Kết quả "chìm", "nổi" và nguyên nhân không được nhắc tới trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump

Đại sứ Tôn Sinh Thành |

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ từ 24-25/2, chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Ahmedabad, thủ phủ bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Modi.

Mỹ - Ấn Độ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn cầu Toàn diện

Sự nồng nhiệt của 125.000 người đón chào ông Trump tại một sân vận động khổng lồ mới xây dựng cùng những cử chỉ gần gũi và những lời tán dương ca ngợi mà ông Trump và ông Modi dành cho nhau mới chỉ là phần nổi của một mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ và Ấn Độ.

Phần chìm nằm ở cuộc hội đàm sâu rộng diễn ra trong ngày thứ hai của chuyến thăm, khi 2 nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều vấn đề liên quan tới tình hình quốc tế và khu vực cũng như quan hệ 2 nước, nhất là về hợp tác quốc phòng, an ninh, năng lượng, thương mại và công nghệ.

Tuy nhiên, những những thông tin từ Cuộc họp báo chung của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ và Tuyên bố chung giữa 2 nước cho thấy chuyến thăm đã có những kết quả thực chất, đặc biệt là việc Mỹ và Ấn Độ đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện.

Đánh giá về quan hệ Mỹ-Ấn, Tổng thống Mỹ Trump cho rằng mối quan hệ này hiện đang thực sự mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong khi Thủ tướng Modi nói quan hệ Ấn-Mỹ là mối quan hệ quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Ông Modi nhấn mạnh hợp tác Ấn - Mỹ, trên cơ sở song trùng về giá trị và mục tiêu, có vai trò quan trọng đối với trật tự quốc tế có luật lệ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đối với lợi ích toàn cầu.

Trong Tuyên bố chung, 2 bên khẳng định sự hội tụ chiến lược của hai nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cho rằng đối tác chặt chẽ giữa hai nước đóng vai trò trung tâm của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm, hòa bình và thịnh vượng; hai bên đồng thời công nhận vai trò trung tâm của ASEAN; các nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế và quan trị tốt; bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không và các quyền sử dụng hợp pháp khác đối với biển cả; thương mại không bị cản trở; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, hai bên ghi nhận những nỗ lực đạt được một COC có ý nghĩa tại Biển Đông và nghiêm túc kêu gọi không được thành kiến đối với quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước theo luật pháp quốc tế.

Hai bên quyết định tăng cường cơ chế tham vấn 3 bên Mỹ-Nhật-Ấn; cơ chế 2+2 Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ và Mỹ; và cơ chế Tham vấn Bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc.

Mỹ đánh giá cao vai trò bảo đảm an ninh của Ấn Độ cũng như vai trò hỗ trợ phát triển và nhân đạo của Ấn Độ tại Ấn Độ dương. Ấn Độ và Mỹ cam kết đối với sự phát triển hạ tầng bền vững, minh bạch và có chất lượng trong khu vực. Ấn Độ bày tỏ quan tâm đối với Sáng kiến mạng lưới xanh do Mỹ đề xuất nhằm phát triển hạ tầng chất lượng cao.

Hai bên cam kết hợp tác để củng cố và cải tổ LHQ và các tổ chức quốc tế khác. Mỹ tái khẳng định ủng hộ Ấn Độ làm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cải tổ và ủng hộ Ấn Độ vào Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) không trì hoãn.

Trong tuyên bố chung, 2 bên cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh nhất là trên biển và trên vũ trụ, chia sẻ thông tin; hơp tác chung; huấn luyện và tập trận chung tất cả các binh chủng và lực lượng đặc biệt; phối hợp chặt chẽ hơn về chế tạo và sản xuất vũ khí thiết bị quân.

Kết quả chìm, nổi và nguyên nhân không được nhắc tới trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump - Ảnh 2.

Mỹ sẵn sàng tăng cường năng lực quốc phòng của Ấn Độ để bảo vệ hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và sẵn sàng chuyển giao công nghệ quân sự cho Ấn Độ. Tổng thống Mỹ tái khẳng định Ấn Độ là đối tác quốc phòng chủ chốt của Mỹ.

Hai bên sẽ sớm ký kết Hiệp định BECA (Hiệp định trao đổi và hợp tác cơ bản). Tổng thống Mỹ cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận Mỹ bán 24 trực thăng chống ngầm SeaHawk trị giá $3 tỷ và 6 trực thăng Apache trị giá $800 triệu cho Ấn Độ.

Ông Trump cho biết hai bên cam kết tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và phía Mỹ đang làm việc hiệu quả với Pakistan chống lực lượng khủng bố trên lãnh thổ nước này. Hai bên lên án mọi hình thức khủng bố qua biên giới và kêu gọi Pakistan không để lãnh thổ của mình bị sử dụng làm bàn đạp tấn công khủng bố. Mỹ hoan nghênh vai trò của Ấn Độ trong việc giúp đỡ về phát triển và an ninh cho Afghanistan.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ và sáng tạo, trong đó có phóng tàu vũ trụ chung vào năm 2022 và hợp tác quan sát trái đât, sao Thổ và đưa người lên vũ trụ và hợp tác thương mại về vũ trụ. Ông Trump cho biết hai bên đã thảo luận về một mạng lưới 5G an toàn và đảm bảo tự do, tiến bộ, thịnh vượng, không phải là công cụ để kiểm duyệt và đàn áp. Ngoài ra, trong chuyến thăm này, hai bên cũng đã đạt được một số thỏa thuận về sức khỏe thần kinh, về an toàn dược phầm, hợp tác dầu lửa và lập nhóm làm việc về hợp tác chống ma-túy.

Những kết quả trên đây của chuyến thăm, nhất là việc hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện, đã đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai cường quốc này.

Trung Quốc - Nguyên nhân "không được nhắc tới"

Trung Quốc mặc dù không xuất hiện trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào của hai bên, nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm thay đổi đang kể các phương trình chiến lược theo hướng bất lợi cho cả Ấn Độ và Mỹ, khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.

Đối với Mỹ, Ấn Độ là nước duy nhất có đủ sức nặng để đối trọng với Trung Quốc về mặt qui mô, sức mạnh kinh tế và vị trí địa lý. Quan hệ Ấn-Mỹ lạnh nhạt trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và ngay cả sau Chiến tranh Lanh khi Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân năm 1998. Nhưng cũng chính các vụ thử hạt nhân này đã khiến Mỹ thức tỉnh về tiềm lực của Ấn Độ, dẫn đến chuyến thăm đột phá của Tổng Thống Bill Clinton sang Ấn Độ năm 2000. Trong 20 năm qua, Mỹ đã cố gắng nâng cao năng lực của Ấn Độ về quân sự, kinh tế và ngoại giao nhằm tạo ra một đối trọng với Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ Trump cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong chiến lược toàn cầu cũng như chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Khác với các chuyến thăm của các đời Tổng thống Mỹ trước đây đều kèm theo các chuyến thăm tới Pakistan, chuyến thăm Ấn Độ lần này của Trump là chỉ có một điểm dừng là Ấn Độ. Đây là sự điều chỉnh của Mỹ từ chính sách cân bằng truyền thống giữa Ấn Độ và Pakistan sang một chính sách cứng rắn hơn với Pakistan.

Chuyến thăm là một thông điệp lớn đối với thể giới về vị thế của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ có thể làm thay đổi cán cân lực lượng ở Châu Á.

Kết quả chìm, nổi và nguyên nhân không được nhắc tới trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump - Ảnh 3.

Ấn Độ được coi là một đỉnh trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ. Ấn Độ thời gian qua cũng đã tham gia rất tích cực vào sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đã đưa ra. Nhưng Mỹ vẫn muốn Ấn Độ đóng góp tích cực hơn nữa trong lĩnh vực ngoại giao và quân sự đối với một trật tự mở và tự do ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Thỏa thuận bán vũ khí trị giá 3 tỷ USD lần này của Mỹ cho thấy Mỹ muốn tăng cường năng lực của Ấn Độ để có thêm sức mạnh đối phó với Trung Quốc.

Mặt khác, Ấn Độ cũng là một thị trường "béo bở" cho vũ khí của Mỹ. Ấn Độ mua 18 tỷ USD vũ khí của Mỹ trong 10 năm qua. Mỹ muốn Ấn Độ tham gia vào Mạng lưới xanh do Mỹ công bố và dẫn dắt từ tháng 11/2019 nhằm phát triển hạ tầng cơ sở để đối trọng lại với Sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Trump coi trọng vai trò của Ấn Độ đối với hòa bình và phát triển của Afghanistan và Ấn Độ đóng góp nhiều hơn vào Afganistan nhằm tạo điều kiện cho Mỹ rút khỏi nước này trong năm 2020.

Đối với Ấn Độ, do tương quan lực lượng còn đứng sau Trung Quốc về kinh tế và quân sự, nên Ấn Độ muốn dùng Mỹ để đối trọng với Trung Quốc. Tăng cường quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn cũng tạo điều kiện cho Ấn Độ tăng cường quan hệ gần gũi với các đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương và UAE và Arab Saudi ở Trung Đông.

Hơn nữa, Ấn Độ còn cho rằng Chính quyền Trump đang đánh giá lại các liên minh truyền thống. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar mới đây nhận định rằng Mỹ đang bố trí, sắp xếp lại mối quan hệ liên minh và đối tác trong đó có Ấn Độ. Quan điểm về liên minh của Mỹ đã trở nên linh hoạt hơn trước vì trật tự thế giới mới đã không cho phép duy trì quan hệ liên minh truyền thống, mà phải chấp nhận một dạng liên minh lỏng lẻo và chấp nhận những điểm khác biệt với nhau. Nếu Mỹ chấp nhận một dạng đồng mình như vậy, thì Ấn Độ có thể tăng cường quan hệ với Mỹ mà không lo khích động Trung Quốc và phá hỏng quan hệ với Nga.

Nhiều khả năng có thỏa thuận thương mại trước bầu cử Tổng thống Mỹ

Về kinh tế, GDP của Ấn Độ năm 2019 đạt 2.940 tỉ USD đứng thứ 5 thế giới trên Anh và Pháp, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), quy mô GDP của Ấn Độ là 10.510 tỉ USD, vượt qua Nhật Bản và Đức để đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện được vai trò đối trọng với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở Nam Á, Ấn Độ sẽ cần một nền kinh tế lớn hơn và tăng trưởng nhanh hơn.

Về thương mại, năm 2019, tổng giá trị thương mại Mỹ-Ấn đã đạt 145 tỷ USD, vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Các chuyên gia tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Việc cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ cũng có thể sẽ giúp Ấn Độ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt là Nam Á.

Đánh giá về quan hệ kinh tế, Thủ tướng Modi cho biết thương mại hai nước tăng 2 con số trong 3 năm qua và trở nên cân bằng hơn. Mỹ là nguồn cung cấp dầu khí rất quan trọng cho Ấn Độ. Thổng thống Trump cũng thừa nhận kể từ khi ông lên cầm quyền, xuất khẩu Mỹ sang Ấn Độ tăng 60%, trong đó năng lượng tăng 500%.

Kết quả chìm, nổi và nguyên nhân không được nhắc tới trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump - Ảnh 4.

Hai bên cam kết tăng cường hợp tác năng lượng thông qua chương trình Đối tác chiến lược về năng lượng, bao gồm dầu khí và hạt nhân, nhất là việc hoàn tất hợp đồng xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân của Mỹ cho Ấn Độ. Hoan nghênh Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế của Mỹ (DFC) tuyên bố 600 triệu USD tài trợ cho các dự án năng lượng tại Ấn Độ.

Ông Trump cho biết hai bên đang hoàn thiện những thủ tục pháp lý cuối cùng để ký một Thỏa thuận thương mại tạm thời và cũng cho biết hai bên đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một Thỏa thuận thượng mại toàn diện giữa hai nước.

Đối với Ấn Độ, trong bối cảnh nước này đã rút khỏi đàm phán RCEP, thì việc đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm mở cửa thị trường của Mỹ là rất quan trọng. Ấn Độ cũng thấy những cơ hội do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạo ra, khiến Mỹ phải tìm nguồn cung mới và di chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Trước những đòi hỏi như vậy của cả hai bên, thỏa thuận thương mại chưa hoàn tất trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ Trump nhiều khả năng sẽ được ký kết trước khi cuộc bầu cử tại Mỹ diễn ra và cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai nước sẽ sớm được khởi động.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại