Trong lịch sử, nước ta có nhiều bộ lịch quan trọng, nhưng được biết đến và nổi tiếng nhất phải kể đến Đại Nam hiệp kỷ lịch thời Nguyễn. Trước đó, dưới các triều đại phong kiến, triều đình đã ban hành lịch mới với tên gọi Hiệp kỷ lịch. Đến thời Minh Mạng và duy trì đến hết triều Nguyễn, cuốn lịch thông dụng mới được gọi là Đại Nam hiệp kỷ lịch. Cùng với bộ Khâm định vạn niên thư là hai bộ lịch được tòa Khâm thiên giám ban hành sử dụng thông dụng.
Khâm thiên giám là cơ quan dự đoán khí tượng thủy văn, khí hậu, có nhiệm vụ dự báo thời tiết, làm lịch âm dương ban hành cả nước, quản lý các tài liệu thư tịch về thiên văn, lịch pháp hoặc chọn ngày lành giờ tốt để Hoàng đế và triều thần thực hiện các việc quan trọng.
Nội dung lịch ghi 12 tháng được đặt theo Hệ can chi, trong đó phần đầu ghi 24 tiết khí trong 1 năm khá chi tiết. Mỗi tháng tính từ tháng Giêng (Chính Nguyệt) đến tháng 12 có ghi khá kỹ các Trực, Nhị thập bát tú và sao tốt xấu. Dẫu vậy, khái niệm tiết khí được nhiều người biết đến hơn cả. Vậy thực chất 24 tiết khí là gì?
Sự thật về 24 tiết khí trong năm
Có thể cho đến bây giờ, vẫn không ít người nghĩ rằng 24 tiết khí xuất phát từ Âm lịch phương Đông dùng chủ yếu cho các nước nông nghiệp. Tuy nhiên, thực ra, 24 tiết khí lại được tính toán phân chia theo Dương lịch.
Chu kỳ vòng quay của Trái Đất quanh Mặt trời được gọi là 1 năm dựa trên chu kỳ ngày - đêm (Trái Đất tự quay quanh mình) và chu kỳ tháng (Mặt trăng quay quanh Trái Đất) của người xưa. Từ mốc thời gian đơn sơ đó, người xưa đánh dấu được những điểm mốc khác nhau đó là chu kỳ 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông được phân đều trong 12 tháng và được đánh dấu bằng các tiết khí khác nhau.
Vòng quay của Trái Đất một năm hay đường Hoàng đạo là 360 độ. Các nhà Thiên văn học, lịch pháp đã thống nhất lấy mốc 0 độ của vòng Hoàng đạo là điểm đánh dấu bằng tiết Xuân phân; mốc 180 độ là điểm đánh dấu bằng tiết Thu phân. Đây là hai mốc tiết khí có thời gian ngày và đêm dài bằng nhau. Mốc 90 độ đánh dấu bằng tiết Hạ chí, đó là điểm cực Bắc trên bán cầu. Đến mốc 270 độ đánh dấu bằng tiết Đông chí, đó là điểm cực Nam trên bán cầu.
Như vậy thời gian chuyển dịch của một tiết khí được tính bằng 15 độ trên cung Hoàng đạo và sự tuần hoàn của 24 tiết khí ứng hợp với 12 cung Hoàng đạo. Đối chiếu cung độ của 24 tiết khí ta thấy khớp với cung độ của Nhị thập bát tú và tinh thứ gắn với 12 cung Hoàng đạo. Đó là sự khẳng định 24 tiết khí có nguồn gốc từ Dương lịch tính theo hệ Mặt Trời.
24 tiết khí trên mặc dù có nguồn gốc từ Dương lịch, song do phản ánh chính xác chu kỳ chuyển dịch của thời tiết nên nó đã trở thành lịch pháp áp dụng cho nông nghiệp. Đối với các nước nông nghiệp người ta lấy tiết Lập xuân làm tiết khí đầu tiên của 24 tiết khí gắn với nông lịch hàng năm.
Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, đến năm 1845, vua Thiệu Trị đã ban cho Khâm thiên giám 24 bài thơ vịnh khí hậu thời tiết trong năm để in vào lịch.
Trong đó có bài nói về tiết Lập xuân như sau:
"Đông bắc cán đẩu quay sang,
Gió hòa phơi phới muôn phương yên lành.
Đón xuân rực vẻ cờ xanh,
Nhà nông sao ứng điềm lành vui thay!".
Hay vào tiết Kinh trập (sâu nở) rằng:
"Sấm vang trời đất thuận hòa,
Hợp vào tiếng luật gọi là Lâm trung.
Cỏ cây mầm móng nở tung,
Các loại sâu bọ phá vùng bò ra".
24 tiết khí được gói trong 24 bài thơ Tứ tuyệt của vua Thiệu Trị được in bằng mực son trong lịch thời bấy giờ. Qua những bài thơ ấy không chỉ thể hiện được khả năng thơ ca mà còn thể hiện được kiến thức địa lý và sự tuần hoàn của thiên nhiên. Như trong bài tiết Lập xuân thì vua cho rằng trời khi gần tối có sao Bắc Đẩu chỉ hướng Đông, tức lúc ấy là tiết Lập xuân. Bên cạnh đó, bài thơ cũng thể hiện trình độ thuật số của người xưa, như mùa Xuân thuộc hành Mộc, Mộc sắc xanh nên khi đón Xuân thường dùng cờ xanh. Điều này thể hiện rằng, trong quá trình làm lịch của người xưa đều đậm tinh thần văn hóa và thuận theo sự vận động của thiên nhiên, đất trời.
24 tiết khí gồm những gì?
Trong văn hóa Á Đông, 24 tiết khí là một hệ thống phân chia thời gian dựa trên quan sát sự biến đổi của thời tiết và môi trường tự nhiên qua từng mùa. Đây không chỉ là những cột mốc giúp nông dân xác định thời gian gieo trồng và thu hoạch, mà còn phản ánh triết lý sống gắn liền với thiên nhiên của người xưa. Dưới đây là 24 tiết khí được sắp xếp theo thứ tự trong năm.
Mỗi tiết khí kéo dài khoảng 15 ngày và đánh dấu những biến đổi quan trọng trong môi trường như thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, hoạt động của thực vật và động vật. Việc nắm bắt và hiểu rõ về 24 tiết khí không chỉ hữu ích cho việc nông nghiệp mà còn cho cả cuộc sống hàng ngày, giúp chúng ta có thể điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp với từng mùa.
Với cách phân loại khá kĩ càng, 24 tiết khí trong năm được chia làm 4 loại. 8 tiết khí thể hiện sự thay đổi nóng lạnh gồm Lập xuân, Xuân phân, Lập hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu phân, Lập đông, Đông chí. 5 tiết khí thể hiện cho sự thay đổi nhiệt độ gồm Tiểu thử, Đại thử, Xử thử, Tiểu hàn, Đại hàn. 7 tiết khí thể hiện sự liên quan đến mưa gồm Vũ thủy, Cốc vũ, Bạch lộ, Hàn lộ, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đại tuyết. 4 tiết khí thể hiện cho sự vật, hiện tượng gồm Kinh trập, Thanh minh, Tiểu mãn, Mang chủng.
Tiết khí mùa Xuân
Tiết Lập xuân (bắt đầu mùa Xuân)
Tiết Lập xuân rơi vào ngày 4 hoặc 5/2 Dương lịch hằng năm. Tiết Lập xuân báo hiệu một năm mới bắt đầu, vạn vật bước vào chu kỳ tuần hoàn mới. Tiết Lập xuân năm 2024 bắt đầu vào ngày 4/2.
Tiết Vũ thủy (mưa ẩm)
Tiết Vũ thủy rơi vào ngày 18 hoặc 19/2 Dương lịch hằng năm. Tiết Vũ thủy năm 2024 bắt đầu vào ngày 19/2 Dương lịch. Vào tiết khí này, những hạt mưa li ti trong cơn mưa xuân sẽ nhiều hơn. Nước mưa nhiều, không khí ẩm thấp nên gọi là Vũ thủy.
Tiết Kinh trập (sâu nở)
Tiết Kinh trập bắt đầu vào ngày 5 hoặc 6/3 Dương lịch hằng năm. Tiết Kinh trập năm 2024 bắt đầu vào ngày 5/3 Dương lịch. Tiết khí này báo hiệu sau thời gian ngủ đông, mưa xuân ẩm thấp thì sâu bọ bắt đầu sinh sôi, nảy nở. Khi mùa Xuân đến, cây cối đâm chồi, nảy lộc cũng là lúc sâu bọ đông đúc.
Tiết Xuân phân (giữa mùa Xuân)
Tiết Xuân phân có thể bắt đầu vào ngày 20 hoặc 21/3 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết Xuân phân bắt đầu vào ngày 20/3 Dương lịch. Vào ngày Xuân phân, thời gian đêm và ngày ở Bán cầu Bắc và Bán cầu Nam như nhau nên gọi là Xuân phân.
Tiết Thanh minh (trời trong sáng)
Tiết Thanh minh có thể bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5/4 Dương lịch. Năm 2024, tiết Thanh minh bắt đầu ngày 4/4 Dương lịch. Vào tiết khí này, thời tiết trong sáng, nắng ấm áp, mát mẻ, cây cỏ xanh tươi. Đây cũng là thời điểm mọi người chọn đi tảo mộ hoặc "đạp thanh" (giẫm lên cỏ xanh), thực hiện các chuyến đi chơi vì thời tiết đẹp.
Tiết Cốc vũ (mưa rào)
Tiết Cốc vũ thường bắt đầu vào ngày 20 hoặc 21/4 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết Cốc vũ bắt đầu vào ngày 19/4 Dương lịch. Cốc vũ nghĩa là mưa rào.
Tiết khí mùa Hạ
Tiết Lập hạ (bắt đầu mùa Hạ)
Tiết Lập hạ thường rơi vào ngày 5 hoặc 6/5 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết Lập hạ bắt đầu vào ngày 5/5 Dương lịch. Lập hạ là thời điểm nhiệt độ tăng rõ rệt, mưa bão và sấm chớp xuất hiện nhiều hơn, cây cối phát triển nhanh,
Tiết Tiểu mãn (lũ nhỏ)
Tiết Tiểu mãn có thể rơi vào ngày 21 hoặc 22/5 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết Tiểu mãn rơi vào ngày 20/5 Dương lịch. Những trận mưa mùa hạ xảy ra thường xuyên hơn, có thể có đợt lũ nhỏ.
Tiết Mang chủng (chòm sao Tua Rua bắt đầu mọc)
Tiết Mang chủng có thể rơi vào ngày 5 hoặc 6/6 Dương lịch hằng năm. Trong tiết khí này, ngũ cốc đã căng tròn và sắp thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, Việt Nam đặc điểm khí hậu đa dạng, trong tiết khí này, ở 3 miền Bắc, Trung, Nam cũng có sự khác biệt nhất định. Có nơi vào vụ gặt nhưng cũng có nơi mới vào vụ mới.
Vào thời Nguyễn, tiết Mang chủng được gọi là tiết Mang thực, vì kỵ tên húy của vua, khi còn nhỏ vua Gia Long có tên là Chủng.
Tiết Hạ chí (giữa mùa Hạ)
Tiết Hạ chí có thể bắt đầu ngày 21 hoặc 22/6 Dương lịch hằng năm. Năm, 2024, tiết Hạ chí bắt đầu vào ngày 21/6 Dương lịch. Lúc này, nhiệt độ cao, thời gian chiếu sáng của Mặt Trời cũng mạnh, nhiệt độ đã bắt đầu oi bức.
Tiết Tiểu thử (nắng nhẹ)
Tiết Tiểu thử có thể bắt đầu vào ngày 7 hoặc 8/7 Dương lịch hằng năm. Tiết Tiểu thử năm 2024 bắt đầu vào ngày 6/7 Dương lịch. Thời điểm này thời tiết nóng nực, oi bức nhưng chưa phải đỉnh điểm.
Tiết Đại thử (nắng to)
Tiết Đại thử có thể rơi vào ngày 22 hoặc 23/7 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, Tiết Đại thử rơi vào ngày 22/7 Dương lịch. Đại thử là lúc thời tiết nóng nhất trong năm.
Tiết khí mùa Thu
Tiết Lập thu (bắt đầu mùa Thu)
Tiết khí này có thể rơi vào ngày 7 hoặc 8/8 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết Lập thu bắt đầu vào ngày 7/8 Dương lịch. Khi bước vào tiết khí này, nhiệt độ bắt đầu giảm nhẹ, thỉnh thoảng có những cơn gió se lạnh, hoa cúc bắt đầu nở.
Tiết Xử thử (mưa ngâu)
Tiết Xử thử có thể bắt đầu vào ngày 23 hoặc 24/8 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này rơi vào ngày 22/8 Dương lịch. Lúc này, thời tiết nóng bức giảm dần, sẽ có lúc nhiệt độ se lạnh, khí hậu mát mẻ hơn.
Tiết Bạch lộ (nắng nhạt)
Tiết Bạch lộ hằng năm rơi vào ngày 8 hoặc 9/9 Dương lịch. Năm 2024, tiết khí này rơi vào ngày 8/9 Dương lịch. Thời tiết lúc này chuyển sang mát hẳn, chỉ còn những cơn nắng nhạt.
Tiết Thu phân (giữa mùa Thu)
Tiết Thu phân hằng năm rơi vào ngày 23 hoặc 24/9 Dương lịch. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 22/9 Dương lịch. Lúc này là giữa mùa Thu, nhiệt độ tiếp tục giảm.
Tiết Hàn lộ (mát mẻ)
Tiết Hàn lộ rơi vào ngày 7 hoặc 8/10 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 8/10 Dương lịch. Thời tiết lúc này có lúc lạnh lúc nóng, nhiệt độ thay đổi thất thường do vẫn còn sót lại những cơn nóng bức. Thời tiết thay đổi, con người sức đề kháng yếu dễ ốm.
Tiết Sương giáng (sương mù xuất hiện)
Tiết Sương giáng hằng năm có thể rơi vào ngày 23 hoặc 24/10 Dương lịch. Tiết khí này trong năm 2024 bắt đầu vào ngày 23/10 Dương lịch. Khi vào Sương giáng, sương rơi nhiều hơn, thời tiết trở lạnh hẳn, đặc biệt về đêm.
Tiết khí mùa Đông
Tiết Lập đông (bắt đầu mùa Đông)
Tiết Lập đông có thể bắt đầu vào ngày 7 hoặc 8/11 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 7/11 Dương lịch. Đây là tiết khí đầu tiên của mùa Đông.
Tiết Tiểu tuyết (tuyết xuất hiện ở một số nơi, ở Việt Nam là khô hanh)
Tiết Tiểu tuyết có thể rơi vào ngày 22 hoặc 23/11 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 22/11 Dương lịch. Vào tiết khí này, các nước ở khu vực phía Bắc như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bắt đầu có tuyết rơi. Còn ở Việt Nam, gió lạnh đã bắt đầu thổi, nhiệt độ hạ thấp. Nhưng cũng có năm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dù bắt đầu vào Tiểu tuyết nhưng trời vẫn còn nóng.
Tiết Đại tuyết (tuyết dày, ở Việt Nam là khô úa)
Tiết Đại tuyết có thể rơi vào ngày 7 hoặc 8/12 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 6/12 Dương lịch. Với các nước phương Bắc tuyết rơi nhiều và nước đóng băng. Còn ở nước ta, nhiệt độ hạ thấp, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhau nhiều, có xuất hiện buốt giá.
Tiết Đông chí (giữa mùa Đông)
Tiết Đông chí có thể rơi vào ngày 21 hoặc 22/12 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 21/12 Dương lịch. Lúc này là giữa mùa Đông, thời tiết lạnh, nhiều tỉnh phía Bắc nước ta lạnh sâu, có băng giá như vùng Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
Tiết Tiểu hàn (rét nhẹ)
Tiết Tiểu hàn có thể rơi vào ngày 5 hoặc 6/1 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 6/1 Dương lịch. Lúc này thời tiết giá lạnh cực độ, rét "cắt da cắt thịt", xuất hiện những cơn mưa nhỏ, xen kẽ những ngày thời tiết đẹp có nắng.
Tiết Đại hàn (rét đậm)
Tiết Đại hàn có thể rơi vào ngày 20 hoặc 21/1 Dương lịch hằng năm. Năm 2024, tiết khí này bắt đầu vào ngày 20/1 Dương lịch. Với các nước như Trung, Nhật, Hàn tuyết rơi cực nhiều, lạnh rét cực độ. Ở nước ta, thời tiết lạnh lẽo xen kẽ những cơn mưa nhỏ. Thời tiết này phải kéo dài đến Lập xuân mới ấm dần lên.
Như vậy, với sự biến đổi của 24 tiết khí trong năm, người nông dân có thể theo dõi để phục vụ mùa màng. Bên cạnh đó, sự trải dài của 24 tiết khí trong năm sẽ có các ngày lễ quan trọng tương ứng, chẳng hạn như Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu,... cùng với đó là sự thay đổi trong nếp sinh hoạt và thói quen ăn uống để đảm bảo sức khỏe.
Hơn nữa, trong những ngày cuối Đông, lúc chuẩn bị đón Tết, mọi người cũng cần theo dõi sự thay đổi của thời tiết để bảo vệ cây trồng, vật nuôi chu đáo hơn.