Khách Tây tò mò khi thấy "đỉnh núi hình ngón tay" trên bản đồ: Ngay Thanh Hóa nhưng đến người bản địa cũng phải bất ngờ

Thu Phương |

Nhiều người dân Thanh Hóa cũng phải thừa nhận rằng dù là dân bản địa nhưng họ chưa nghe danh hay tới địa điểm này bao giờ.

Việt Nam là đất nước được nhiều du khách nước ngoài đánh giá là có cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Thậm chí còn nhiều địa điểm mà chính con người cũng chưa thể khám phá hết. Mới đây, trên tài khoản mạng xã hội của mình, một chàng khách Tây tên Antoly đã chia sẻ một trải nghiệm đặc biệt của mình ở Thanh Hóa. 

Theo đó, khi tìm kiếm trên bản đồ, anh phát hiện có một địa điểm đặc biệt, nó là một ngọn núi và có hình dáng trông như một ngón tay. Quá tò mò, anh chàng đã quyết định lái xe đến địa điểm này theo định vị và chỉ dẫn của bản đồ. Cùng với sự giúp đỡ của những người dân bản địa dọc đường, cuối cùng anh chàng du khách nước ngoài cũng tìm ra đích đến. 

Du khách nước ngoài tò mò khi thấy một ngọn núi có hình dáng giống như một ngón tay ở Thanh Hóa, và quyết định tìm đường đến đó. (Video Anatoly)

Trên thực tế, đây không phải là một địa điểm vô danh. Thậm chí nó còn khá nổi tiếng ở Thanh Hóa. Nó là hòn Vọng Phu, nằm trên núi Khế, Nhuệ Sơn thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía Tây Nam. Đây là một ngọn núi đá vôi tự nhiên. 

Tuy vậy, bên dưới phần bình luận được Antoly đăng tải, chính những người Thanh Hóa cũng phải bất ngờ với địa điểm này. "Mình là người Thanh Hóa mà không biết, chưa từng nghe danh luôn", tài khoản Phạm Thảo cho biết. Một tài khoản khác tên Trần Văn Dương cũng nói thêm: "Chưa nghe bao giờ thật. Nay thấy lạ và còn không biết núi này ở đâu nữa". Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người khác giải thích thêm về cái tên cũng như những sự tích xung quanh địa điểm hòn Vọng Phu này. 

Sự tích về hình tượng hòn Vọng Phu

Có nhiều sự tích được dân gian truyền miệng, giải thích cho cái tên Vọng Phu. Chủ yếu bắt nguồn từ hình dáng của cột đá nằm trên đỉnh núi. Cột đá cao khoảng 20m, nhìn xa trông giống như hình người phụ nữ đang ôm con. Dân gian xưa có câu chuyện, khi người chồng đi xa, từ đó người vợ bế đứa con còn nhỏ đứng trên đỉnh núi chờ chồng. Qua thời gian dài, họ cứ mãi ở đó cho đến khi "hóa đá". 

Hình ảnh hòn Vọng Phu vì thế cũng trở thành biểu tượng đẹp, biểu trưng cho lòng chung thủy son sắt. Nhiều tác giả còn đưa hình ảnh này vào tác phẩm của mình, những câu thơ, câu hát dân gian xưa. 

Khách Tây tò mò khi thấy đỉnh núi hình ngón tay trên bản đồ: Ngay Thanh Hóa nhưng đến người bản địa cũng phải bất ngờ - Ảnh 2.

Cận cảnh hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa

Ngày nay, hòn Vọng Phu được coi là thắng cảnh, nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch, đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích Quốc gia năm 1992. Trước đây, khu vực này núi non trùng điệp, nhưng hiện chỉ còn lại núi Nhồi có hòn Vọng Phu, các dãy núi đá xung quanh đã bị khai thác gần hết. Trên khu vực này, ngoài tham quan, ngắm cảnh, du khách còn có thể ghé thăm một số địa điểm mang tính tâm linh khác. 

Hòn Vọng Phu dọc miền đất nước

Không chỉ ở Thanh Hóa, những kiểu đá có hình dạng kỳ lạ được gọi là hòn Vọng Phu còn được bắt gặp ở nhiều địa phương khác dọc khắp trên cả nước. Có thể kể tới như ở Lạng Sơn, ở Nghệ An, ở Quảng Nam, ở Bình Định hay ở Tuy Hòa. 

Trong đó, câu chuyện về hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn được xem là nổi tiếng hơn cả. Người con gái trong câu chuyện đó còn được đưa tên vào câu ca dao: "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh" của người xứ Lạng. Nàng Tô Thị ở đây chính là chỉ người phụ nữ cùng tên, bế con lên núi Tam Thanh ngóng chồng, lâu ngày hóa đá. Ngay nay, ngọn núi còn được gọi lên là núi Vọng Phu hay núi Tô Thị. 

Khách Tây tò mò khi thấy đỉnh núi hình ngón tay trên bản đồ: Ngay Thanh Hóa nhưng đến người bản địa cũng phải bất ngờ - Ảnh 3.

Núi Vọng Phu nổi tiếng ở Lạng Sơn, hay còn được gọi là núi Tô Thị theo sự tích về nó

Còn ở Bình Định, để nói về hòn Vọng Phu, cũng có câu: "Bình Định có núi Vọng Phu/Có đềm Thị Nại, có Cù Lao Xanh...". Địa điểm này nằm ở phía Nam đầm Đạm Thủy, thuộc địa phận huyện Phù Cát, khu vực núi Bà. Núi có mặt nhìn ra biển cả, lưng tựa vào dãy Trường Sơn. Trên núi là khối đá xanh, một cao, một thấp, trông tựa hình người. 

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 19, 20 còn ghi về hòn Vọng Phu ở tỉnh Bình Định như sau: “Hòn Vọng Phu: Ở phía Đông Nam huyện Phù Cát và phía Bắc núi Càn Dương, trên núi có khối đá giống hình người đàn bà ẵm con, tay bên trái dắt một đứa con nữa, lựng dựa núi cao, mặt nhìn biển Nam". 

Khách Tây tò mò khi thấy đỉnh núi hình ngón tay trên bản đồ: Ngay Thanh Hóa nhưng đến người bản địa cũng phải bất ngờ - Ảnh 4.

Hòn Vọng Phu ở Bình Định

 Dù là ở đâu, ở địa phương nào, nhưng những hòn Vọng Phu đều mang một ý nghĩa chung đó là ca ngợi lòng thủy chung, son sắt của người phụ nữ nói chung và người Việt nói riêng. Ghé thăm những địa phương có hòn Vọng Phu, chắc chắn du khách không nên bỏ lỡ địa điểm tự nhiên thú vị này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại