Ngày 20/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội thông báo kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân.
Theo kết luận giám định của Viện khoa học Hình sự (Bộ Công an), điểm xuất phát cháy nằm ở khu vực giáp tường phía Nam, cách tường phía Đông khoảng 2,3m thuộc tầng 1 bên trong khu nhà ở nhiều căn hộ.
Nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1 gây ra hỏa hoạn.
Cũng theo kết luận giám định, lửa sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường ở tầng 1 và cháy lan ra xung quay dẫn đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng làm 56 người tử vong.
Không nên tạo làn sóng "kỳ thị" xe điện
Từ sau thảm họa vụ cháy ở chung cư mini tại Khương Hạ, nhiều thông tin lan truyền cho rằng nguyên nhân gây cháy là bởi xe điện, dù cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Lo lắng về an toàn cháy nổ, nhiều chung cư mini, chủ nhà trọ, ngay cả các chung cư lớn đã nhanh chóng ra quy định cấm sạc xe dưới hầm, tầng để xe, thậm chí chấm dứt cho thuê trọ nếu người thuê dùng xe máy điện. Điều này khiến những người đang sử dụng xe điện khá hoang mang.
Hiện trường vụ cháy chung cư mini. Ảnh: Người đưa tin
Liên quan đến vấn đề an toàn của xe điện, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, cán bộ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an cho biết, không nên tạo làn sóng "kỳ thị" phương tiện xe điện một cách duy ý chí.
Thay vì máy móc ra quy định cấm một cách thiếu hiểu biết, các chủ nhà cho thuê nên kiểm tra, gia cố hệ thống điện, trao đổi với khách thuê nhà về nguyên tắc sử dụng xe điện. Cách làm này vừa đảm bảo an toàn, vừa mở rộng giá trị dịch vụ của chính mình và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Thiếu tá Luân khuyến cáo, khi sạc xe điện xảy ra cháy, thao tác đầu tiên là cần nhanh chóng di chuyển chiếc xe bị cháy hoặc các xe xung quanh xe bị cháy ra vị trí an toàn. Sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như cát, bình chữa cháy, cố gắng huy động tối đa thiết bị và phun áp lực mạnh nhất ngay khi phát hiện sớm, lửa còn nhỏ.
Ngoài ra, khi đám cháy chưa phức tạp, cần cố gắng di chuyển, tách phương tiện đang cháy ra xa các vật dễ cháy, phương tiện thiết bị xung quanh.
Khi sạc điện phải có người trông coi, quy định thời gian sạc xe vào buổi tối, đối với đường dây điện khu vực sạc xe điện cần có aptomat tự đóng ngắt. Đối với các nhà ống, nhà liền kề không nên sạc qua đêm, xe vừa di chuyển về không nên sạc ngay vì pin xe điện đang nóng rất dễ xảy ra cháy, nổ.
Theo các chuyên gia phòng cháy chữa cháy, xe điện nếu được kiểm định chất lượng rõ ràng, người dùng tuân thủ quy định sạc thì rủi ro là rất thấp.
Mới đây, báo VnExpress dẫn thống kê theo kết quả nghiên cứu dữ liệu từ Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), Văn phòng thống kê giao thông (BTS) cũng như dữ liệu triệu hồi xe từ chính phủ Mỹ cho thấy, tỷ lệ số vụ cháy của xe điện ít hơn đáng kể so với các loại xe xăng và hybrid.
Mặt khác, nghiên cứu cũng cho thấy trong 2020, những vụ triệu hồi với xe điện và hybrid về nguy cơ cháy thì nguyên nhân đều từ pin. Có nghĩa là, rủi ro cháy ở xe điện do pin là vẫn có, nhưng hiện ít hơn hẳn so với xe xăng.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong tháng 8/2023, cả nước xảy ra 218 vụ cháy. Trong đó, cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm gần 50%. Tuy nhiên, cháy xe máy điện chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với xe xăng.