Hà Nội ra công điện khẩn ứng phó siêu bão Mangkhut

VƯƠNG TRẦN - CƯỜNG NGÔ |

Chiều 14.9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có công điện khẩn tới các đơn vị liên quan nhằm ứng phó với siêu bão Mangkhut.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia , Hồi 13 giờ ngày 14.9, vị trí tâm siêu bão Mangkhut cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo diễn biến siêu bão Mangkhut tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.

Siêu bão Mangkhut ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội: Từ chiều tối 16.9 sẽ có mưa, mưa vừa sau tăng lên mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến cả đợt 200 - 400mm, có nơi trên 400mm. Gió trong đất liền sẽ mạnh dần lên trên cấp 10, vùng ven biển trên cấp 12.

Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả của siêu bão Mangkhut, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:

Các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn Thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến siêu bão Mangkhut, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn, tổ chức thường trực 24/24 giờ, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng (đặc biệt các công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo:

Theo dõi chặt chẽ tình hình siêu bão Mangkhut, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn; tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, hồ, đập, công trình thủy lợi, các công trình xây dựng, các khu nhà ở, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những hư hỏng, sự cố đảm bảo an toàn công trình; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ phục hồi sản xuất.

Chủ động tổ chức sơ tán nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng thấp có khả năng ngập úng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, các khu vực nhà xuống cấp, nguy hiểm đến nơi an toàn, thường xuyên thông tin, cảnh báo nguy hiểm, tránh đuối nước, điện giật; bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, hàng hóa, vật tư thiết yếu, sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai xảy ra.

Các huyện vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ rừng ngang (Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ.

Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị, các thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình cơ sở, chỉ đạo phòng, chống siêu bão Mangkhut theo quy định, báo cáo kịp thời tình hình về UBND thành phố (qua Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố).

Các công ty thủy lợi kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập. Thực hiện tiêu kiệt nước đệm, khoanh vùng, vận hành các công trình tiêu, bảo vệ lúa mùa, sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu khu vực nội thành khi có yêu cầu.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, ưu tiên cấp đủ điện ổn định cho các trạm bơm hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng ngập, cảnh báo nhân dân phòng chống điện giật.

Về thông tin, báo cáo: Yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo.

Ngay sau đợt bão, mưa, lũ, úng ngập, các cấp, các ngành, các đơn vị kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo gửi Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để tổng hợp chung tình hình thiệt hại và triển khai ứng phó khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn thành phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại