Không chỉ tan vỡ giấc mơ ô tô "made in Vietnam", Vinaxuki còn vừa bị bêu tên nợ hàng chục tỷ đồng tiền đóng BHXH của người lao động

Vũ Hán |

Lần đầu tiên, đại diện Quỹ BHXH đã công bố danh sách các công ty đang có những khoản nợ BHXH lớn đến hàng chục tỷ, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người lao động: Vinaxuki, xe khách Phương Trang...

Lần đầu tiên, trong một buổi tọa đàm trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho quá trình khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội vào chiều ngày 8/5 vừa qua tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiết lộ về tình trạng hiện tại của Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đồng thời, vị này cũng đã công bố danh sách của các công ty đang ôm những khoản nợ Bảo hiểm xã hội khổng lồ lên tới hàng chục tỷ đồng của người lao động.

Cụ thể, theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì tình trạng nợ Bảo hiểm xã hội đã diễn ra ở tất cả các loại doanh nghiệp, nhưng tập trung chủ yếu vào khối ngoài quốc doanh.

Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là do tính tuân thủ pháp luật Bảo hiểm xã hội của các chủ sử dụng lao động chưa cao, Những người này vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về trách nhiệm cũng như chưa quan tâm đến quyền lợi Bảo hiểm xã hội của người lao động.

Chưa dừng lại ở đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng chỉ ra thực trạng rằng con số nợ đọng Bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng lên. Tình trạng này đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.

"Năm 2016 có xu hướng giảm nợ đọng, nhưng năm 2017 có xu hướng tăng lên tới 14.000 tỷ, với tổng số gần 5% thu Bảo hiểm xã hội. Từ đó có thể thấy việc tuân thủ pháp luật còn hạn chế, đây là nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng quỹ tương lai” – ông Lợi nói.

Tại buổi tọa đàm, danh sách các doanh nghiệp đang nợ đóng tiền Bảo hiểm xã hội cũng được đưa ra ánh sáng. Đáng chú ý, danh sách bao gồm nhiều doanh nghiệp mà người ta đã quen nhắc tên như Vinaxuki hay công ty xe khách Phương Trang..

Ông Đào Việt Ánh tiết lộ rằng tính đến hết quý I/2017, đã có 8 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội với số tiền lớn với thời gian nợ kéo dài. Đó bao gồm:

- Công ty CP xe khách Phương Trang (TP.HCM): 28,7 tỷ đồng

- Công ty TNHH Nam Phương (TP.HCM): 20,9 tỷ đồng

- Công ty CP Lilama 3 (Hà Nội): 25,4 tỷ đồng

- Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội): 19 tỷ đồng

- Công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki (Hà Nội): 18,9 tỷ đồng

- Công ty CP xây dựng 47 (Bình Định): 15,7 tỷ đồng

- Công ty CP Vietbo (Đồng Nai): 19,9 tỷ đồng

- Công ty CP Inox HB (Hưng Yên): 14,2 tỷ đồng

Việc công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng này sẽ góp phần đắc lực trong việc yêu cầu các doanh nghiệp phải đóng nợ đọng. Bởi theo ông Lợi, "nếu doanh nghiệp có hiện tượng nợ nần thì các đối tác cũng sẽ cân nhắc khả năng làm ăn, đặc biệt là thương hiệu, uy tín sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng sẽ bị ảnh hưởng"

Một vấn đề nữa của nợ Bảo hiểm xã hội là khoản nợ đến hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp đã 'chết' hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và từ đó, quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” mà chưa thể nào bù đắp.

"Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay có khoảng 1400 tỷ đồng nợ bảo từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Đến hết ngày 31/12/2015, có 1400 tỷ tiền nợ đọng và có 193661 người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi” – ông Đào Việt Ánh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại