Màn 'siêu chào mừng' hơn 100.000 người tham gia là điều Tổng thống Trump mong chờ nhất trong chuyến công du tới Ấn Độ?

Minh Đức |

Chuyến công du hôm thứ hai (24/2) của Tổng thống Donald Trump tới Ấn Độ là lần đầu tiên ông tới quốc gia châu Á trong vai trò người đứng đầu nước Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước đang có nhiều bất đồng bên cạnh mục tiêu chung là đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, kênh abcNEWS đã chỉ ra 5 điều đáng chờ đợi từ chuyến đi của người đứng đầu nước Mỹ tới Ấn Độ.

Tình bạn thân thiết

Sự xuất hiện của ông Trump tại Ấn Độ mang nhiều ý nghĩa cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia và ông sẽ được chào đón vô cùng nồng nhiệt. Trong hai ngày, tổng thống Mỹ sẽ là tâm điểm của một cuộc đại mít-tinh, tới thăm đền Taj Mahal và tham dự yến tiệc buổi tối.

"Có thể nói các tổng thống Mỹ khi tới Ấn Độ đều cảm thấy được yêu quý", chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Brookings Tanvi Madan nói.

Dự kiến sẽ có tới 100.000 người cùng với Thủ tướng Ấn Độ Narendram Modi có mặt trong buổi mit-tinh chào mừng Tổng thống Trump. Hàng chục nghìn người khác sẽ phủ kín các con đường khi đoàn xe của nhà lãnh đạo Mỹ đi qua.

"Một số người nói đó là sự kiện lớn nhất họ từng có ở Ấn Độ", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng trước khi rời nước Mỹ.

Thủ tướng Modi được đánh giá là đang tìm cách "đáp lễ" Tổng thống Trump sau khi chính ông được chào đón trong một sự kiện có sự tham gia của khoảng 50.000 người tại Houston, Mỹ năm ngoái. Vào thời điểm đó, ông Trump từng tuyên bố, Modi là "một trong những người bạn trung thành, tận tụy và vĩ đại nhất của nước Mỹ".

Hiệp định thương mại và các thỏa thuận khác

Một hiệp định thương mại Mỹ-Ấn đã được nhắc tới từ lâu nhưng tới giờ vẫn chưa trở thành sự thật. Nhiều ngày trước khi tới Ấn Độ, Tổng thống Mỹ từng đưa ra các tín hiệu lạc quan xung quanh thỏa thuận này.

"Chúng ta có thể có một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, nhưng tôi đang thực sự để dành điều lớn lao về sau", ông Trump phát biểu trước báo giới hôm 18/2. "Tôi không biết nó có hoàn tất trước bầu cử [Mỹ] hay không, nhưng chúng ta sẽ có một thỏa thuận rất lớn với Ấn Độ".

Căng thẳng thương mại giữa hai nước bắt đầu bùng phát khi Mỹ áp dụng các mức thuế cao hơn nhằm vào mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu; và sau đó chấm dứt ưu đãi thương mại với Ấn Độ. Đáp trả, New Delhi áp thuế nhập khẩu lên một số sản phẩm từ Mỹ.

Hôm thứ sáu (21/2), đề cập tới thỏa thuận thương mại, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, "chúng tôi vẫn chưa đi tới mức đó". Do Mỹ đang tìm kiếm một số nhượng bộ từ New Delhi để đổi lấy việc khôi phục ưu đãi thương mại, quan chức trên nhấn mạnh, "quả bóng đang ở sân nhà" của Ấn Độ.

Mặc dù quan hệ thương mại vẫn được khẳng định là "cực kỳ quan trọng" nhưng dấu hiệu rõ ràng nhất về tình trạng của quá trình đàm phán chính là việc Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin không có tên trong phái đoàn quan chức tháp tùng Tổng thống Trump sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, học giả Rick Rossow từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ vẫn công bố các nguyên tắc chính trong thỏa thuận và coi đó là một minh chứng cho tiến triển ngay cả khi quá trình đàm phán vẫn tiếp diễn sau này.

Người điều hòa mâu thuẫn

Tổng thống Trump nhiều lần ngỏ ý sẵn sàng trở thành người trung gian hòa giải cho cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ giữa Ấn Độ và Pakistan.

"Tôi sẵn lòng giúp đỡ nếu cả hai muốn. Nếu cả Pakistan và Ấn Độ muốn tôi làm vậy, tôi sẵn sàng, sẵn lòng và có thể làm được", ông Trump nói trong một cuộc gặp song phương với Thủ tướng Pakistan Imran Khan hồi tháng Chín. Trong khi Pakistan tỏ ra hứng khởi với đề nghị của nhà lãnh đạo Mỹ thì phía Ấn Độ lại từ chối và muốn giữ Kashmir như một vấn đề song phương.

Chuyên gia Bruce Riedel của Viện Brooking cho hay, chính quyền Trump hiện "không có kế hoạch cụ thể nào liên quan tới trung gian hòa giải Ấn Độ và Pakistan về Kashmir". Ông cũng lưu ý, những nỗ lực tương tự của các đời tổng thống Mỹ trước đều đã thất bại.

"Năm 1999, Tổng thống Bill Clinton từng đưa ra ý kiến hòa giải nhưng bị Ấn Độ gạt đi ngay lập tức", ông Riedel nói. Còn học giả Richard Rossow khẳng định, Ấn Độ chắc chắn không muốn ông Trump đề cập tới điều đó.

"Anh không bao giờ biết chính xác Tổng thống sẽ nói gì. Ông ấy từng nhắc tới việc can thiệp vào tranh chấp Kashmir. Và đây chắc chắn không phải là thứ Ấn Độ muốn nhìn thấy một cách công khai trong chuyến công du của ông Trump", ông Riedel dự đoán.

Đối trọng với Trung Quốc

"Trung Quốc" gần như chắc chắn sẽ không xuất hiện trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào trong chuyến công du của Tổng thống Trump tới Ấn Độ; tuy nhiên, đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc vẫn tiếp tục là một mục tiêu quan trọng trong liên minh chiến lược Mỹ-Ấn.

"Tôi nghĩ họ sẽ thảo luận về điều đó một cách kín đáo", ông Rossow nói, đồng thời chỉ ra hai nước có các vấn đề quan tâm chung từ hợp tác thương mại cho tới quân sự.

Trong khi đó, ông Madan kỳ vọng Mỹ và Ấn sẽ công bố một số thỏa thuận quốc phòng bởi vì chúng liên quan tới việc Ấn Độ mua máy bay và thiết bị quân sự từ Mỹ.

"Vì vậy mặc dù không nghe thấy từ 'Trung Quốc', anh vẫn cảm nhận được nó liên tục thông qua các phát biểu và một số hiệp định", ông Madan nói.

Luật công dân của Ấn Độ

Giống như vấn đề Trung Quốc, những thảo luận về luật công dân gây tranh cãi mới của Ấn Độ được cho là cũng sẽ diễn ra "sau màn". Đạo luật mới đang vấp phải nhiều chỉ trích và đã làm dấy lên một số cuộc biểu tình phản đối tại Ấn Độ trong những tháng gần đây.

Khi được hỏi liệu ông Trump có đề cập tới vấn đề trên trong thời gian ở tại Ấn Độ, một quan chức cấp cao Mỹ trả lời, tổng thống sẽ tập trung vào các giá trị chung giữa hai nước nhưng chắc chắn sẽ nêu lên các quan ngại với Thủ tướng Modi.

"Chắc chắn Tổng thống Trump sẽ đề cập các vấn đề này một cách riêng tư, đặc biệt là tự do tôn giáo", quan chức trên cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại