Cách đây 41 năm, vào tháng 12/1977 nguyên mẫu của máy bay ném bom tàng hình F-117 Nighthawk với tên gọi Have Blue đã tiến hành chuyến bay thử đầu tiên.
Đây là chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ tàng hình (Stealth). Mục đích của công nghệ tàng hình là giảm mức độ phản xạ của máy bay trên màn hình radar với kích thước chỉ bằng con chim.
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đưa vào trang bị hàng loạt hệ thống tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích đánh chặn tốc độ cao. Người Mỹ sợ mất ưu thế trên không của họ trước Liên Xô nên đã tập trung thúc đẩy phát triển mẫu máy bay có thể tàng hình trước các loại radar.
Trợ giúp không mong muốn từ Liên Xô
Công nghệ tàng hình không phải phát minh của người Mỹ mà là công trình nghiên cứu lâu đời của nhà khoa học người Nga Peter Yakovlevich Ufimtsev.
Ông đã phát triển một công thức toán học bằng cách sử dụng nó có thể tính toán được sự phản chiếu của một chùm tia radar dưới hình dạng hình học. Nhà khoa học hàng không hàng đầu của Mỹ Ben Rich sau này gọi phương trình này là một "bước đột phá trong công nghệ tàng hình".
Nghiên cứu của Ufimtsev đã thu hút sự chú ý tại Mỹ hơn là Nga. Người Mỹ đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ này bằng cách mời Ufimtsev sang giảng dạy về công nghệ Stealth tại những trường đại học khoa học hàng đầu của nước Mỹ.
Đây cũng là bước quan trọng của Mỹ trong việc đào tạo nhân lực cho chương trình chế tạo những vật thể bay tàng hình trong tương lai.
Vào cuối những năm 1970, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ bắt đầu nghiên cứu dự án Have Blue để thiết kế một chiếc máy bay có mặt cắt phản xạ sóng radar nhỏ nhất có thể.
Nguyên mẫu YF-117.
Dựa vào lý thuyết của Ufimtsev, tập đoàn Lockheed đã chế tạo hai nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên vào năm 1977. Chiếc máy bay mới này có hình dáng khác biệt hoàn toàn với những máy bay trước đây. Đó là hình dáng viên kim cương đã chế tác, với những góc cạnh 2 chiều.
Khi phát triển chiếc F-117, người Mỹ chưa có các máy tính tiên tiến công suất lớn để thiết kế bề mặt máy bay có hình dạng cong như chiếc B-2 Spirit hay F-35 hiện nay. Do vậy, thiết kế bề mặt 2 chiều cũng là đặc trưng của chiếc Nighthawk.
Những thiết kế khác biệt
Do có những thiết kế khác biệt, thậm chí đi ngược nguyên tắc khí động học nên nguyên mẫu đầu tiên của F-117 rất khó điều khiển.
Lockheed đã phát triển một máy tính và phần mềm đủ mạnh để có thể điều khiển được chiếc máy bay mới này "bay" bình thường. Các nguyên mẫu Have Blue có biệt danh là "Gobobins Wobbly", và cả hai đều bị rơi trong quá trình thử nghiệm.
Tuy nhiên, bất chấp những thử nghiệm thất bại, Không quân Mỹ được khuyến khích bởi hiệu quả tàng hình của mẫu thử nên đã tiến hành sản xuất chiếc máy bay ném bom tàng hình đầu tiên với tên gọi F-117.
Để giữ bí mật trước tình báo Liên Xô, mọi việc từ nghiên cứu, chế tạo và bay thử đều được bảo mật tuyệt đối, nên báo chí Mỹ và thế giới không hề biết về sự xuất hiện của loại máy bay tàng hình này.
Có tất cả 64 chiếc F-117A được chế tạo từ năm 1981 đến năm 1990 (bao gồm cả 5 chiếc nguyên mẫu YF-117 đầu tiên), với chi phí 111 triệu USD cho mỗi chiếc (không kể chi phí nghiên cứu, phát triển).
Máy bay ném bom tàng hình F-117.
Ngoài các bề mặt được thiết kế để tránh phản xạ sóng radar, Nighthawk còn có các tính năng thiết kế khác tiêu chuẩn trong máy bay tàng hình hiện nay, bao gồm việc sử dụng loại sơn hấp thụ sóng radar để giảm phản xạ sóng điện từ. Bên cạnh đó, vòi xả của động cơ được thiết kế đặc biệt để giảm mức độ bộc lộ hồng ngoại.
Ăng-ten liên lạc của F-117 được thiết kế, thu gọn vào bên trong. Để bảo đảm tính năng tàng hình, toàn bộ vũ khí của F-117 được để trong khoang kín, máy bay không thiết kế mấu treo vũ khí bên ngoài thân và cánh máy bay.
Song, chiếc F-117 là máy bay tàng hình với radar, chứ không phải là vô hình đối với mắt, vì vậy nó được sơn màu đen và khuyến cáo chiến đấu vào ban đêm.
Mặc dù chỉ định "F" cho máy bay chiến đấu (B là ném bom), chiếc F-117 hoàn toàn là một chiếc máy bay ném bom tấn công mặt đất, không có bất kỳ khả năng nào để tham gia đánh chặn như các loại máy bay tiêm kích dòng "F" của Mỹ.
Với tốc độ tối đa 1.130 km/h, F-117 chậm hơn loại máy bay ném bom cỡ lớn B-52, bán kính hoạt động 860 km, nếu không được tiếp dầu trên không thì khả năng hoạt động rất hạn chế.
Với tải trọng vũ khí chỉ là 2.300 kg, đây là tải trọng hết sức hạn chế với một loại máy bay ném bom.
F-117 chỉ có thể mang theo 2 quả bom phá điều khiển bằng laser, có trọng lượng 1.000 kg/quả. Hoặc các loại bom phá bong-ke BLU-109 và bom liệng JDAM dẫn đường bằng GPS.
Do không trang bị radar, nên F-117 phải dựa hoàn toàn vào máy ngắm ảnh nhiệt để ngắm mục tiêu, đồng thời sử dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS và dẫn đường quán tính.
Với tính năng tàng hình, F-117A có nhiệm vụ lợi dụng đêm tối, bí mật thâm nhập vào trung tâm phòng ngự của đối phương, dùng các loại bom có điều khiển chính xác, tiêu diệt các mục tiêu quan trọng, làm tê liệt hệ thống chỉ huy, các trận địa phòng không của đối phương để các loại máy bay không có tính năng tàng hình bước vào chiến đấu.
Lockheed sau đó đã cố gắng phát triển các biến thể linh hoạt hơn của F-117, có khả năng cất cánh từ các tàu sân bay với động cơ F414 mạnh hơn và có thể mang gấp đôi tải trọng vũ khí, trong đó có tên lửa không đối không tầm xa AIM-120. Tuy nhiên, biến thể này đã bị Hải quân Mỹ từ chối vì tốc độ máy bay quá chậm.
Loại khỏi biên chế trước niên hạn
Vào tháng 8/2008, Nighthawk đã chính thức bị loại khỏi biên chế sau 25 năm hoạt động. Tại sao một loại máy bay ném bom hiện đại mà các đối thủ, cũng như đồng minh của Mỹ đều mong muốn sở hữu lại phải sớm rời khỏi biên chế?
Lý do đầu tiên là do Không quân Mỹ đưa vào sử dụng F-22 Raptor. Đây là máy bay tàng hình đa nhiệm, có công nghệ cao hơn chiếc F-117; nó vừa có thể tiến công mục tiêu mặt đất, vừa có thể thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.
Tiết diện phản xạ radar (RCS) của Nighthawk có kích thước 0,001 m2, nhỏ hơn từ 5 đến 10 lần RCS của một máy bay chiến đấu phản lực thông thường. Tuy nhiên, tiết diện phản xạ radar của chiếc F-22 Raptor được cho là nhỏ hơn RCS của F-117 tới 10 lần.
Ở độ cao trung bình, mặt cắt phản xạ bán cầu trước của nó chỉ là 0,0001 m2, tất cả các loại radar tần số thấp và băng thông rộng đều khó có thể phát hiện được F-22.
Raptor có tốc độ nhanh gấp gần 3 lần F-117, khả năng cơ động cao nhờ động cơ đẩy vector 2 chiều.
Quân đội Nam Tư bên xác chiếc F-117 bị bắn rơi trong cuộc chiến Kosovo năm 1999.
Ngược lại với F-117 không được trang bị radar, Raptor được trang bị một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), có khả năng tàng hình, chống nhiễu cũng như chống chế áp điện tử rất tốt, có thể phát hiện máy bay đối phương từ xa, thực hiện nguyên tắc không chiến hiện đại: "thấy trước, bắn trước, thoát ly nhanh".
Hơn nữa, kinh phí để duy trì chiếc F-22 Raptor hoạt động ít hơn chiếc Nighthawk. Lý do là sau mỗi chuyến bay, chiếc Nighthawk phải sơn lại lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar nên rất tốn kém.
Mặc dù có tính năng tàng hình nhưng tầm bay ngắn, đặc biệt là số lượng vũ khí mang theo rất nhỏ, lại không được trang bị radar nên F-117 không được coi là máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ, và không thể thay thế được những loại máy bay dẫu có tuổi như B-52 hay B-1B.
Vì vậy, F-117 đã được loại ra khỏi biên chế để tiết kiệm kinh phí dành cho việc duy trì phi đội F-22 Raptor.
Hiện nay, Không quân Mỹ tiếp tục đưa máy bay tàng hình F-35 vào biên chế.
Đây là một mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm, có giá thành rẻ hơn F-22 nhưng có tính năng tàng hình, khả năng chiến đấu rất mạnh, đồng thời có khả năng tác chiến điện tử tốt.
Đối với những loại máy bay ném bom tàng hình cần tầm bay xa và mang được tải trọng vũ khí lớn hơn, Không quân Mỹ hiện đã có B-2 Spirit và sắp tới là B-21 Raider.
Trong nhiều năm qua,F-117 là loại vũ khí đã giúp quân đội Mỹ vượt qua lưới lửa phòng không của đối phương và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao. Tuy nhiên, công nghệ tàng hình thế hệ đầu tiên của Nighthawk còn nhiều hạn chế, không thể đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại.
Hiện nay, các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng nhiều loại radar mới, có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình, nhất là các loại máy bay tàng hình thế hệ đầu tiên như chiếc F-117A.
Nighthawk dù sao cũng là bước đầu tiên trong một cuộc cách mạng phát triển công nghệ tàng hình, đặt nền móng cho những chiếc máy bay có thể thống trị bầu trời trong tương lai.
F-117A Nighthawk: Thời "oanh liệt" nay còn đâu?