Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra tinh trùng của một loài giun đất có tên là Clitellata tại Nam Cực được bảo quản trong trạng thái cực kì hoàn hảo.
Ước tính, niên đại của nó lên đến 50 triệu năm, trở thành tinh trùng cổ nhất hiện nay.
Theo đó, tinh trùng của con giun đất được tìm thấy tại vách của một cái kén Clitellata ở Nam Cực. Loài giun này đã tồn tại từ thời kì Eocene cách đây 50 triệu năm.
Các nhà khoa học cho biết, sở dĩ tinh trùng này tồn tại hàng chục triệu năm bởi nó nằm trong kén và không được thụ tinh với trứng.
Khi nằm trong kén, nó được các chất có trong đó nuôi dưỡng, cộng với độ lạnh của Nam Cực góp phần giúp tinh trùng này tồn tại lâu hơn trước khi bị hóa thạch.
“Tinh trùng động vật thường bị chết sau một thời gian ra khỏi môi trường và không thể bị hóa thạch do quá nhỏ. Kể cả khi nằm trong bọc bảo vệ, nó cũng bị môi trường tác động.
Do đó, việc có tinh trùng hóa thạch như chúng ta vừa phát hiện được là cực hiếm nếu không phải nói là khó tin”, trưởng nhóm nghiên cứu - nhà cổ thực vật học Benjamin Bomfleur cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, Clitellata là một loài động vật lưỡng tính. Đến thời kì sinh sản, loài giun này sẽ tiết ra một cái bọc xung quanh mình rồi chui ra khỏi nó.
Sau đó, loài giun này tự thụ tinh bằng cách đặt cả trứng lẫn tinh trùng vào đó. Sau khi nhận những tế bào sinh sản, cái bọc sẽ biến đổi dần thành kén rồi sau đó nở ra giun con.
Tuy nhiên, có thể chiếc bọc mà các nhà khoa học phát hiện được không có trứng nên tinh trùng đó vẫn còn cho đến ngày nay.
Cũng theo nhận định từ nhóm nghiên cứu, loài Clitellata đã bị tuyệt chủng nhưng mẫu tinh trùng này khá giống với giun tôm càng - một loại giun sống kí sinh trong những con tôm hùm nước ngọt hiện nay.
Một điều đặc biệt là loài giun này cũng chỉ sống ở Bắc Cực. Với hóa thạch tinh trùng mới được tìm thấy, các nhà khoa học đang kì vọng sẽ “hồi sinh” những sinh vật đã bị tuyệt chủng trong quá khứ.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu để có thể “hồi sinh” các động vật đã tuyệt chủng dựa trên hóa thạch, xương, ADN… của chúng.
Một số loài được đưa vào “tầm ngắm” có thể kể đến là voi ma mút, nai sừng tấm Ireland, ếch ấp trứng bằng dạ dày, hổ Tasmanian, chim Moa…
Trong số này, voi ma mút là khả quan nhất bởi hóa thạch của chúng dưới lớp băng là nguyên vẹn nhất.