Khi 'Kẻ hủy diệt' của rừng Amazon gặp thảm cảnh vì điểm yếu chí mạng: Chúng... quá ngon

JD |

Số lượng cá arapaima khổng lồ tại Amazon đã từng thấp đến mức không thể nhìn thấy con nào tại các vùng nước thông thường.

Trong thế giới của các ngư dân, arapaima là một thứ gì đó hết sức đáng nể. Chúng sống ở lưu vực sông Amazon, và cũng là một trong những loài cá nước ngọt lớn bậc nhất thế giới với khả năng đạt đến chiều dài trên 3m, nặng hơn 200kg.

Sức sống của arapaima cũng hết sức đáng nể. Chúng có thể thở trên cạn, sống được ở những vùng nước thiếu oxy, và thậm chí tồn tại cả một ngày trời mà không có nước. Nhưng điều quan trọng nhất, chúng được gọi là "Kẻ hủy diệt" tại sông Amazon, khi có thể xử lý gọn gàng không chỉ những loài cá khác mà còn cả thằn lằn và thú nhỏ. Mỗi khi săn mồi, chúng nghiền nát kẻ thù bằng chiếc lưỡi bọc răng của mình.

Khi Kẻ hủy diệt của rừng Amazon gặp thảm cảnh vì điểm yếu chí mạng: Chúng... quá ngon - Ảnh 1.

Cái danh "Kẻ hủy diệt" cũng không hề hư ảo, bởi arapaima còn sở hữu một bộ vảy được đánh giá mạnh ngang ngửa áo chống đạn của con người, đồng thời lại cực kỳ dẻo dai. Những gì chúng có được thậm chí thu hút sự chú ý của Không quân Hoa Kỳ.

Điểm yếu chí tử

"Kẻ hủy diệt" của thế giới động vật lại có một điểm yếu chết người: chúng... quá ngon. Tại Amazon, người địa phương còn gọi loài cá này là pirarucu - hay "cá tuyết của rừng Amazon", bởi chúng rất chắc thịt và ít xương. Với họ, loài cá này là một nguồn thực phẩm quan trọng, lại cực kỳ được giá khi bán vào các thành phố lớn.

Khi Kẻ hủy diệt của rừng Amazon gặp thảm cảnh vì điểm yếu chí mạng: Chúng... quá ngon - Ảnh 2.

Với một loài vật to lớn, đã ngon lại còn đắt tiền, việc đánh bắt quá mức chắc chắn sẽ xảy ra. Hệ quả, số lượng cá arapaima nhanh chóng giảm xuống, đến mức các nhà chức trách phải ra lệnh cấm đánh bắt cá vào thập niên 1990. Tuy nhiên, nạn đánh bắt trái phép vẫn tiếp tục diễn ra âm thầm, và số lượng cá tại Amazon ngày càng giảm đi.

João Campos-Silva, nhà sinh thái học người Brazil cho biết, ngày nay việc đánh bắt cá arapaima đã bị cấm tại Brazil, trừ phi được cấp phép tại một số khu vực có thỏa thuận. Được biết, Campos-Silva là thành viên của Institutio Juruá - tổ chức hiện làm việc với các cộng đồng ngư dân nhằm bảo tồn và hồi sinh loài cá này.

Giải cứu gã khổng lồ

Cá arapaima dành cả mùa mưa để hướng đến các khu rừng ngập, nơi chúng có thể sinh sản, sau đó quay trở về các khu hồ chứa khi mực nước giảm xuống. Các tổ chức như Institutio Juruá hàng chục năm qua đã theo dõi quá trình này, tính toán được số lượng cá và đưa ra hạn mức đánh bắt cho từng hồ mỗi năm (tỉ lệ không quá 30% cá trưởng thành).

Cộng đồng địa phương phải quanh năm túc trực bên lối vào hồ, nhằm đánh đuổi những kẻ đến đánh bắt trộm khỏi khu vực đang được bảo vệ. Quy định chỉ cho phép đánh bắt cá trong giai đoạn tháng 8 - 11, và tất cả những cá thể dưới 1,55m đều phải được thả về tự nhiên.

Khi Kẻ hủy diệt của rừng Amazon gặp thảm cảnh vì điểm yếu chí mạng: Chúng... quá ngon - Ảnh 4.

Francisco das Chagas Melo de Araújo (thường được biết đến với tên gọi Seu Preto) là nhóm trưởng của cộng đồng Xibauazinho - một trong những cộng đồng bắt đầu chương trình bảo tồn cá arapaima. "Trước khi có chính sách quản lý, chúng tôi không có quyền coi sóc khu hồ này. Những người đánh bắt thương mại đã tận thu chúng bấy lâu nay. Các khu hồ bị sụt giảm số lượng nghiêm trọng, thậm chí arapaima gần như không thể trông thấy nữa."

Sau 11 năm thi hành chính sách quản lý, Preto cho biết hiện đang có khoảng 4000 cá thể arapaima trong các khu hồ họ quản lý.

Nhà sinh thái Campos-Silva khi nghiên cứu về các khu hồ thuộc sông Juruá trong cùng thời kỳ cũng ghi nhận số lượng arapaima tăng gấp 4 lần. Khi số lượng cá gia tăng, arapaima di chuyển tới các hồ mới, trải rộng phạm vi hoạt động. Ông ước tính có khoảng 330.000 con đang sống trong 1358 cái hồ thuộc 35 khu vực được quản lý, với hơn 400 cộng đồng đứng ra đảm nhận.

Khi Kẻ hủy diệt của rừng Amazon gặp thảm cảnh vì điểm yếu chí mạng: Chúng... quá ngon - Ảnh 6.

Campos-Silva cho biết, nguồn thu từ việc đánh bắt cá thương mại tại những khu vực được cấp phép sẽ mang đến những giá trị rõ ràng cho xã hội, như gây quỹ trường học, cải thiện cơ sở vật chất, an sinh xã hội và chăm sóc y tế, cũng như giải quyết bất bình đẳng giới tính.

Riêng về vấn đề đánh bắt trái phép, Seu Preto cho biết những người đang làm như vậy cần gia nhập chương trình hợp pháp để khai thác loài cá này một cách bền vững.

Nguồn: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại