Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó siêu bão Mangkhut

Minh Long |

Ứng phó với siêu bão Mangkhut, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm.

Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó siêu bão Mangkhut với các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra diễn ra chiều 14/9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng các Bộ ngành liên quan phải chủ động các phương án ứng phó bão, các địa phương khẩn trương sơ tán dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nhiều khả năng siêu bão Mangkhut sẽ đi vào Vịnh Bắc bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9.

Phạm vi ảnh hưởng từ khu vực Bắc bộ đến Nghệ An, kèm theo mưa lớn. Bão khi đổ bộ có khả năng đạt cấp 12, giật cấp 14, 15.

Lo ngại nhất hiện nay là khu vực này tập trung đông dân cư với nhiều hoạt động về kinh tế, nhiều nơi ở miền núi tập trung hoạt động khai thác khoáng sản, hầm lò; nhất là nhiều cơ cở hạ tầng kinh tế vừa chịu tổn thương nặng nề bởi các đợt thiên tai vừa qua….

Trước diễn biến phức tạp của siêu bão, các đại biểu đề nghị: những địa phương khu vực ven biển khẩn trương xem xét cho học sinh nghỉ học vào ngày 17/9.

Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, thực hiện lệnh cấm biển kể cả tàu vận tải và du lịch trước 10h ngày 16/9.

Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 17h ngày 16/9.

Đại diện Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng đề xuất, ứng phó bão số 5, lực lượng biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã kêu gọi hơn 48 nghìn phương tiện, với khoảng 176.000 người vào nơi trú tránh an toàn.

Với diễn biến của siêu bão Mangkhut như hiện nay đề nghị các địa phương khuyến cáo ngư dân, chủ tàu thuyền, người dân tạm thời không quay trở lại các lồng bè và trở lại tàu để ra khơi khai thác đến khi bão đi qua.

Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã huy động gần 400.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ hiệp đồng cùng các địa phương, chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó với gần 3.000 phương tiện các loại, trong đó có 44 tàu ứng trực trên biển, 8 máy bay thường trực sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó siêu bão Mangkhut - Ảnh 1.

Thiếu tướng Ngô Quý Đức cho biết, Cục cứu hộ, cứu nạn đã sẵn sàng lực lượng phương tiện ứng phó bão Mangkhut.


Ông Đức nói: “Đề nghị Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố là cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai chỉ đạo lực lượng vũ trang ứng trực, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện sẵn sàng ứng phó khi bão vào.

Chủ động bố trí huy động lực lượng giúp nhân dân trên các lồng bè, chòi canh, những vùng ven biển có nguy cơ cao sơ tán đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng hộ đê và ứng phó tình huống xấu xảy ra.

Nhấn mạnh đến tác động của siêu bão đối với khu vực trên biển, ven bờ và đất liền cũng như địa hình, địa chất ở khu vực miền núi sau các đợt thiên tai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường lưu ý: “Trung tâm khí tượng tăng dầy các bản tin dự báo trước, trong và sau bão, bám sát diễn biến để tham mưa công tác chỉ đạo và giúp các địa phương chủ động trong ứng phó.

Các địa phương trong chỉ đạo phải đặc biệt lưu ý theo phương châm "4 tại chỗ", các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai ở địa phương phải rà soát các phương án ứng phó của cấp huyện, xã, ngành phải hết sức cụ thể.

Các Bộ, ngành thành viên tăng cường kiểm tra công tác ứng phó bão trong 2 ngày tới”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó siêu bão Mangkhut - Ảnh 2.

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 17/9 bão Mangkhut sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương không chủ quan trong ứng phó với siêu bão Mangkhut; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành liên quan cũng như các địa phương thành lập ngay các đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó bão.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai sớm các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, tuyệt đối không để tàu thuyền ra khơi đi vào vùng nguy hiểm.

Hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu vực neo đậu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi vào tránh trú.

Chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm, các công trình không bảo đảm an toàn, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng người dân…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: “Có phương án ngay sơ tán dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực ven biển, nước ngập sâu, gió mạnh nhà cửa yếu.

Đối với các tỉnh miền núi sau bão mưa rất lớn và dễ xảy ra lũ ống lũ quét phải rà soát lại các khu vực dễ sạt lở đất để sơ tán người dân, giảm thiểu thiệt hại./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại