Khe cửa hẹp cho nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ

Đình Nam |

Việc cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với EU vẫn là chưa đủ và hành trình gia nhập khối này của Ankara vẫn chưa có thêm tia hy vọng mới nào.

Ngày 26/3, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã không mang bất kỳ đột phá nào khi “một danh sách dài” các mối quan ngại của Khối liên minh này đối với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể tìm được câu trả lời.

Tối ngày 26/3, tại thành phố Varna bên bờ biển Đen của Bulgaria, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã diễn ra trong một bầu không khí “căng thẳng”.

Dù Liên minh châu Âu vẫn giữ cam kết sẽ chi một khoản tiền cho việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận người di cư theo như thỏa thuận đã ký trước đó, song khối này vẫn quan ngại về nhiều vấn đề còn “tồn đọng” tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay như: quá trình cải cách luật pháp, tự do báo chí trong nước cũng như những căng thẳng trong mối quan hệ với một số nước thành viên của Khối là Hi Lạp và Cộng hòa Síp.

Kể cả cuộc chiến chống người Kurd tại quốc gia láng giềng Syria của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một vấn đề mà các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lên án: “Tôi luôn hiểu rõ về vấn đề tại Afrin, Syria. Tôi cho rằng chúng ta cần lưu ý các tiêu chuẩn an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này là hiển nhiên, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ được đằng sau một sự xâm nhập vào một quốc gia có chủ quyền như Syria, ngay cả khi quốc gia này đang ở giai đoạn chiến tranh”.

Do đó, EU vẫn chưa thể chấp nhận làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc miễn thị thực cho công dân quốc gia này khi đến châu Âu theo như yêu cầu của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ không trục xuất nhà ngoại giao Nga VOV.VN - Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang diễn ra tốt đẹp và Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định sử dụng biện pháp tương tự để chống Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, sự cải thiện trong quan hệ song phương, thậm chí là tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến triển giải quyết tất cả các mối quan ngại của EU từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Song, người đứng đầu Hội đồng châu Âu tái khẳng định cam kết của khối này trong việc duy trì các cuộc đối thoại, cũng như tham vấn các cấp với Thổ Nhĩ Kỳ để cùng vượt qua những rào cản trong quan hệ song phương.

Kết quả của Hội nghị đã không diễn ra theo như kỳ vọng mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố trước khi lên đường tới Bulgaria, rằng nước này sẽ không cho phép nhân tố nào ngăn chặn quá trình trở thành thành viên đầy đủ trong EU.

Tuy nhiên, ông Erdogan vẫn cho rằng, thời điểm khó khăn với EU đã ở lại phía sau. Tổng thống Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ và EU là những đối tác chiến lược lâu dài và sẽ là một sai lầm lớn nếu Khối này đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chính sách mở rộng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có tham vọng gia nhập EU, song tới tháng 10/2005, các cuộc đàm phán về quy chế thành viên với Ankara mới được bắt đầu. Trong tổng số 35 chương cần thảo luận và thống nhất để có thể gia nhập EU, hai bên mới hoàn tất được 1 chương.

Trong những năm qua, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, trở nên căng thẳng, nhất là sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Căng thẳng có lúc đã khiến các bên đưa ra tuyên bố, rằng “cánh cửa” gia nhập EU của Ankara đã khép lại hoàn toàn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại