Không chỉ có chim sớm hay cú đêm, con người còn tới 4 kiểu đồng hồ sinh học kỳ lạ khác

Thanh Long |

"Việc nghiên cứu sự khác biệt về thời gian sinh học và tâm lý học cá nhân từ trước đến nay chỉ chủ yếu tập trung vào kiểu giờ giấc buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy cách phân loại này cần được xem xét lại và mở rộng".

Khi được hỏi: "Bạn là người sống theo kiểu giờ giấc nào?", hầu hết chúng ta sẽ trả lời được "Tôi thuộc kiểu cú đêm/hoặc chim sớm".

Cú đêm là những người hay thức khuya, làm việc hiệu quả vào buổi chiều cho đến sáng sớm hôm sau rồi ngủ vào ban ngày để bù lại. Chim sớm thì là những người dậy sớm, làm việc hiệu quả từ buổi sáng sớm cho đến chiều tối, họ có một giấc ngủ điển hình từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau.

Nhưng sự thật là không phải ai cũng thuộc vào một trong hai nhóm này. Một nghiên cứu mới cho thấy con người có thể được chia thành 6 kiểu giờ giấc (chronotype) khác nhau. Nghĩa là nó không hề nhị phân như cách chúng ta nghĩ trước nay.

Không chỉ có chim sớm hay cú đêm, con người còn tới 4 kiểu đồng hồ sinh học kỳ lạ khác - Ảnh 1.

Về cơ bản, kiểu giờ giấc hay chronotype là những biểu hiện hành vi của nhịp sinh học mà chúng ta trải qua suốt ngày và đêm. Có thể hiểu nó chính là chiếc đồng hồ sinh học bên trong mỗi người chúng ta.

Nhà nghiên cứu sinh lý học con người Dmitry S. Sveshnikov đến từ Đại học RUDN, Liên Bang Nga cho biết: "Việc nghiên cứu sự khác biệt về thời gian sinh học và tâm lý học cá nhân từ trước đến nay chỉ chủ yếu tập trung vào kiểu giờ giấc buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy cách phân loại này cần được xem xét lại và mở rộng".

Trong nghiên cứu mới của mình, Sveshnikov và các đồng nghiệp đã khảo sát gần 2.300 người tham gia, hầu hết là sinh viên đại học. Những người tham gia được yêu cầu tự đánh giá mình thuộc kiểu giờ giấc nào, dựa trên một thang đo 6 loại chronotype có thể được xác định trong các nghiên cứu trước đó.

Để xác thực các bản tự đánh giá của tình nguyện viên, các nhà khoa học sẽ yêu cầu họ hoàn thành một số bài kiểm tra tiêu chuẩn và bảng câu hỏi vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Đây chính là những bảng hỏi được sử dụng bởi các nhà khoa học về giấc ngủ nhằm ước tính mức độ buồn ngủ hoặc tỉnh táo của đối tượng nghiên cứu.

Dựa trên tất cả các kết quả thu được, Sveshnikov và các đồng nghiệp nhận thấy đại đa số người tham gia đã xác định được 6 kiểu giờ giấc giả định mà họ đã đề xuất. Chỉ có 5% số người trong nghiên cứu không thuộc vào bất kỳ kiểu nào trong số đó.

Hình ảnh dưới đây sẽ mô tả cho bạn thấy 6 kiểu giờ giấc mà các nhà khoa học đề xuất:

Không chỉ có chim sớm hay cú đêm, con người còn tới 4 kiểu đồng hồ sinh học kỳ lạ khác - Ảnh 2.

Thứ nhất, vẫn là những người chim sớm (morning type), họ dậy sớm và có mức năng lượng cao nhất vào buổi sáng, nhưng sau đó giảm dần đều trong ngày. Người thuộc nhóm chim sớm có năng lượng thấp nhất vào ban đêm và họ cần ngủ để "sạc" lại cơ thể vào thời gian đó.

Kiểu giờ giấc thứ hai là cú đêm (evening type), những người ngược lại, có năng lượng tăng dần đều trong ngày. Sáng sớm sau khi mặt trời mọc là khoảng thời gian họ mệt mỏi nhất và thường sẽ ngủ cho đến giữa ngày mới tỉnh dậy và có năng lượng để hoạt động cho đến đêm.

Kiểu giờ giấc thứ ba được Sveshnikov gọi là người năng động (high active). Họ dường như là mẫu người đáng mơ ước khi có năng lượng hoạt động cao trong cả ngày, bất kể giờ giấc. Mặc dù vậy, sáng sớm đối với người high active vẫn có một chút uể oải và năng lượng ban đêm của họ cũng giảm đi đôi chút.

Kiểu thứ tư được gọi là người ngủ ngày (daytime sleepy type) có năng lượng cao vào sáng sớm, sau đó giảm dần cho đến giữa ngày. Buổi trưa, người ngủ ngày sẽ cần một giấc ngủ để hồi phục năng lượng cho đến tối.

Những người năng động ban ngày (daytime type) thuộc kiểu thứ năm thì ngược lại. Họ uể oải vào buổi sáng giống với cú đêm, nhưng năng lượng sẽ tăng rất nhanh và đạt đỉnh vào giữa trưa, sau đó lại tụt xuống vào buổi chiều và tối giống với chim sớm.

Cuối cùng là kiểu người hoạt động vừa phải (moderately active type), họ có một mức năng lượng thấp trong cả ngày bất kể thời gian. Mẫu người này đối nghịch với những người năng động high active phía trên.

Không chỉ có chim sớm hay cú đêm, con người còn tới 4 kiểu đồng hồ sinh học kỳ lạ khác - Ảnh 3.

Điều thú vị từ kết quả nghiên cứu của Sveshnikov và các đồng nghiệp là chỉ có hơn một phần ba (37%) số người tham gia khảo sát thực sự được xác định là chim sớm hoặc cú đêm. Cụ thể, có 13% sinh viên được xếp vào nhóm chim sớm và 24% thuộc nhóm cú đêm – cũng là nhóm phổ biến nhất.

Trong số các kiểu giờ giấc mới bao gồm 58% sinh viên tham gia vào nghiên cứu, có 18% được xác định là kiểu người ngủ ngày, 16% là những người hoạt động vừa phải, 15% là người năng động ban ngày và chỉ có 9% nói rằng họ thuộc mẫu người năng động toàn bộ thời gian.

Cũng phải lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu có tập mẫu tương đối nhỏ trong tổng số các nghiên cứu về kiểu giờ giấc nói riêng và đồng hồ sinh học nói chung. Nhưng nhóm nghiên cứu cho biết trong tương lai, họ sẽ thực hiện thêm các khảo sát chuyên sâu sử dụng các loại phương pháp thử nghiệm khác nhau để xác nhận kết quả mới.

Các nghiên cứu trong tương lai có thể cho chúng ta biết thêm về cách thức hoạt động của những người thuộc vào 4 kiểu giờ giấc mới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi biết bản thân mình thuộc kiểu giờ giấc nào, bạn có thể ưu tiên sắp xếp công việc của mình theo giờ giấc đó để tối ưu hóa năng suất lao động cũng như học tập của bản thân.

Các phát hiện mới này được báo cáo trên tạp chí Personality and Individual Differences .

Tham khảo Sciencealert


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại