Năm 2017, anh Chu, sống ở Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc, bất ngờ nhận được tin nhà của mình nằm trong khu vực cần giải tỏa và được bồi thường 4,1 triệu NDT (hơn 14,3 tỷ đồng). Theo lời khuyên của gia đình, anh quyết định gửi toàn bộ số tiền trên vào một ngân hàng lớn trên địa bàn để sinh lời một cách an toàn.
Khi đến ngân hàng, vì gửi một số tiền lớn nên anh Chu được quản lý chi nhánh dẫn vào phòng VIP và hỗ trợ xử lý toàn bộ thủ tục gửi tiền. Anh Chu vì tin tưởng đơn vị này nên cũng chỉ xem qua giấy tờ rồi ký tên vào đó. Đến tháng 4/2018, khi đến thời gian đáo hạn, người đàn ông này đến ngân hàng rút tiền và dự định sẽ dùng số tiền trên để kinh doanh nhỏ. Tuy nhiên lúc này, anh lại được nhân viên thông báo:
“Tài khoản của anh chỉ còn 180.000 NDT (hơn 628 triệu đồng)”.
Nghe vậy, gương mặt của anh Chu tối sầm lại, anh gượng hỏi: “Nhưng tôi đã rút tiền bao giờ đâu mà chỉ còn 180.000 NDT ?”
Nhân viên ngân hàng vội chỉ vào màn hình máy tính, nói: "Số tiền trong tài khoản là tiễn lãi, tiền gốc của anh đã tự động gia hạn và phải đến đến năm 2019 mới rút được."
Thông tin này càng làm anh Chu càng hoang mang hơn. Theo đó khi gửi tiền, anh đã nói rõ với quản lý chi nhánh rằng chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm. Tuy nhiên, số tiền gốc của anh hiện tại đã tự động gia hạn sang năm khác. Để làm rõ vấn đề, anh Chu đã liên hệ với người quản lý này. Dưới sự chất vấn của anh Chu, người này cuối cùng đã nói ra sự thật.
Theo đó, số tiền 4,1 triệu NDT của anh Chu được gửi vào ngân hàng không phải dưới hình thức gửi tiết kiệm mà là mua sản phẩm tài chính của bên thứ 3. Ngân hàng bán sản phẩm với tư cách đại lý và bên thứ 3 là công ty có tên "Penghua Fund" mới là đơn vị có trách nghiệm quản lý số tiền gửi của người đàn ông này.
Cho rằng phía ngân hàng đã lừa dối mình, anh Chu doạ sẽ trình báo sự việc cho cảnh sát. Tuy nhiên, đối phương lại cho biết lúc làm thủ tục gửi tiền, chính anh Chu đã ký tên vào giấy uỷ thác cho ngân hàng nên nếu báo cảnh sát thì anh Chu cũng không có lợi trong việc này.
“Nếu muốn biết tiền mình ra sao, anh nên đến công ty trên để hỏi”, quản lý chi nhánh ngân hàng cho biết.
Tuyệt vọng, anh Chu đã gọi điện tới công ty kia để đòi lại tiền nhưng nhận được câu trả lời: "Về số tiền, anh phải đợi đến năm 2019 để rút toàn bộ”.
Nhận thấy việc mua sản phẩm tài chính chứa nhiều rủi ro, anh Chu sợ mình chờ đợi thêm nữa sẽ có khả năng mất trắng nên lại gọi cho chi nhánh ngân hàng xin giúp đỡ. Tuy nhiên, đối phương cho biết chi nhánh của họ không thể giúp anh giải quyết vấn đề và đề nghị anh đến chi nhánh lớn hơn để xử lý.
Nghe vậy, anh Chu vội tìm đến chi nhánh ngân hàng lớn hơn nhưng lại được giám đốc của chi nhánh này cho biết thỏa thuận mua bán ban đầu đã được anh Chu đồng ý. Do đó, hành động của chi nhánh ngân hàng trên là hợp lý và họ không giúp gì được cho anh.
Khi được hỏi về lý do tiền của anh Chu bị chuyển đi nhưng không được thông báo, người này đáp:
“Thông báo được đưa ra trên trang web của công ty quỹ. Ngân hàng chỉ là đại lý bán hàng nên không có nghĩa vụ phải thông báo cho khách hàng.”
Sau khi đàm phán không thành, anh Chu đã khiếu nại lên Hiệp hội người tiêu dùng địa phương. Hiệp hội người tiêu dùng địa phương sau đó đã tiếp nhận xử lý vụ việc và hứa sẽ cho anh Chu một câu trả lời thỏa đáng. Theo 163, kết quả của vụ việc này không được công bố nên việc anh Chu có lấy lại được tiền của mình hay không vẫn là một ẩn số. Dẫu vậy, câu chuyện của anh Chu cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người.
Để tránh rơi vào những trường hợp tương tự, người dân nên tìm hiểu và kiểm tra thật kỹ các thông tin, đặc biệt là về sản phẩm tài chính mà mình sẽ sử dụng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.