Khi người khác hăng hái chia sẻ một phát hiện mới, một số người sẽ trả lời: "Bạn mới biết à, tôi đã biết từ lâu rồi".
Khi cấp dưới báo cáo ý tưởng công việc với sếp, một số sếp sẽ lập tức phản ứng: "Cách suy nghĩ của cậu có vấn đề à?"
Khi bạn đã quen với việc phản bác người khác, bạn sẽ thấy người chủ động giao tiếp với mình ngày càng ít đi, hiếm khi có người đến trò chuyện với bạn và bạn cũng không vui vẻ gì khi trò chuyện với họ.
Vì thói quen phản bác gây tổn hại lớn đến mối quan hệ xã hội, vậy chúng ta nên điều chỉnh xu hướng này như thế nào?
Dưới đây là 3 gợi ý:
1. Lắng nghe với sự đón nhận
Mỗi người đều có một cơ chế tâm lý tự bảo vệ để bảo vệ nhận thức, lập trường và lòng tự trọng của mình. Khi bạn lên tiếng phản bác, cơ chế tự vệ này sẽ kích hoạt khiến bạn không thích ý kiến của đối phương, dù cho họ nói hay đến đâu, bạn cũng không muốn nghe.
Vì vậy, phản hồi đầu tiên tốt nhất đối với lời nói của người khác luôn là "Có".
Khi mở lòng với đối phương, cơ chế tự vệ tâm lý sẽ không bị kích hoạt, bạn sẽ bắt đầu nghe những ý kiến và quan điểm của họ một cách khách quan nhất.
Bạn có thể quan sát những người bạn xung quanh mình và dễ dàng nhận ra: Những người giao tiếp tốt, biết quản lý và khích lệ người khác đều thuộc trường phái này.
Để chấp nhận quan điểm của người khác, có 3 cách từ cơ bản đến tinh tế:
Đơn giản đồng ý
Đây là cách dễ nhất, bạn chỉ cần gật đầu và nói "Đúng vậy", "Bạn nói đúng". Chỉ cần thể hiện thái độ đồng ý, dù bạn giả vờ, đối phương cũng sẽ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng chia sẻ các ý tưởng, câu chuyện với bạn.
Chọn lọc điểm đồng tình
Tinh lọc những điểm chính từ lời nói của đối phương và nói lại với họ một cách đặc biệt đồng ý. Ví dụ, có người chia sẻ với bạn: "Tôi nghĩ quản lý con người không thể một mực, cần phải chịu đựng khuyết điểm của từng người. Khi ai đó có phong cách làm việc cứng nhắc, không linh hoạt, thay vì yêu cầu họ linh hoạt, tốt hơn là chỉ giao cho họ những công việc cần nguyên tắc cao và ít thay đổi."
Sau khi nghe câu này, bạn có thể tinh lọc phần đồng ý và nói lại với họ: "Bạn nói đúng lắm! Chúng ta làm quản lý, phải như bạn nói, dùng người theo sở trường, tránh sở đoản."
Cách tinh lọc điểm đồng tình này hiệu quả hơn so với việc đồng tình đơn giản, đối phương không chỉ có thiện cảm với bạn mà còn cảm thấy bạn có trình độ, sự đồng ý của bạn có giá trị và họ sẽ muốn tiếp tục chia sẻ với bạn nhiều hơn.
Đồng cảm
Nếu bạn có thể đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được cảm xúc của họ, sự đồng cảm sẽ nâng sự đồng ý lên một cấp độ cao hơn, đối phương sẽ coi bạn giống như tri kỷ.
Tuy nhiên, điều này khó hơn hai cách trên nhiều vì nó yêu cầu bạn và đối phương có cùng địa vị, giá trị, kiến thức hoặc cùng trải qua những trải nghiệm giống nhau.
Vì vậy, đồng cảm là lựa chọn, nếu làm được thì tốt, nếu không thì chỉ hai cách trên là đủ.
2. Đừng hỏi lại giống như "chất vấn"
Trong cuộc trò chuyện, thái độ là vấn đề quan trọng nhất. Đôi khi, dù tỏ ra đồng tình nhưng bạn chỉ gật đầu đồng ý, đối phương cũng sẽ cảm thấy bạn đang qua loa. Đặc biệt, nhiều người có khả năng diễn đạt hạn chế, nhiều khi họ cảm thấy mình chưa nói rõ, nhưng bạn lại gật đầu đồng thuận, việc này không chỉ không kéo gần khoảng cách mà còn làm họ khó chịu.
Vì vậy, trong giao tiếp cần phải biết hỏi để làm rõ một số điều với đối phương.
Lúc này vấn đề là, nếu hỏi không khéo, sẽ dễ khiến đối phương cảm thấy bị chất vấn, cho rằng bạn đang nghi ngờ họ. Xảy ra hiểu lầm với bạn thân còn dễ giải thích, nhưng trong công việc hoặc với người chưa thân quen, họ có thể không nói ra sự không hài lòng mà lại nghĩ bạn EQ thấp.
Dưới đây là ba cách giảm thiểu cảm giác bị chất vấn cho người khác:
- Đầu tiên, trước khi hỏi, hãy bày tỏ sự hiểu biết với quan điểm của đối phương. Ví dụ, "Tôi hiểu ý của bạn là... Có thể giải thích thêm... không?", "Quan điểm của bạn rất hay, có thể nói rõ hơn được không?" Điều này giúp đối phương hiểu rằng bạn hỏi là để hiểu rõ hơn chứ không phải chất vấn họ.
- Thứ hai, khi hỏi, tránh sử dụng từ ngữ tuyệt đối hoặc cực đoan như "tại sao", "thật à", "làm sao có thể". Những từ này dễ làm câu hỏi trở nên trực tiếp, thậm chí mang tính thách thức. Bạn có thể chọn cách diễn đạt nhẹ nhàng hơn, làm câu hỏi có vẻ mở và trung lập hơn. Ví dụ, "Làm ơn giải thích chi tiết hơn", "Hãy đưa ví dụ cụ thể", "Có thể miêu tả rõ hơn lý do của...?"
- Thứ ba, quan sát phản ứng của đối phương, khi cần thiết hãy làm rõ mục đích của câu hỏi. Nếu nhận thấy đối phương có dấu hiệu bị xúc phạm, ngay lập tức nhấn mạnh mục đích của câu hỏi. Ví dụ, "Xin đừng hiểu lầm, tôi hỏi để hiểu rõ hơn quan điểm của bạn."
3. Biểu đạt sự không đồng tình một cách tinh tế
Khi bạn mở lòng với các ý kiến và đặt câu hỏi đúng lúc trong cuộc trò chuyện, bạn đã có thể dễ dàng cải thiện mối quan hệ với bất kỳ ai.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn đạt được hiệu quả cao hơn, khiến đối phương không chỉ gần gũi mà còn tôn trọng và thậm chí ngưỡng mộ bạn, thì bạn cần phải biết cách biểu đạt sự không đồng tình một cách đúng đắn, chẳng hạn như lấy dẫn chứng từ một tình huống cụ thể biểu đạt quan điểm trái ngược. Điều này giúp bạn có thể trực quan hóa ảnh hưởng và hậu quả của lập trường trái ngược, từ đó tăng cường khả năng chấp nhận của đối phương đối với quan điểm của bạn.
Ví dụ, khi bạn không đồng ý với kế hoạch của đối phương, bạn có thể trả lời: "Kế hoạch này tôi đã từng sử dụng trước đây, tình huống cụ thể khi đó là…", hoặc "Phương pháp tương tự đã được sử dụng trong các dự án khác, tình huống cụ thể là…".
Trong công việc, khi bạn muốn biểu đạt sự không đồng ý, bạn cũng cần phải đưa ra một giải pháp thay thế. Điều này sẽ truyền đạt một tín hiệu thân thiện tới đối phương: Sự bất đồng của tôi dựa trên sự suy nghĩ sâu sắc về vấn đề và mong muốn giúp bạn giải quyết vấn đề, chứ không phải là sự phản đối chủ quan.
*Theo: Aboluowang