Video: Những nhận định súng Thần công ở Quan Lạn
Liên quan đến vụ việc đào được súng Thần công hơn 200 năm, đem bán lấy 900 nghìn đồng, những ngày cận Tết nguyên đán Mậu Tuất, PV VTC News lặn lội tìm ra xã đảo Quan Lạn đi tìm lời giải về sự xuất hiện của khẩu súng Thần công vừa được phát hiện ở Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh).
Không chỉ có 1 khẩu Thần công
Ông Phạm Ngọc Ngân (SN 1972, trưởng thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn) nhận định, súng Thần công mới được phát lộ có thể được đặt ở khu vực thành đồn (nơi đồn trú, phòng ngự của binh lính các triều đại phong kiến, xóm La Hào, xã Quan Lạn). Chiều dài thành đồn khoảng 200m, trấn giữ cửa hướng Bắc Thương cảng Vân Đồn cổ. Tuy nhiên, đến nay không còn dấu tích gì.
“Hồi nhỏ, tôi còn thấy một ụ thành đồn trình bằng đất sét. Tuy nhiên đến nay không còn do mở đường xuyên đảo Quan Lạn – Minh Châu và người dân khai phá làm vườn canh tác. Khi tìm thấy khẩu Thần công này, người dân mới nhớ ra thành đồn ngày xưa” – ông Ngân chia sẻ.
Nơi ông Phạm Quốc Duyệt (người đang chỉ tay) là khu vực cổng thành đồn xưa, giờ không còn dấu tích. Đây cũng là nơi phát lộ súng Thần công, được cho là nằm phía bên trái cổng thành đồn.
Ông Phạm Quốc Duyệt (SN 1946, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) cho rằng, khẩu Thần công này là một trong những khẩu súng đặt ở một trong những đồn bốt quan trọng để bảo vệ Thương cảng Vân Đồn cổ.
Tuy nhiên, cuối Triều Lê, đầu Triều Nguyễn, Thương cảng Vân Đồn không còn tồn tại trong thương mại mậu dịch nên có thể khẩu súng Thần công vừa được phát hiện do triều Nguyễn chế tác, lập nên nhằm bảo vệ phòng tuyến Đông Bắc của Tổ quốc (khoảng từ 1802 – 1820).
Như vậy, căn cứ vào chữ viết trên thân súng, khẩu Thần công được sản xuất vào năm 1838, trong công xưởng chế tác vũ khí của triều Nguyễn và được vận chuyển bằng đường biển ra đây trấn giữ khu vực Đông Bắc.
Quan sát bằng mắt thường, súng Thần công được đúc bằng gang và một số kim loại khác, với trọng lượng khoảng 368 kg, chiều dài 1,2m, chiều rộng nòng 40cm, rỗng nòng, bên ngoài đã han gỉ.
Vẫn nhớ như in ngày súng Thần công được phát hiện ngay trước nhà, ông Lý Quốc Chiến (SN 1961, thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn) bồi hồi nhớ lại: Từ ngày còn nhỏ, ông vẫn thấy còn vài trăm mét thành đồn. Còn thành đồn ở đây có từ bao giờ thì không ai biết được.
Vị trí phát hiện khẩu Thần công nằm đúng bên trái cổng thành đồn xưa kia. Hai bên là 2 ụ tre gai kéo dài nằm trên nóc thành đồn. Năm 1995-1996, khi Xí nghiệp 48 Quân khu 3 mở đường xuyên đảo phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và dân sinh thì khu vực cổng thành đồn với những lũy tre gai bị phá bỏ.
Khoảng 11h ngày 19/12/2017 (tức 2/11 Âm lịch) đúng ngày đại lễ đền Vân Sơn (thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, nơi thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và 3 anh em nhà họ Phạm, tướng dưới trướng của Trần Khánh Dư), đơn vị thi công đường nước phát hiện khẩu súng Thần công này.
Theo ông Chiến, sau khi phát hiện ra khẩu Thần công nêu trên, nhiều cụ cao niên ở xã đảo Quan Lạn nhận định, khu vực thành đồn không chỉ có 1 mà vẫn còn nhiều khẩu Thần công khác đang nằm dưới lòng đất bị mưa bão, đất cát vùi lấp phía dưới chân thành đồn qua thời gian.
Ông Lưu Thành Viên – Phó Bí thư, Thường trực Đảng ủy xã Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, trùng vào đúng ngày đại lễ của Đền Vân Sơn nên chiều cùng ngày, sau khi khẩu súng Thần công được đưa về đền, nhân dân kéo đến xem khá đông trước bảo vật ‘xưa nay hiếm’ vừa được phát hiện, coi đây là vật báu của đình Vân Sơn.
Ngày 19/1, đại diện Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn ra phối hợp với UBND xã Quan Lạn ra xác định niên đại và đưa khẩu súng Thần công về Bảo tàng tỉnh quản lý.
Chưa thể xác định lai lịch
Trả lời PV VTC News, ông Kiều Đinh Sơn – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh cho biết, chưa xác minh được chính xác lai lịch của khẩu Thần công mới được phát lộ.
Ngày 19/1, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn phối hợp với UBND xã Quan Lạn ra xác định niên đại và đưa khẩu súng Thần công về Bảo tàng tỉnh quản lý.
Theo quy định, Bảo tàng sẽ thu hồi hiện vận đó chuyển về trong Bảo tàng để trước mắt là bảo quản, sau đó mời các chuyên gia thuộc lĩnh vực đó khảo sát, nghiên cứu để đưa ra kết luận tương đối chính xác được.
“Mặc dù niên đại được khắc bằng chữ Hán bên trên thân súng nhưng nó mất nét nên độ chính xác chưa thể khẳng định chắc chắc được” – ông Sơn cho biết.
Trước đó, khoảng 10h30 ngày 19/12/2017, nhận được tin báo của nhân dân về việc, đơn vị thi công cuốc được một khẩu pháo bằng kim loại đặc, chiều dài 1,2m, chiều rộng lòng 40cm, rỗng lòng, bên ngoài đã han gỉ trong khi thi công đường Xi phong (thuộc Dự án nước sạch trên địa bàn xã) qua khu vực trước nhà anh Chiến Mai, thôn Sơn Hào.
Tuy nhiên, sau khi đào được, đơn vị này không thông báo và bàn giao cho UBND xã mà bán cho anh Phạm Văn Câu, thôn Sơn Hào, với giá 900.000 đ.
Khi UBND xã cử cán bộ xuống đến nơi, cổ vật đã được bán lại cho một người khác và mang về đền Vân Sơn, với số tiền 1,3 triệu đồng.
UBND xã đã lập biên bản hiện vật và bàn giao cho Trưởng thôn Sơn Hào và thủ từ đền Vân Sơn quản lý tạm thời để báo cáo cấp trên. Đến thời điểm hiện tại, rất có thể đây là khẩu pháo Thần công được tìm thấy đầu tiên ở Quảng Ninh.
Hiện, khẩu pháo đang được quản lý chặt chẽ, chờ cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh về giám định niên đại, làm rõ những vấn đề liên quan đến sự có mặt, tồn tại của cổ vật nêu trên tại xã đảo và quản lý theo quy định.
Trần Khánh Dư là một trong những vị tướng giỏi của triều Trần. Ông người huyện Chí Linh (Hải Dương), là con trai của Thượng tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt.
Ông có công lớn trong việc đóng góp những ý kiến xuất sắc ở hội nghị Bình Than (1282) và trong trận chỉ huy đánh tan đoàn thuyền lương của tướng nhà Nguyên Trương Văn Hổ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lượng lần thứ 3.
Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng là 3 anh em ruột, sinh ra và lớn lên ở làng đảo Quan Lạn, lấy nghề đánh cá làm kế sinh nhai nên cả 3 anh em đều giỏi nghề đi biển, hiểu từng luồng lạch, con nước.