Theo các nhà khoa học châu Âu, năm 2023 là năm các kỷ lục về khí hậu liên tục bị phá vỡ.
Cơ quan theo dõi khí hậu của châu Âu xác nhận, năm 2023 là năm nóng nhất khi Trái đất ấm hơn 1,48℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).
Hãng tin Reuters ngày 9/1 đưa tin, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) cho biết, năm 2023 là năm nóng nhất trên Trái đất với mức nhiệt tăng đáng kể.
Trước đó, các nhà khoa học đã dự báo về tình trạng trên, sau khi nhiều kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ. Năm 2023, mỗi tháng từ tháng 6 đến tháng 12 đều ở mức nóng kỷ lục so với các năm trước đó. Theo đó, tháng nào trong khoảng thời gian này cũng được ghi nhận là tháng nóng nhất thế giới, so với tháng tương ứng của những năm trước.
Theo giới khoa học, mức nhiệt kỷ lục là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, tàn phá thế giới trong năm qua.
(Ảnh: Getty Images)
"Đây là một năm rất đặc biệt, về mặt khí hậu ở một mức độ riêng, ngay cả khi so sánh với những năm rất ấm áp khác", Giám đốc C3S Carlo Buontempo nói.
Khi đối chiếu với các bản ghi dữ liệu cổ về khí hậu từ các nguồn như vòng cây và bong bóng khí trong sông băng, ông Buontempo cho biết đây, "rất có thể" là năm nóng nhất trong 100.000 năm qua.
Trung bình vào năm 2023, Trái đất ấm hơn 1,48℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900), do con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp, phát tán CO2 vào khí quyển.
Các quốc gia đã đồng ý trong Thỏa thuận chung Paris năm 2015 để cố gắng ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu không vượt quá 1,5℃ nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất.