Business Insider dẫn nguồn Hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Ronald Regan dẫn đầu đã cùng Đội tàu hộ tống tấn công số 4 thuộc Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) tập trận chung trên Biển Đông vào ngày 31/8 vừa qua. Phía Nhật Bản đã cử một tàu sân bay Kaga cỡ nhỏ cùng các khu trục hạm tên lửa dẫn đường.
Cuộc tập trận nâng cao tầm nhìn của Mỹ và Nhật Bản về một "Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tự do và cởi mở" – một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ được giới phân tích nhìn nhận là nhằm ngăn cản Trung Quốc bành trướng khu vực bằng cách quân sự hóa Biển Đông.
Song ngoài việc huấn luyện đơn thuần tàu sân bay hai nước chiến đấu cùng nhau, Washington đã gửi Bắc Kinh một thông điệp rằng Mỹ sẽ không thể bị gạt ra rìa ở khu vực Biển Đông và nếu một trận chiến xảy ra, nước này sẽ không đơn độc.
Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp với gần 90% diện tích Biển Đông và đang tìm cách đơn phương quyết định người có thể sử dụng tuyến đường thủy giàu tài nguyên này, đang chật vật tìm đồng minh trong khu vực. Mỹ đã chống lại các nỗ lực của Trung Quốc bằng cách thắt chặt quân hệ với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Cách nửa vòng Trái đất, tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Harry S. Truman lần đầu tập trận chung với sự tham gia của máy bay chiến đấu F-35C trên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, cuộc tập luyện này còn có một khán giả theo dõi sát sao: Nga
Mới đây, Mỹ quyết định hồi sinh Hạm đội Hai - một đơn vị Hải quân làm nhiệm vụ chống lại mối đe dọa từ Liên Xô trước đây và được giải tán năm 2011. Khi Hải quân Nga ngày càng lớn mạnh và nhằm chứng minh bản thân là một lực lượng mạnh ở Địa Trung Hải hay bất cứ đâu, Mỹ một lần nữa nhận thấy sự cần thiết bảo vệ vùng biển của mình gần Đại Tây Dương.
Gần đây, Mỹ đã thay đổi lịch trình triển khai tàu sân bay để có nhiều tàu sân bay hiện diện hơn nhằm gây áp lực đối với Nga và Trung Quốc.
Các văn kiện chiến lược và quốc phòng mới từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phác thảo một bước thay đổi trong ưu tiên của Washington từ thời hậu Chiến tranh Lạnh, sang một cuộc cạnh tranh toàn diện giữa các cường quốc thế giới.
Nga và Trung Quốc đã chú ý đến thông điệp trên với việc tàu Nga tập trận qui mô lớn ở Địa Trung Hải – vùng biển họ không thường xuyên xuất hiện trước khi Nga tham gia chống khủng bố tại Syria năm 2015 – và tàu Trung Quốc thách thức quyền của các tàu và máy bay Mỹ đi qua không phận quốc tế.
Trong một thông cáo báo chí, Chuẩn đô đốc John Wade, người chỉ huy nhóm tàu tấn công Abraham Lincoln nói: "Chúng tôi là lực lượng Hải quân tốt nhất trên thế giới và trong môi trường cạnh tranh và phức tạp hiện tại, chúng tôi không ngồi yên nhìn mọi chuyện diễn ra".
Đặc biệt, với việc Mỹ lần đầu tiên đưa máy bay tàng hình lên tập trận cùng tàu sân bay, Mỹ đã bắn đi một tín hiệu rõ ràng với các đối thủ quân sự hàng đầu rằng sức mạnh Hải quân Mỹ đã trở lại và còn hơn thế.
https://baotintuc.vn/quan-su/khoe-suc-manh-tau-san-bay-my-ban-tin-hieu-den-nga-trung-quoc-20180905154055553.htm