Nhiều rủi ro từ việc mạo danh trên thương mại điện tử
Thương mại điện tử Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ, với lượng người dùng chiếm tới gần 70% dân số. Theo khảo sát của Nielsen IQ, người tiêu dùng trực tuyến Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về sức mua. Doanh số của 5 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng. Nhưng thị trường này có một đặc điểm là người dùng rất tin vào những người nổi tiếng. Khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.
Nguyễn Lạc Huy - Quản lý hệ thống kênh Schannel, phụ trách truyền thông CellphoneS - cho biết kẻ gian đã nhiều lần dùng hình ảnh, tên của anh để quảng cáo và bán những sản phẩm nhái, kém chất lượng dưới mác "hàng giảm giá".
"Trong những ngày sale thì các đối tượng lại còn chạy quảng cáo trên những Fanpage facebook mới lập khiến ảnh hưởng rất nhiều tới chúng tôi…", anh Huy chia sẻ.
Còn với anh Văn - một người thường xuyên mua hàng qua các buổi livestream trực tuyến do có nhiều mã giảm giá sâu. Một lần lướt facebook, anh đã đặt mua quạt phun sương, để lại số điện thoại và địa chỉ theo yêu cầu của cửa hàng. Ngay lập tức kẻ gian đã lấy được thông tin, giả mạo cửa hàng và gọi cho anh để chuyển hàng.
"Hôm đấy shipper bảo rất bận thì mình thông cảm cũng không kiểm tra hàng. Lúc về mở ra thấy mỗi hộp được đóng gói bên trong có mấy miếng xốp. Đơn đấy là mất 700.000 đồng", anh Văn cho hay.
Các đối tượng thường hướng tới những phiên live trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Ngay khi người mua để lại thông tin đặt hàng dưới phần bình luận, chúng sẽ dùng tài khoản giả mạo y hệt trang chính thức của người bán, nhắn tin trước cho nạn nhân và yêu cầu chuyển khoản. Rủi ro nhận được những mặt hàng giả, kém chất lượng, thậm chí còn không nhận được sản phẩm nào cả.
Ảnh minh họa.
Đẩy mạnh các biện pháp minh bạch môi trường Internet
Những kẻ mạo danh, lừa đảo nghĩ rằng ở trên không gian Internet có thể thoải mái sử dụng mọi chiêu trò để có thể trục lợi. Nhưng không đơn giản như vậy, theo Nghị định 147 của Chính phủ, từ ngày 25/12, bất cứ ai muốn được giao tiếp, trao đổi, cung cấp thông tin trên mạng xã hội đều sẽ được định danh. Còn theo Công điện 119 của Thủ tướng Chính phủ thì cả người mua và người bán trên thương mại điện tử cũng được xác thực danh tính. Theo các chuyên gia, các quy định này được ban hành đúng lúc, kịp thời và hoàn toàn khả thi khi trong các lĩnh vực như tài chính ngân hàng đã thực hiện thành công.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết: "Chúng tôi thu thập tất cả tài khoản, số chứng minh thư, căn cước công dân đã từng ăn gian nói dối vào kho dữ liệu. Nếu chứng minh thư của quý vị đã từng rơi vào kho dữ liệu thì chúng tôi chỉ yêu cầu tăng cường mức xác thực lên, thay vì trước kia đều làm giao dịch điện tử thì bây giờ ra quầy…".
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng kể từ 1/1/2025 tới đây, người dùng còn phải xác thực sinh trắc học với mọi giao dịch, vì thế không ai có thể ẩn mình mà dễ dàng lấy tiền của người khác trên không gian mạng.
Tất nhiên, việc định danh người dùng hay dựa vào các thông tin định danh đó để xử lý triệt để các vấn đề trên môi trường mạng và thương mại điện tử không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Cuối năm lại là thời điểm mà các vụ việc lừa đảo, các hành vi gian lận gia tăng tới 30% so với các thời điểm khác trong năm nên người dùng vẫn phải chủ động nâng cao cảnh giác.
Người dùng cần nâng cao cảnh giác khi tham gia mua sắm trực tuyến
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi giao dịch, mua bán trực tuyến, chỉ nên thực hiện nếu tài khoản thanh toán trùng khớp với các thông tin của doanh nghiệp, người bán hàng mà chúng ta đã biết rõ. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, việc đầu tiên là người dùng phải thận trọng trước các thông tin mình tiếp nhận trên không gian mạng. Với website, các trang có tên miền Việt Nam với đuôi chấm vn sẽ có độ tin cậy cao hơn khi được đăng ký và quản lý tại Việt Nam, trong khi tên miền lừa đảo thường có các ký tự lạ.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia Việt Nam cho biết: "Nếu chúng ta để ý kỹ sẽ thấy tên miền lừa đảo có những ký tự lạ, phần mềm thì được tải từ những địa chỉ lạ không phải các kho ứng dụng quen thuộc. Nếu để ý chúng ta vẫn có thể nhận ra được nhưng nếu sơ suất, chủ quan rất dễ nhầm lẫn và làm theo các chỉ dẫn của kẻ lừa đảo".
Còn với các quảng cáo trên Fanpage hay trạng mạng xã hội, tick xanh có thể là một dấu hiệu của sự tin cậy.
Ông Nguyễn Phú Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: "Người dùng cần kiểm chứng thật kỹ xem có đúng Fanpage chính thống hay không. Nếu không phải, người dùng có thể báo cáo trực tiếp cho các nền tảng mạng xã hội trên các cổng báo cáo của các nền tảng mạng xã hội để ghi nhận và hỗ trợ xử lý. Hoặc có thể gửi cảnh báo về Cục An toàn thông tin để Cục xử lý và cảnh báo đến toàn thể người dân".
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi giao dịch, mua bán trực tuyến, chỉ nên thực hiện nếu tài khoản thanh toán trùng khớp với các thông tin của doanh nghiệp, người bán hàng mà chúng ta đã biết rõ. Tốt nhất là thực hiện giao dịch thông qua các kênh được đảm bảo bởi nền tảng hoặc một nhà cung cấp chính thống, đáng tin cậy để có thể khiếu nại và đảm bảo quyền lợi của mình sau này.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng số thuế từ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt khoảng 108.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, năm 2025, Việt Nam sẽ đạt quy mô thị trường khoảng 25 tỷ USD. Việc quản lý hiệu quả, minh bạch sẽ không chỉ đảm bảo cho quyền lợi, nghĩa vụ của người mua, người bán mà còn là sự đảm bảo cho một khoản thu ngân sách bền vững từ các hoạt động này.