Giáo sư Stelarc, tên đầy đủ là Stelios Arcadiou, đã nung nấu ý tưởng cấy thêm một chiếc tai thứ 3 vào cánh tay từ năm 1996 vì mục đích nghệ thuật. Đến năm 2006, ông mới tìm được bác sĩ đồng ý thực hiện phẫu thuật cấy ghép tai vào cánh tay của mình.
“Vì là một nghệ sĩ biểu diễn, tôi rất quan tâm phát triển các khả năng của con người, như ý tưởng về người máy” – ông Stelarc trả lời phỏng vấn với hãng tin CNN.
Chiếc tai giả được cấy ghép vào cánh tay giáo sư Stelarc.
Chiếc tai thứ ba do chính Stelarc sáng chế ra được làm bằng vật liệu polymer sinh học, trông giống y hệt chiếc tai thật, được cấy vào dưới da cánh tay.
Trong vòng 6 tháng, các mô và mạch máu đã phát triển xung quanh chiếc tai giả. Giáo sư Stelarc muốn biến chiếc tai giả thành một thiết bị nghe công cộng.
Đó là một phần thuộc dự án nghệ thuật của ông. Quá trình thử nghiệm cấy tai nhân tạo lên cánh tay đã được ông ấp ủ nghiên cứu trong gần 1 thập kỷ qua.
Cận cảnh chiếc tai giả thần kỳ.
Tiếp theo, giáo sư Stelarc dự định nuôi cấy một thùy tai trên chiếc tai giả này với tế bào gốc của chính ông.
Sau đó ông sẽ tích hợp một chiếc microphone với bộ truyền dẫn không dây vào tai để nó kết nối internet bằng sóng wifi, cho phép mọi người đang online có thể nghe được những gì chiếc tai giả này nghe được.
Chiếc tai được tích hợp thêm tính năng GPS cho theo dõi giáo sư Stelarc và chiếc tai “thần kỳ” qua kết nối internet.
Ông từng tích hợp thành công chiếc microphone vào tai giả và nó luôn hoạt động 24/7. Nhưng khi đó ông bị nhiễm trùng da nên buộc phải gỡ ra. Ông vẫn hy vọng lần sau sẽ thành công mà không bị sự cố gì.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh ABC News, giáo sư Stelarc cho biết:
"Chiếc tai này không phải dành cho tôi. Tôi đã có 2 chiếc tai thật đủ tốt để nghe rồi. Chiếc tai giả này là một thiết bị nghe từ xa dành cho mọi người.
Nó giúp họ có thể theo dõi các cuộc hội thoại, nghe âm thanh của một buổi hòa nhạc tôi thưởng thức dù họ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Bạn thử tưởng tượng xem nếu như tôi có thể nghe được âm thanh từ chiếc tai của một ai đó tại New York thì sao nhỉ? Đồng thời, tôi có thể nhìn bằng mắt người nào đó ở London?”.
Giáo sư Stelarc trả lời phỏng vấn trên truyền hình.
“Nếu tôi đang ở chỗ không có sóng wifi hoặc tôi tắt modern ở nhà thì chiếc tai sẽ trong tình trạng offline nhưng tôi muốn chiếc tai giả luôn trong trạng thái online” - giáo sư Stelarc giải thích rõ hơn.
Trong nhiều năm qua, giáo sư Stelarc luôn tìm tòi nghiên cứu nhằm xóa đi ranh giới khái niệm giữa người và máy móc.
Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 2013 với tạp chí Motherboard, Stelarc đã chia sẻ về sự nghiệp và cuộc thử nghiệm của ông với chiếc tai giả này, đã nhận được nhiều người ủng hộ đến không ngờ.
Ông nói: "Tôi hy vọng mọi người sẽ tò mò về những gì có trong một cơ thể thực sự và cách một cơ thể thực hiện chức năng trong thế giới thật".
(Tổng hợp)