Khả năng chịu lạnh của người băng

Quốc Hùng |

Wim Hof (sinh ngày 20 tháng 4 năm 1959) là vận động viên thể thao mạo hiểm người Hà Lan. Ông được biết đến với biệt danh “The Iceman” hay “Người băng”. Hof đang giữ 26 kỷ lục thế giới Guinness về khả năng chịu đựng trong thời tiết lạnh khắc nghiệt, bơi lội dưới băng và ngâm mình trong nước đá.

Hof từng leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới Everest tại Nepal vào năm 2007 và núi Kilimanjaro cao nhất tại châu Phi vào năm 2009 trong khi chỉ mặc quần đùi và đi giày.

Ông cũng là người thực hiện đường chạy marathon (42 km) bằng đôi chân trần trên tuyết nhanh nhất ở điều kiện nhiệt độ khoảng -20°C, nín thở hơn 6 phút dưới lớp băng Bắc Cực, ngâm mình trong bồn tắm chứa đầy nước đá lâu nhất (1 giờ 52 phút 42 giây) và bơi xa nhất bên dưới bề mặt đóng băng của một hồ nước (57,5 m).

"Tôi đã thực hiện bất kỳ điều gì tôi có thể nghĩ ra trong điều kiện thời tiết lạnh", Hof nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Smithsonianmag.

Nhiệt độ cơ thể của một người bình thường khoảng 37°C. Khi tiếp xúc với môi trường cực lạnh, cơ thể người sẽ rơi vào tình trạng hạ thân nhiệt – hiện tượng mà giới khoa học gọi là hypothermia. Nếu nhiệt độ cơ thể giảm hơn 2°C, nhịp tim sẽ chậm lại và hô hấp yếu dần. Đa số chúng ta sẽ mất ý thức trong vòng 15 phút và chết trong vòng một tiếng.

Tuy nhiên, Wim Hof có thể sống sót trong môi trường này gần hai tiếng đồng hồ mà không gặp phải những vấn đề nguy hiểm. Những điều Hof đã làm vượt ra khỏi giới hạn thường thấy của cơ thể người.

Hof bắt đầu tập luyện và làm quen với cái lạnh sau khi vợ ông tự sát vào năm 1995, để lại bốn con nhỏ cho ông chăm sóc. Với Hof, việc lặn và bơi dưới lớp băng dày giúp ông có khoảng lặng để suy nghĩ và cân bằng cảm xúc của mình. Wim Hof cho rằng: "Cái lạnh là cánh cổng dẫn tới sâu thẳm tâm hồn" và ai cũng có thể làm được như ông thông qua luyện tập.

Phương pháp thở đặc biệt

Bí quyết của Hof nằm ở phương pháp thở và khả năng tập trung tinh thần mà ông phát triển từ kỹ thuật thiền Tummo của Tây Tạng. Ông đặt tên cho nó là "Phương pháp Wim Hof".

Phương pháp này trước tiên đòi hỏi sự thư giãn. Hof cho biết, ông cần tìm một nơi thoải mái để nằm xuống như ghế sofa hoặc giường, sau đó bắt đầu thực hiện một loạt các bài tập hít thở sâu và giữ hơi thở trong vài phút.

Quá trình này sẽ gây ra cảm giác ngứa ran trong cơ thể do lượng carbon dioxide (CO2) trong máu xuống thấp và nồng độ oxy (O2) trong các mô tăng vọt.

Nó cũng khiến cơ thể trở nên mạnh mẽ hơn và kích thích hoạt động của hệ thần kinh thực vật – hệ thống điều khiển hoạt động của các cơ quan trong cơ thể một cách vô thức, không phụ thuộc vào sự chỉ huy của bộ não như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp.

Để hiểu rõ hơn về các cơ chế tinh thần và thể chất cho phép Hof chống chịu với nhiệt độ lạnh, Otto Musik – bác sĩ nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Wayne State (Mỹ) – và các cộng sự đã đưa Hof vào một máy chụp cộng hưởng từ (MRI) trong khi cho ông tiếp xúc với nước lạnh để theo dõi sự thay đổi bên trong cơ thể.

Hof mặc một bộ đồ đặc biệt giúp các nhà khoa học có thể bơm nước lạnh hoặc nước ấm xung quanh cơ thể, tạo ra các chu kỳ giảm nhiệt xen kẽ mức thân nhiệt bình thường. Hof sẽ thực hiện Phương pháp thở Wim Hof trước mỗi đợt quét. Nhóm nghiên cứu so sánh những phản ứng của Hof cùng với một nhóm gồm 30 tình nguyện viên khác.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí NeuroImage cho thấy, Hof đã kích hoạt một cơ chế giảm đau bên trong cơ thể sau khi thực hiện các bài tập hít thở sâu. Một phần não của Hof tiết ra opioids và cannabinoids khi tiếp xúc với nước lạnh.

Các hợp chất này có thể ức chế những tín hiệu giúp cơ thể cảm thấy đau đớn hoặc lạnh, đồng thời kích thích cơ thể giải phóng hormone dopamine và serotonin, tạo ra hiệu ứng hưng phấn trong vài phút. Thêm vào đó, nhiệt độ da của Hof gần như không thay đổi khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Máu của Hof mang tính kiềm nhiều hơn do bão hòa với oxy.

"Do tình cờ hoặc may mắn, Hof đã tìm thấy cách để hack vào hệ thống sinh lý của cơ thể, cho phép Hof cảm thấy hưng phấn khi ở trong môi trường lạnh cóng", Musik nhận định.

Theo Musik, bộ não của bạn có sức mạnh để sửa đổi nhận thức về nỗi đau của bạn. Cơ chế này đặc biệt quan trọng đối với sự sống còn của con người.

"Đau đớn và cảm giác lạnh lẽo về cơ bản là cách cơ thể nói với bạn rằng có điều gì đó không ổn. Bởi vì con người theo bản năng luôn tìm cách loại bỏ nguồn gốc gây ra đau đớn hoặc làm dịu đi cảm giác lạnh, do đó cảm giác đau có thể giúp chúng ta sống sót", Musik nói.

Tuy nhiên, cơ chế gây đau không phải lúc nào cũng luôn hữu ích. Musik đưa ra ví dụ giả định về việc một người nào đó bị bong gân mắt cá chân trong khi bị một con hổ đuổi theo. Nhiều người sẽ không thực sự cảm nhận được sự bong gân trong thời điểm này bởi vì bộ não của họ nhận thức mối nguy hiểm lớn hơn do con hổ gây ra.

Bộ não sử dụng opioids và cannabinoids để ức chế tín hiệu đau, cho phép bạn chạy trốn và bảo vệ mạng sống mặc dù chân bị thương. "Mắt cá chân của bạn không quan trọng trong bối cảnh này", Musik nói.

Theo Magda Osman, phó giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học London (Anh), hơi thở có thể được kiểm soát một cách có chủ ý để tạo ra những thay đổi đáng kể về mặt thể chất. Tuy nhiên, chứng mất cảm giác đau do Phương pháp thở Wim Hof tạo ra chỉ đạt hiệu quả tốt nhất trong vài phút.

Ngoài khả năng chống lạnh, Phương pháp thở Wim Hof đang được ứng dụng nhiều trong y học và điều trị bệnh, chẳng hạn như ngăn chặn sưng mô và các phản ứng miễn dịch khác. Khám phá về phương pháp thở của Hof cũng giúp các nhà khoa học mở ra những hướng đi mới, đặc biệt là nghiên cứu sâu hơn về tác động của suy nghĩ lên hoạt động của cơ thể trong thực tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại