Tiêm kích F-4E của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, AE là cuộc tập trận thường niên được thực hiện kể từ năm 2001.
Tổng cộng đã có 15 quốc gia NATO tham gia, trong đó có Pháp, Ý, Đức, Mỹ và Tây Ban Nha.
Điểm độc đáo của sự kiện AE 2023 là quy mô của không phận và phạm vi chiến thuật rộng 120 x 216 hải lý - cho phép hơn 60 máy bay sử dụng chiến thuật của chúng cách xa mọi luồng không lưu xung quanh cho các nhiệm vụ thuộc nội dung tập trận.
Tại AE 2023 có chiến đấu cơ của 5 quốc gia khác nhau đến Thổ Nhĩ Kỳ tham dự tập trận gồm Azerbaijan, Pakistan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Anh.
Ngoài ra, NATO với tư cách là liên minh quân sự cũng cung cấp một trong những máy bay E-3 AWACS của mình cho sự kiện này. Các quan sát viên trên mặt đất bao gồm các nhân viên từ Maroc, Libya và Georgia cũng có mặt tại tập trận AE 2023.
Trong khi các khách mời mang đến AE 2023 những tiêm kích tối tân là F-16 và Eurofighter Typhoon thì chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ lại dùng chiến đấu cơ đã hoạt động gần 5 thập kỷ F-4E để phô diễn khả năng chiến đấu.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, dù không mạnh như F-16 và không thể so sánh với F-35 nhưng khả năng chiến đấu của những chiếc F-4E được nâng cấp vẫn rất đáng sợ với bất kỳ mục tiêu nào nó hướng đến.
Được biết, năm 1995, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel (IAI) đã áp dụng gói nâng cấp theo tiêu chuẩn Kurnass 2000 trên 54 chiếc F-4E của Thổ Nhĩ Kỳ và đặt tên cho chúng là Terminator II.
So với tiêm kích F-4E nguyên bản thì bản nâng cấp Terminator II có vài khác biệt ở khung thân như một đường ván nhỏ được thêm vào cửa hút khí nhằm cải thiện độ nhanh nhẹn của máy bay, gia cố đoạn sườn ở nếp gấp cánh, cải tiến nắp buồng lái...
Cùng với đó, nhà thầu Israel đã tiến hành loại bỏ bớt 20 km dây điện của hệ thống kiểm soát bay kiểu cũ nhằm giảm bớt 750 kg trọng lượng, đi kèm với sửa đổi sâu trong hệ thống thủy lực của máy bay.
Thay đổi đáng kể nhất trên F-4E Terminator II nằm ở hệ thống điện tử hàng không, máy bay được trang bị radar tiên tiến ELTA EL/M-2032 lấy từ tiêm kích Lavi, loại radar này có độ phân giải rất cao đối với mục tiêu dưới mặt đất.
Máy bay còn được lắp đặt hệ thống hiển thị mục tiêu trước mặt phi công Kaiser/E1-OP, HOTAS, INS/GPS, MFD, khí tài liên lạc UHF/VHF mã hóa, DTC, tổ hợp chiến tranh điện tử cũng như thiết bị cảnh báo radar thế hệ mới...
Để tối ưu hóa cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, F-4E Terminator II mang được pod định vị mục tiêu Litening II để dẫn bắn cho các loại bom và tên lửa có điều khiển như AGM-142 Popeye, AGM-65D/G Maverick, AGM-88 HARM, GBU-8 Hobos, GBU-10/12 Paveway II LGB...
Mặc dù vẫn mang được tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow cũng như tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder, nhưng có vẻ như khả năng bắn AIM-120 AMRAAM phiên bản mới không nằm trong gói nâng cấp này.
Nhà thầu IAI đã bàn giao chiếc F-4E Terminator II đầu tiên cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2000. Theo kế hoạch, những chiến đấu cơ này sẽ còn phục vụ đến năm 2025.
Như vậy, kể từ nay đến khi chính thức bị loại biên, F-4E Terminator II có thể tham dự 2 cuộc tập trận AE nữa.