Trong xã hội ngày nay, con người luôn bị ám ảnh bởi cuộc sống vật chất bề ngoài, lại thêm không tin vào vô thần luận nên rất ít người tin thần và cũng không phải thật sự tin.
Họ mải phấn đấu cho sự nghiệp khiến trái tim mê loạn và bốc đồng, kiệt sức cả thể chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt những người là con một trong gia đình, thường ngày quen được bố mẹ nuôi chiều, không biết đạo hiếu và cảm ơn, khả năng chịu đựng của tâm lý cũng rất yếu, gặp chuyện không như ý, động chút là giận dỗi bỏ nhà đi, nghiêm trọng hơn là đòi tự vẫn, mang đến nỗi đau rất lớn cho người thân, bạn bè.
Thực ra cuối cùng là tạo thành tội nghiệp vô tận cho bản thân, mấy đời mấy kiếp cũng khó trả hết. Dưới đây là một vài câu chuyện liên quan:
Câu chuyện thứ nhất
Cao tăng nọ cứu được một người định tự tử. Người đó từ từ tỉnh lại nói: "Đa tạ đại sư nhưng người không cần phí sức cứu tôi.
Tôi đã hạ quyết tâm không sống nữa. Hôm nay không chết, mai tôi cũng sẽ đi kết thúc cuộc đời mình."
Nhà sư thở dài: "Đúng là bần tăng không ngăn được thí chủ nhưng ta muốn hỏi, thí chủ đã trả hết nợ chưa?"
Anh ta cảm thấy rất kỳ lạ nói: "Tuy nhà tôi nghèo, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng chưa từng vay nợ ai."
Nhà tu hành ôn tồn lên tiếng: "Cuộc sống của thí chủ mượn từ cha mẹ, vậy là nợ cha mẹ; thí chủ ăn, mặc, dùng đều mượn từ trời đất núi sống, vậy là nợ trời đất; kiến thức và trí tuệ đều mượn của thầy mình, vậy là nợ thầy.
Người mình mắc nợ đời này thật sự quá nhiều, thí chủ đã trả hết nợ cho họ chưa?"
Chàng trai hoảng hốt nói: "Nếu vậy, đúng là tôi mắc nợ rồi. Nhưng tôi không biết làm sao mới có thể trả được nợ?"
Phương trượng cười nói: "Chuyện này đâu có khó? Chỉ hai chữ là đủ."
Anh ta mơ hồ nói: "Xin đại sư chỉ dạy."
Nhà sư mỉm cười: "Hai chữ ‘trân trọng’ thôi."
Suy ngẫm một hồi, người đó bái lạy hòa thượng mấy cái rồi quay người bước ra khỏi cửa, tinh thần phấn chấn hẳn lên.
Câu chuyện thứ hai
Trương Đại, người Trấn Giang đến sống ở Dương Châu. Tháng 5, năm Khang Hy thứ 7, ông bị bệnh qua đời.
Hồn của ông đến gặp Diêm Vương, ngài ấy nói: "Bắt nhầm người rồi. Ngươi đã đến đây rồi, có thể gửi một lá thư đến dương gian."
Thế là ngài ấy lệnh cho một tên lính ma dẫn ông đi thăm quan một tòa thành. Tấm biển trên cổng thành viết hai chữ "Cuồng chết".
Ông nhìn thấy rất nhiều hồn ma kéo cái lưỡi dài hơn một thước, tự xưng là hồn ma treo cổ. Hàng ngày đến giờ này bắt buộc phải trải qua nỗi khổ treo cổ.
Sau đó ông lại thấy rất nhiều hồn ma trương phềnh, quần áo ướt sũng tự xưng là nhảy xuống nước tự vẫn.
Rồi ông lại thấy những hồn ma không đầu, đứt cổ họng, thất khướu chảy máu tự xưng là tự vẫn hay uống thuốc độc mà chết.
Hàng ngày vào một giờ nhất định họ phải làm lại một lần cách chết của mình lúc còn sống, vô cùng đau đớn.
Đám hồn ma đó đồng thanh nói: "Lúc còn sống, chúng tôi đều cho rằng chết là xong nhưng không ngờ chết rồi còn đau khổ đến thế này, đúng là hối hận cũng không kịp."
Trương Đại hỏi: "Khi nào đám hồn ma đó mới có thể đầu thai làm người?"
Lính ma nói: "Không thể đâu. Ma gửi hồn làm người ở điện Diêm La Vương rất ít. Thân người rất hiếm mà không biết trân trọng, suy nghĩ nông cạn.
Những người này ở dưới âm gian đã phụ ân nghĩa Diêm Vương khích lệ làm người tốt trên thế gian, ở dương gian lại phụ công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Huống hồ một người tự vẫn sẽ khiến người thân ở dương thế rơi vào kiện tụng, đúng là hại người không ít.
Vì vậy Diêm Vương hận nhất là những người này. Ngài ấy đã phán quyết đầy họ là kiếp súc sinh, không dễ gì có thể đầu thai làm người…"
Xem xong cảnh này, ông về hồi báo, Diêm Vương nói: "Ngươi về nhân gian có thể chuyển những lời này đến cho người nhân thế biết."
Sau đó ngài đập mạnh bàn, Trương Đại mới từ từ tỉnh lại.
Câu chuyện thứ ba
Ở Triệu Trang có một cặp vợ chồng nông dân rất mực yêu nhau.
Một hôm, người vợ nghe nói chồng có người khác, cũng không biết là thật hay không.
Tính tình người vợ rất dịu dàng, cũng không làm ầm ĩ gì, chỉ đùa với chồng: "Nếu chồng không yêu em mà đi yêu con hồ ly tinh đó, em sẽ treo cổ tự vẫn."
Hôm sau, khi đang làm đồng, người vợ gặp một pháp sư có đôi mắt âm dương, có thể nhìn thấy ma quái. Vừa nhìn thấy chị, pháp sư kinh hãi hét lên: "Sao sau lưng cô lại có một con ma treo cổ chết vậy?"
Lúc này mới biết, dù là một câu đùa trong lúc nói chuyện thì ma cũng nghe thấy.
Người chết thảm nhất định phải tìm một người thế thân mới có thể đầu thai chuyển thế, cũng không biết tại sao pháp luật âm gian lại quy định như vậy.
Có thể là vì họ ghét những người coi thường mạng sống, không cho những người đó mau chóng được đầu thai.
Như vậy cũng để người thế gian biết rằng không nên coi nhẹ mạng sống. Làm vậy sẽ dẫn đến chuyện không hay.
Nghe nói, có con ma treo cổ chết dẫn dụ người ta tự sát. Vì vậy chuyện trên đời luôn có cái lợi, cái hại. Pháp luật do thần tiên định ra cũng không tránh khỏi điểm này.
Câu chuyện thứ tư
Một người họ Nhiếp lên núi tảo mộ. Trên đường về, vì mùa đông ngày ngắn đêm dài, trời tối rất nhanh, sợ trên núi có hổ nên anh cố gắng đi thật nhanh.
Thấy ở sườn núi có một ngôi miếu đổ, người này vội vào chạy vào trong.
Lúc này trời đã tối đen, anh Nhiếp nghĩ tạm nghỉ ở đây một đêm. Bỗng anh ta nghe thấy góc tường có người nói: "Đây không phải nơi người ở. Anh mau rời khỏi đây đi."
Người qua đường hỏi tại sao lại sống ở nơi tối tăm thế này.
Đối phương đáp: "Tôi là con ma treo cổ đợi người thế thân ở đây."
Anh Nhiếp nghe xong mà sởn da gà, vô cùng sợ hãi. Sau đó anh nói: "Mạo hiểm ra ngoài sẽ bị hổ ăn thịt, thà bị ma hại chết còn hơn. Tôi ở trong này cùng anh."
Con ma nói: Không đi cũng được nhưng âm dương không dung hợp. Anh không cản được âm khí, tôi cũng không chịu nổi dương khí. Cả hai sẽ không được yên ổn. Chúng ta một người một góc, đừng ai lại gần ai là được."
Sau đó họ Nhiếp hỏi tại sao con ma phải tìm người thế thân.
Ma nói: "Ông trời có đức hiếu sinh, không mong mọi người tự sát. Các trung thần, liệt nữ tuy là tự vẫn nhưng giống như những người sống hết cuộc đời, không cần phải tìm thế thân.
Đó là do hoàn cảnh bức ép họ vào đường cùng, không còn sống được nữa. Ông trời cũng niệm tình bất đắc dĩ mà cho họ đầu thai không cần tìm thế thân.
Nếu còn cơ hội sống hay vì chút chuyện bất bình mà không chịu nổi hoặc mượn chuyện này làm liên lụy đến người khác, dễ dàng tự vẫn là trái với lòng của vạn vật trong trời đất nên bắt buộc bị trừng phạt phải đợi thế thân.
Thời gian giam cầm ở nơi tối tăm này phải đến hàng trăm, hàng nghìn năm."
Anh Nhiếp hỏi hồn ma: "Không phải có chuyện dụ người tự sát làm thế thân sao?"
Con ma trả lời: "Tôi không nhẫn tâm làm việc này. Những người treo cổ chết để bảo toàn tiết nghĩa, linh hồn sẽ bay lên từ đỉnh đầu. Quá trình chết rất nhanh.
Nếu vì oán giận, ghen tỵ mà chết thì hồn sẽ từ tim bay ra, quá trình chết khá chậm.
Thời khắc chưa tắt thở, tất cả khí mạch sẽ chảy ngược, cơ thịt như muốn nứt toác, đau đớn như dao cắt, nội tạng như có lửa thiêu, vô cùng khó chịu.
Sau vài ba canh giờ, linh hồn mới rời khỏi xác. Nghĩ đến nỗi đau đớn đó, khi thấy một người muốn treo cổ thì tôi lập tức ngăn họ lại. Làm sao tôi nhẫn tâm dụ người ta đến làm ma thay mình được?
Người qua đường nói: "Anh có ý nghĩ lương thiện này nhất định sẽ được lên trời."
Ma đáp lại: "Tôi không dám mơ tưởng điều này, chỉ mong một lòng niệm Phật, ăn năn xám hối."
Một lát sau, trời sắp sáng, hỏi nữa cũng không có người trả lời, chàng trai nhìn kỹ thì con ma đã biến mất.
Sau này mỗi lần đi viếng mộ, anh Nhiếp đều mang thêm một phần đồ lễ và tiền giấy cúng cho con ma nọ thì đều có cơn gió xoáy cuốn quanh.
Một năm sau, cơn gió xoáy đã biến mất. Anh nghĩ nhất định ý nghĩ lương thiện đã giúp người đó thoát khỏi kiếp làm ma.