Sau khi cưới nhau, tôi muốn ra ngoài sống cho tự do nhưng chồng không đồng ý. Anh bảo mẹ vất vả khó nhọc nuôi anh trưởng thành khôn lớn nên không muốn tuổi già bà phải sống một mình. Tiền lương công nhân của vợ chồng tôi không cao lắm, nếu không tiết kiệm rồi lúc ốm đau bệnh tật, con cái đi học biết lấy gì mà chi tiêu.
Sống cùng mẹ chồng, chúng tôi đỡ được khoản tiền thuê phòng trọ và chi phí thuê người chăm sóc con. Nhưng từ ngày 2 con của tôi liên tiếp sinh ra, mẹ chồng không đi làm nữa mà ở nhà nội trợ và trông cháu. Điều đó đồng nghĩa với việc 2 vợ chồng tôi đi làm nuôi 5 miệng ăn.
Chủ nhật vừa rồi, chị Thanh qua nhà tôi chơi. Khi tôi vừa đi chợ về, nhìn thấy nhiều đồ lỉnh kỉnh trong tay tôi, chị thắc mắc. Tôi giải thích là bà ở nhà trông cháu không thể ra ngoài mua đồ được nên cứ ngày nghỉ tôi mua đồ ăn cho cả tuần.
Chị Thanh phàn nàn mọi thứ đắt đỏ, cầm 500 nghìn mới đi nửa chợ đã hết tiền. Mỗi tháng bỏ ra 10 triệu lo cho 4 miệng ăn mà thấy còn thiếu. Có những tháng nhiều đình đám còn không có khoản tiết kiệm nào nghĩ mà chán.
Tôi ngạc nhiên khi biết chị Thanh mỗi tháng chi tiêu sinh hoạt tốn kém đến vậy. Khi biết tôi bỏ ra 4 triệu một tháng, chị Thanh không tin mà còn cho là nói dối.
Để chứng minh lời bản thân là đúng, tôi đã liệt kê các khoản chi tiêu trong một tháng. Vợ chồng tôi làm tăng ca đến 9 giờ tối (cơm trưa và tăng ca ăn ở xưởng) nên chỉ ăn mỗi bữa sáng và ngày chủ nhật ở nhà. Hằng ngày ở nhà chỉ có mẹ chồng và các con, chuyện ăn uống cũng đơn giản. Rau thì ra vườn hái, còn đồ ăn chỉ cần món kho mặn đã xong bữa. Lúc thì cá hay thịt tôm kho, khi là vừng lạc rang muối. Mỗi tháng tiền ăn hết 1,5 triệu.
Tôi quan niệm đồ của người giàu thải ra còn tốt hơn đồ mua mới. Thế nên quần áo của vợ chồng con cái trong gia đình tôi toàn là đồ đi xin. Đồ đạc trong nhà tôi cũng là của họ hàng bên chồng cho như bộ salon, bếp từ hay tivi. Mỗi năm đỡ được một khoản tiền kha khá.
Tiền học của 2 đứa con mỗi tháng hết 1,2 triệu. Mấy tháng hè các con ở nhà chúng tôi đỡ được khoản tiền nộp học.
Vợ chồng tôi quan hệ không rộng nên tiền đình đám bình quân mỗi tháng hết khoảng 500 nghìn. Tôi dành ra 800 nghìn cho tiền điện, ốm đau và phát sinh khác trong tháng.
Chị Thanh hỏi tôi không tốn tiền mua sữa, đồ ăn vặt cho các con sao. Tôi ngượng ngùng nói ngày xưa bố mẹ nuôi con cái có cần sữa đâu mà vẫn trưởng thành. Do điều kiện kinh tế không cho phép nên chúng tôi chủ trương nuôi con ăn uống tự nhiên.
Nghe xong chuyện chi tiêu mỗi tháng của gia đình tôi, chị Thanh thở dài nhận xét một câu mà tôi kinh hồn táng đảm, chị bảo chúng tôi quá tiết kiệm, dè sẻn tới mức hà tiện, cho con ăn kham khổ thế không có lực mà cao lớn thông minh, còn người lớn không có sức lao động, chống đỡ bệnh tật. Về sau mới thấy tác hại, đến lúc đó tiền thuốc thang bỏ ra nhiều hơn tiền tiết kiệm được. Lời chị Thanh nói làm tôi thấy chột dạ, không biết có phải tôi đang tiết kiệm thái quá không nữa?