Chiến đấu cơ CF-18 của Canada. Ảnh: AFP
Tại thời điểm đó, khí cầu nghiên cứu khí tượng này đang đo nồng độ ôzôn bên trên không phận Canada. Nó trở nên mất kiểm soát vào ngày 24/8/1998, đi qua Canada, qua Đại Tây Dương và qua không phận của Anh trước khi vào không phận của Iceland và tiếp tục trôi dạt về phía Bắc tới Na Uy. Hành trình đi lạc đó thực sự gây ra một cuộc náo loạn trên phạm vi quốc tế.
Theo các báo cáo vào thời điểm đó, các dụng cụ trên khinh khí cầu đã không thể tách ra khi kết thúc thử nghiệm. Hệ thống dự phòng cũng bị lỗi khiến nó tiếp tục bay lên cao. Nếu tiếp xúc với các luồng không khí thổi mạnh trên bầu trời, nó có thể đạt tốc độ 100 km/h.
Hai máy bay chiến đấu CF-18 của Không quân Hoàng gia Canada đã phát hiện khinh khí cầu đi lạc ở Newfoundland và khai hỏa hơn 1.000 viên đạn. Bộ đôi chiến đấu cơ đã bắn trúng quả khí cầu, nhưng thay vì nổ tung hoặc rơi xuống đất, nó chỉ từ từ rò rỉ khí heli và vẫn còn lưu lại trên không trung.
Người phát ngôn của quân đội Canada, Trung úy Steve Wills nói với Đài BBC rằng rất khó nhắm mục tiêu vào khinh khí cầu, mặc dù nó có kích thước bằng một tòa nhà 25 tầng. Ông khẳng định việc không bắn hạ được thiết bị này không có gì đáng xấu hổ.
Một tờ báo Anh đưa tin về việc các vũ khí hiện đại không thể bắn hạ quả khí cầu trôi dạt. Ảnh: CBC
"Với một thứ như thế này, vốn đứng yên trên không, những chiếc CF-18 lại bay rất nhanh, rất khó để bắn hạ nó", ông Wills nói.
Những chiếc CF-18 được trang bị tên lửa không đối không, nhưng Thiếu tá người Canada Roland Lavoie nói rằng các phi công đã hạn chế sử dụng chúng.
Ông nói: "Người dân sẽ không mong muốn việc bị một quả tên lửa bay qua đầu. Ngoài ra, việc chi vài trăm nghìn USD cho một quả tên lửa để bắn hạ một quả khí cầu đang trôi dạt có thể là quá mức cần thiết".
Khinh khí cầu này vẫn tiếp tục sống sót sau các cuộc chạm trán với máy bay chiến đấu của Anh và Mỹ.
Theo các báo cáo từ thời điểm xảy ra vụ việc, quả khí cầu có chiều cao 90 mét đã khiến các kiểm soát viên không lưu phải chuyển hướng và trì hoãn những chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Tờ The Irish Times cho biết, nếu xì hơi, khí cầu sẽ có diện tích bằng khoảng 5 sân bóng đá.
Khinh khí cầu bay đến tận không phận Na Uy và Nga trước khi rơi xuống Phần Lan, hơn một tuần sau khi hành trình hỗn loạn của nó bắt đầu.
Khí cầu cùng các thiết bị trị giá hơn nửa triệu USD gắn kèm đã được trả lại cho chính phủ Canada.
Đầu năm nay, một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Mỹ và bị quân đội bắn hạ, gây ra những lo ngại về an ninh trên diện rộng.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã trục vớt được khí cầu ở trên biển. Và giới chức Mỹ tìm thấy trong đống tàn tích của nó một thiết bị công nghệ do Mỹ sản xuất giúp thu thập ảnh, video và các thông tin khác.
Cuối tháng 6, Lầu Năm Góc tuyên bố thiết bị này đã không thu thập dữ liệu gì khi bay qua Mỹ.
Vụ việc đã đẩy quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh lao dốc khi Trung Quốc khẳng định khí cầu được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng. Bắc Kinh nhấn mạnh việc khinh khí cầu dân sự này xuất hiện trong không phận Mỹ là ngoài ý muốn, do ảnh hưởng của gió và khả năng tự điều chỉnh hạn chế nên khinh khí cầu đã đi chệch hướng quá xa so với lộ trình dự kiến.