn, đó là áo anh ta ướt ít hơn, có thể tiếp tục mặc, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.
Người thứ hai rõ ràng đã mang một thái độ sống tiêu cực hơn, anh ta chẳng có ý định sẽ cố gắng chạy mà lựa chọn chấp nhận, kết quả là anh ta ướt hết.
Đó là sự khác biệt giữa họ - người thứ nhất vẫn tìm thấy cơ hội từ việc chạy thật nhanh, người thứ hai mặc định đó đã là bi kịch.
Người chạy dưới mưa đại diện cho sự dũng cảm đối diện với khó khăn và thách thức, không hối hận, không oán trách, nỗ lực cầu tiến, không sợ sệt hoang mang, luôn mang trong mình niềm tin mãnh liệt, tràn trề hy vọng vào cuộc đời, biết chủ động tạo và nắm có hội cho bản thân.
Trong khi đó, người đi bộ dưới mưa đại diện cho những lối suy nghĩ tiêu cực, chưa đánh đã nhận thua, nhận nhượng thỏa hiệp, không biết nắm bắt cơ hội ở đời.
Đời người sở dĩ có sự khác biệt là bởi mỗi chúng ta có suy nghĩ không giống nhau. Vì chúng ta có định nghĩa khác nhau về cơ hội và thách thức, có lựa chọn khác nhau hoặc dũng cảm đối mặt hoặc né tránh tiêu cực.
Từ kết quả cuối cùng, chúng ta không dám phán đoán tuyệt đối nhưng hai kiểu sống đó đã cho chúng ta thấy một đạo lý, rằng mẫu người thứ nhất vẫn còn hy vọng, mẫu người thứ hai chỉ còn lại nỗi thất vọng.
Cuộc sống và thành tựu bạn có được hôm nay chính là kết quả mà sự nỗ lực từ ngày hôm đem lại; nếu bạn muốn có cuộc sống và thành tựu như ý vào ngày mai, hôm nay bạn phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng.
Đây cũng chính là đạo lý tuần hoàn của nhà Phật: Nhân quả báo ứng.
Trong cuộc sống hiện thực, tuyệt đại đa số con người chúng ta đều là những đứa trẻ gặp mưa mà không có ô trên đầu.
Chúng ta chỉ là những người bình thường, như bố mẹ chúng ta vậy, bình thường đến nỗi thế giới này chẳng cảm nhận được sự tồn tại của chúng ta. Đó không phải vì chúng ta khiêm tốn mà chúng ta không có sẵn một "nguồn vốn" để nhiều người biết đến.
Bởi vì thế, chúng ta phải chạy, chạy thật nhanh để không bị ướt hoặc ướt ít nhất. Chạy – không chỉ là một khả năng mà là một kiểu thái độ có thể quyết định sắc thái của cả đời người.