Liên quan đến diễn biến phức tạp của cơn bão Mangkhut được dự đoán sẽ đổ bộ vào đất liền từ ngày 17-9 sắp tới, sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn và các đơn vị trực thuộc Sở chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão Mangkhut.
Bên cạnh đó, hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch (tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo) trừ cuộc họp phòng chống bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và tập trung phòng chống siêu bão.
Các ngày tiếp theo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học , hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thông báo cụ thể, chi tiết, đầy đủ đến cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh biết về việc nghỉ học, hoãn tổ chức các hoạt động.
Siêu bão Mangkhut nhìn từ vệ tinh
Trường hợp học sinh không nhận được thông báo nghỉ học mà vẫn đến trường hoặc khi hết giờ học có gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt …, Thủ trưởng cơ sở giáo dục phải có phương án quản lý học sinh tại trường, chỉ cho học sinh về nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh trên đường về nhà.
Chủ động liên lạc với học sinh, gia đình học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị để kịp thời thông báo về diễn biến mưa bão và nắm tình hình, đặc biệt là những đối tượng có nhà ở gần các khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của siêu bão, nhắc nhở gia đình không để học sinh ra khu vực này.
Khẩn trương thực hiện ngay các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất của đơn vị; ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt.
Bố trí ít nhất 01 lãnh đạo và một số giáo viên, nhân viên thường trực 24/24 giờ tại đơn vị trong thời gian có mưa bão để kịp thời giải quyết các công việc; phối hợp chặt chẽ với Ban phòng chống lụt bão địa phương để huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và các nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Có kế hoạch kịp thời vệ sinh môi trường trong và xung quanh trường ngay sau khi bão tan; chủ động khắc phục hậu quả (nếu có).
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Khi có sự cố bất thường liên quan đến mưa bão phải chủ động giải quyết, xử lý, đồng thời báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau bão, tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo để có phương án hỗ trợ khắc phục.