Cuộc họp báo chính thức diễn ra vào lúc 13h (giờ ET) ngày 10/5 (tức 0h ngày 11/5/2016 giờ Việt Nam). Các thành viên tham gia buổi công bố bao gồm 4 thành viên đến từ NASA, nhà quản lý và các nhà khoa học thuộc sứ mệnh Kepler của Mỹ.
Liệu loài người trên Trái Đất có cô đơn trong vũ trụ? Chúng ta sẽ được biết sau công bố chính thức của NASA dưới đây.
Kính thiên văn Kepler khổng lồ của NASA. Ảnh: NASA.
0h ngày 11/5 (giờ Việt Nam), cuộc họp báo chính thức bắt đầu:
Những con số ấn tượng mà Kepler đạt được
Ông Paul Hertz, Giám đốc Vật lý thiên văn tại trụ sở NASA ở Mỹ, đại diện cho NASA đứng lên phát biểu đầu tiên. Theo ông, tính cho đến nay, sau gần 7 năm thực hiện sứ mệnh, kính viễn vọng Kepler đã tìm ra tổng 4.302 "ứng cử viên" tiềm năng.
Trong đó, có khoảng 1.284 hành tinh mới tiềm năng được phát hiện ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.
Kết quả các "ứng cử viên" tiềm năng sau cuộc hành trình tìm kiếm trong vũ trụ của Kepler.
Theo ông Timothy Morton - nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton (Mỹ), con số 1.284 ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) là công sức tìm kiếm kỷ lục của loài người từ khi khám phá vũ trụ.
Các ngoại hành tinh mới này đều được Kepler phát hiện từ năm 2009 đến năm 2013.
Cũng theo các chuyên gia của NASA, để "lọc" được các hành tinh tiềm năng, Kepler đã phải thực hiện các nhiệm vụ bay xa xôi và quan sát khoảng 155.000 ngôi sao khác nhau ngoài vũ trụ.
Kích thước của các ngoại hành tinh
Nói về kích thước của các ngoại hành tinh, các chuyên gia thuộc NASA cung cấp cho chúng ta biểu đồ về kích thước khổng lồ của chúng.
Theo đó, phần lớn các ngoại hành tinh tìm thấy được có kích thước nhỏ hơn sao Hải Vương 1 chút nhưng tất cả đều lớn hơn Trái Đất.
Biểu đồ so sánh kích thước của các ngoại hành tinh phát hiện được do NASA cung cấp.
Những "ứng cử viên" sáng giá nhất
Trong buổi công bố, NASA cho biết, có khoảng 550 hành tinh đất đá giống Trái Đất. Trong đó, 9 hành tinh tiềm năng ẩn chứa sự sống. Vì chúng nằm trong Khu vực Goldilocks - có khoảng cách đến ngôi sao chủ hoàn toàn phù hợp để có nước dạng lỏng.
Theo bà Natalie Batalha, nhà khoa học nghiên cứu sứ mệnh Kepler tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Moffett Field, California (Mỹ), hành tinh có tên Kepler-1229b có kích thước gần bằng Trái Đất, và lại nằm giữa khu vực có tiềm năng duy trì sự sống.
Trong năm 2015, Kepler đã từng phát hiện ra hành tinh mới mang tên Kepler 452b mang tính đột phá trong ngành thiên văn. Hành tinh này được cho là "Trái Đất thứ hai".
Vấn đề quan trọng nhất: Trái Đất chúng ta có cô đơn trong vũ trụ? Hay nói cách khác, sự sống ngoài hành tinh đã tìm thấy chưa?
Đây là câu hỏi và cũng là thắc mắc của rất nhiều người quan tâm tới buổi công bố của NASA hôm nay. Ông Paul Hertz nói:
"Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng, Kepler sẽ không còn tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm hành tinh nữa, nhưng nó sẽ tiếp tục quan sát các hiện tượng có trong vũ trụ. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta ngưng lại, chúng ta sẽ tiếp tục con đường chinh phục sự sống ngoài hành tinh".
Ông Paul Hertz, Giám đốc Vật lý thiên văn tại trụ sở NASA ở Mỹ.
Ông Paul Hertz nói thêm, ông tin tưởng vào các nhiệm vụ tiếp theo trong tương lai của kính viễn vọng mới. Ông và các đồng nghiệp đang chú trong vào sứ mệnh mới có tên “Arc of Discovery”.
Trong tương lai, con người sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ xa xôi.
Trước đó, Giám đốc khoa học của NASA, bà Ellen Stofan chia sẻ, "Những dấu hiệu mà Kepler mang lại cho phép chúng ta nghĩ đến sự sống ngoài hành tinh xa xôi. Liệu con người có cô đơn trong vũ trụ?
Và ý nghĩa của phát hiện đột phá về sự sống ngoài Trái Đất ảnh hưởng thế nào đến con người chúng ta? Tất cả còn phải chờ vào phát kiến vĩ đại của các kính thiên văn khác cũng như công sức của các nhà khoa học trên thế giới".
Những hành tinh mới được phát hiện có dấu hiệu của sự sống của Kepler. Ảnh: NASA.
Tiến sĩ Robert Massey, chủ tịch Hiệp hội Thiên văn hoàng gia Anh cho biết: "Việc tìm ra những hành tinh "anh em" với Trái Đất là một trong những phát hiện vĩ đại. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng trong việc tìm kiếm sự sống.
Bởi, việc tìm thấy hành tinh giống Trái Đất chưa có nghĩa là hành tinh đó có dạng sống như trên Trái Đất của chúng ta".
Kepler-186f, hành tinh được cho là có điều kiện sống giống Trái Đất. Ảnh: NASA.
Tàu không gian Kepler là một đài quan sát vũ trụ của NASA được thiết kế để phát hiện các hành tinh kiểu Trái Đất quay xung quanh các ngôi sao khác.
Tàu không gian này được đặt tên để vinh danh nhà thiên văn học người Đức Johannes Kepler. Nó được phóng lên vào ngày 7/3/2009.
Wikipedia
Nguồn: Sciencealert, Mirror