Việc nêu vấn đề vào thời điểm hiện nay được xem là khá nhạy cảm, trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang cần Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết nhiều vấn đề nóng của khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhập cư hay cuộc chiến chống khủng bố.
Được khởi động từ năm 2005, tuy nhiên, tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu hầu như không đạt tiến triển. Đầu năm nay, Liên minh châu Âu đã quyết định đẩy nhanh chuỗi đàm phán này, coi đây là điều kiện để thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ châu Âu kiểm soát dòng người di cư, song cũng không đạt kết quả.
Trên thực tế, trong cuộc tranh luận bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố ủng hộ việc chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ, do những vấn đề chính trị nội bộ của nước này. Bà Merkel thậm chí còn nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ không nên là một phần của ngôi nhà chung Liên minh châu Âu.
Hơn nữa theo bà Merkel, các cuộc đàm phán gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ lúc này gần như là không tồn tại.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây không phải là nguyên nhân thực sự, mà chủ yếu là do chính quyền hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ không thể hòa hợp với Liên minh châu Âu. Và vấn đề đặt ra chỉ còn là bên nào sẽ khép cánh cửa đàm phán trước.
Hiện cả Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn nhận quả bóng này. Đối với Liên minh châu Âu đó là không muốn mang tiếng là bỏ rơi nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà đặc biệt là Tổng thống Erdogan, điều này sẽ dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước và sẽ có một cuộc tranh luận lớn tại nước này.
Chính vì thế, cho tới nay dù không hài lòng, song Liên minh châu Âu vẫn khá kiềm chế. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini mới đây thừa nhận, vào thời điểm này sẽ là khó khăn đối với khả năng mở ra các chương đàm phán mới với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Rất nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đang tập trung vào những giới hạn đỏ, trong khi tôi muốn hướng tới những giá trị chung. Tôi cho rằng cuộc đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ là hữu ích, trong đó, chúng tôi xác định những ưu tiên chung mà chúng tôi có thể cùng nhau làm việc.
Điều này không thể bị coi nhẹ, bởi vì vấn đề của chúng ta rất phức tạp và chúng ta cần làm việc trên tinh thần hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác. Đó là hướng tiếp cận của Liên minh châu Âu", bà Mogherini nói.
Lập trường cứng rắn của Đức dường như mới chỉ nhận được sự ủng hộ của Áo. Cần phải nhắc lại rằng, kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Áo khi đó, ông Sebastian Kurz- người gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15/10 vừa qua- đã tuyên bố, quan hệ Liên minh châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ không thể trở lại như trước đây. Liên minh châu Âu phải nhìn thẳng vào thực tế mối quan hệ này.
Câu hỏi đặt ra lúc này là Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ làm thế nào để bảo vệ được lập trường của mình, cũng như làm thế nào để thống nhất quan điểm của các nước thành viên khác. Trong lúc này, Pháp vẫn hành động theo cách mà nước này lâu nay vẫn làm, đó là đá quả bóng cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không dễ từ bỏ những đặc quyền mà mình đang được hưởng nhờ tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu, nhất là về tài chính.
Trên thực tế, Liên minh châu Âu đã chi ra một khoản ngân sách lớn cho tiến trình chuẩn bị gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 6,7 tỷ euro giai đoạn 2007-2017 và dự kiến 1,9 tỷ euro giai đoạn 2018-2020).
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được hưởng lợi từ các khoản vay khác của Ngân hàng đầu tư châu Âu lên tới 2,3 tỷ euro năm 2015 hay Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu./.