Khoe cơ bắp chưa đủ săn chắc bằng 2 tàu sân bay, Trung Quốc có làm nên trò trống?

QS |

Ngoài viễn cảnh về cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan, nhiều chuyên gia dự đoán TQ sẽ dùng tàu sân bay để "ngăn máy bay ném bom tầm xa Mỹ cất cánh từ căn cứ hải quân ở Guam".

Trung Quốc trang bị tàu sân bay thứ 2

Ngày 17/12, Trung Quốc đã đưa vào trang bị tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông. Buổi lễ biên chế đã diễn ra tại căn cứ hải quân Tam Á, Hải Nam, với sự tham dự của chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc Trung Quốc đưa vào hoạt động tàu sân bay Sơn Đông mang ý nghĩa lớn. Đây là tàu sân bay thứ hai của Bắc Kinh, và là một sự bổ sung quan trọng cho năng lực triển khai sức mạnh của Trung Quốc. Con tàu này cũng rất đáng chú ý bởi nó cho thấy khả năng phát triển các tàu sân bay nội địa của Trung Quốc.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng thiết kế của con tàu sẽ "giới hạn tiềm năng quân sự", cũng như khả năng triển khai sức mạnh của nó bởi Sơn Đông đơn thuần là bản sao chép của tàu sân bay Liêu Ninh (con tàu Trung Quốc mua lại từ Ukraine, sau đó tân trang).

Các tiêm kích hạm J-15 mà Trung Quốc đang vận hành cũng đặt ra những hạn chế nhất định về loại hình nhiệm vụ mà chúng có thể đảm nhận.

Khoe cơ bắp chưa đủ săn chắc bằng 2 tàu sân bay, Trung Quốc có làm nên trò trống? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Sơn Đông trong lễ biên chế hôm 17/12. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo tạp chí Diplomat, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang trên đường trở thành một lực lượng hải quân viễn dương với độ tin cậy cao hơn, cho phép họ giám sát chặt chẽ các quốc gia quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

PLAN trước đây thường khá yếu do Trung Quốc tập trung quá nhiều cho lực lượng trên bộ. Do đó, họ không có tàu sân bay, và thậm chí thiếu khả năng tác chiến đổ bộ. Song, giờ đây mọi thứ đang thay đổi. Trung Quốc đã tăng cường đáng kể năng lực triển khai sức mạnh trên biển trong những năm gần đây.

Việc xây dựng căn cứ hải quân ở Tam Á, Hải Nam là một ví dụ điển hình. Tam Á là nơi có sức chứa một hạm đội quy mô lớn các tàu mặt nước của Trung Quốc, đây cũng là một căn cứ lý tưởng cho tàu ngầm. Căn cứ Tam Á mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế đáng kể do nó gần Biển Đông và eo biển Malacca.

Trung Quốc đã rất chú trọng xây dựng tàu sân bay do nhìn thấy tính thiết thực của nó trong việc giành quyền kiểm soát biển và đạt được các mục tiêu chống tiếp cận trên biển. PLAN cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì ưu thế trên không trong các cuộc xung đột hải quân tương lai, trong đó tàu sân bay cỡ lớn đóng vai trò quan trọng.

Các phi công tốt nhất thường được lựa chọn cho phi đoàn tiêm kích hạm, và họ còn được kỳ vọng sẽ chỉ huy những con tàu này trong tương lai.

Công tác đóng tàu Sơn Đông có vẻ được xúc tiến từ năm 2013. Truyền thông Trung Quốc cho biết nó có thể mang tới 24 tiêm kích đa nhiệm J-15 và một biến thể của tiêm kích chiếm ưu thế đường không hai động cơ thế hệ 4 Sukhoi Su-33, cùng khoảng 10 máy bay cánh xoay, bao gồm trực thăng Z-18, Ka-31 hoặc Z-9.

Trong khi tàu sân bay Mỹ có thể mang tới 100 máy bay, thì Sơn Đông chỉ có thể mang tổng cộng 32 máy bay.

Khoe cơ bắp chưa đủ săn chắc bằng 2 tàu sân bay, Trung Quốc có làm nên trò trống? - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc gặp thủy thủ đoàn tàu Sơn Đông hôm 17/12. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đã mua Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của nước này từ Ukraine với giá 20 triệu USD, sau đó tân trang lại vào đưa vào biên chế trong năm 2012.

Geng Yansheng – một sĩ quan cấp cao, đồng thời là người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tàu Liêu Ninh được sử dụng cho "mục đích nghiên cứu khoa học và huấn luyện". Song, vị này cũng lưu ý rằng Trung Quốc cần có một tàu sân bay để bảo vệ nhiều lợi ích khác nhau.

Hồi tháng 11 năm nay, trong đợt thử nghiệm trên biển lần 9 (kể từ tháng 5/2018) để tiến hành các bài kiểm tra thiết bị và huấn luyện nhân lực, tàu Sơn Đông đã di chuyển qua eo biển Đài Loan.

Hiện vẫn chưa rõ thành phần chính xác trong nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc, nhưng một số nguồn tin cho biết nó sẽ bao gồm các khinh hạm Type 054A, tàu khu trục Type 052D, tàu khu trục Type 055, một cặp tàu ngầm lớp Yuan (Type 039A) hoặc tàu ngầm lớp Song (Type 039), cùng các tàu hỗ trợ.

Cũng có những thông tin cho biết hai tàu sân bay của Trung Quốc sẽ hoạt động cùng nhau, và phối hợp với 2 tàu khu trục Type 055, 4 khinh hạm Type 054, 6 khinh hạm mang tên lửa dẫn đường loại khác, 1 tàu hậu cần, cùng 3 tàu ngầm hạt nhân Type 093B.

Nhóm tác chiến này sẽ có nhiệm vụ ngăn Mỹ hoặc Đài Loan hỗ trợ quân sự cho Đài Loan trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Cường độ hoạt động của PLAN cũng đang tăng lên. Một đội hình hải quân do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đã tiến vào eo biển Miyako lần thứ hai hồi tháng Sáu năm nay (lần đầu tiên diễn ra vào tháng 12/2016). Nhật Bản sau đó đã phải triển khai các tàu do thám tới khu vực này.

Bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) gọi hành động của Nhật Bản là thái quá và không cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng "các tàu sân bay Trung Quốc sẽ thường xuyên đi qua eo biển Miyako".

Ngoài viễn cảnh về cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay để "ngăn các máy bay ném bom tầm xa Mỹ cất cánh từ căn cứ hải quân ở Guam".

Nhiều vấn đề cần khắc phục

Mặc dù việc đưa vào trang bị tàu sân bay thứ hai là bước phát triển đáng kể của Trung Quốc nhưng theo Diplomat, vẫn có những vấn đề mà Trung Quốc cần phải khắc phục trong huấn luyện và kinh nghiệm vận hành tàu sân bay.

Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan tới việc phối hợp hoạt động với các đơn vị tác chiến khác, chẳng hạn như lực lượng đổ bộ, tên lửa…

Một vấn đề lớn khác đối với Trung Quốc là khả năng đánh bại các lực lượng hải quân khác như Mỹ và Nhật Bản. Hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc sẽ chỉ có tổng cộng 30 tiêm kích J-15 để đánh bại lực lượng Mỹ trong khu vực.

Trong khi tàu sân bay Mỹ sử dụng máy phóng thì boong phóng kiểu nhảy cầu trên tàu Sơn đông đã mang lại thêm nhiều phiền phức cho nó, như hạn chế tốc độ phóng máy bay của tàu. Trung Quốc dự kiến sẽ giải quyết vấn đề này trong 2 tàu sân bay tiếp theo mà nước này sẽ đóng trong vài năm tới.

Báo cáo hồi tháng 1 của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự Trung Quốc cũng đã lưu ý tới những hạn chế khác của thiết kế boong phóng nhảy cầu, chẳng hạn khả năng vận hành các máy bay hỗ trợ cỡ lớn, chuyên dụng, như máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW).

Theo Diplomat, Trung Quốc cần giải quyết được các vấn đề trên nếu muốn chiến thắng nhiều lực lượng hải quân ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại