Nơi diễn ra đàm phán hạt nhân Iran tại Viên, Áo suốt 11 tháng qua
Đã hết thời gian, sẽ không còn cuộc đàm phán nào nữa, các bên phải đưa ra quyết định chính trị hoặc bây giờ, hoặc là không bao giờ…. Những tuyên bố đó khiến nhiều người nghĩ rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 sẽ được khôi phục và các bên tuân thủ trở lại chỉ trong nay, mai.
Thế nhưng, hết tuần này, qua tuần khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Mỹ Ned Pride hôm qua vẫn nói rằng: “Rõ ràng, có những quyết định cần phải được thực hiện ở Iran. Rõ ràng, có những quyết định cần phải được thực hiện ở Nga. Chúng tôi hy vọng sẽ các bên có ý thức tốt hơn trong những ngày tới. Một con đường phía trước để quay trở lại tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân 2015 là có thể đạt được”.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Khatibzadeh nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa đến thời điểm để công bố một thỏa thuận, bởi vì vẫn còn một số vấn đề rất quan trọng. Nó đòi hỏi các quyết định phải được đưa ra từ phía Mỹ. Ngay sau khi Mỹ đưa ra các quyết định, chúng tôi sẽ đạt được điểm để quay trở lại Vienna, Áo và bắt đầu vòng đàm phán cuối cùng để đạt được một thỏa thuận tốt đẹp và lâu dài”.
Mỹ và Iran đều tuyên bố, đối phương cần đưa ra quyết định cuối cùng trước những vấn đề khác biệt còn lại, nhưng ai trước, ai sau mới là vấn đề. Thêm vào đó, đề xuất của Nga về việc Mỹ phải cam kết không trừng phạt các hợp tác giữa Iran và Nga dựa theo thỏa thuận hạt nhân, có nghĩa là nó phải nằm ngoài những trừng phạt liên quan đến tình hình Ukraine hiện nay – điều bị Mỹ và 3 nước châu Âu xem là một trở ngại mới.
Truyền thông phương Tây cho rằng, chuyến thăm Nga ngày hôm nay của Ngoại trưởng Iran sẽ làm rõ được vấn đề này, coi đó là chuyến thăm thuyết phục Nga “ngừng đòi hỏi”. Tuy nhiên, bác bỏ điều này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Khatibzadeh cho biết, nguyên nhân các bên chưa đi đến thỏa thuận không phải lỗi của Nga, Moscow muốn đảm bảo lợi ích chính đáng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, song chính Mỹ mới là bên chối bỏ trách nhiệm liên quan đến yêu cầu này.
Tiến trình đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang “khó” đến phút cuối cùng, dù các bên đang rất gần vạch đích. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/3 lại nhắc đến giải pháp thay thế, nếu con đường ngoại giao thất bại.
Tuy nhiên, ngay cả khi một thỏa thuận đạt được giữa các bên, văn bản này cũng sẽ gặp sự phản đối nhất định trong quốc hội Mỹ. 49/50 thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa Mỹ ra tuyên bố phản đối việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015. Họ cam kết sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình, để đảo ngược một thỏa thuận mà họ cho rằng không “chặn được hoàn toàn” khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran; không hạn chế được chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran; cũng như không thể giảm thiểu sự ủng hộ của Iran đối với lực lượng dân quân tại các nước Trung Đông. Nếu các nghị sĩ của Đảng dân chủ Mỹ phản đối, thỏa thuận “nếu đạt được” dự kiến cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn./.