Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ tận dụng thế mạnh, trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025, trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam vào năm 2030.
Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế chính thức được điền tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Đây là di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cố đô Huế đến nay vẫn còn lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.
Theo đó, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030, Huế sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2050, Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Việc kế thừa các di sản lịch sử trong quy hoạch và phát triển đô thị sẽ giúp Thừa Thiên Huế vừa bảo tồn bền vững các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú cùng không gian cảnh quan đặc sắc của các di sản, vừa tạo lập được những không gian đô thị mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh vừa được thông qua nên chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị mới trong tương lai của Thừa Thiên Huế đến năm 2050 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra ngoài những di sản được bảo tồn nguyên vẹn.