Kết cục thảm hại của những sát thủ mang phận tốt thí

Lê Nguyễn |

Như lời ông Đáng “đao”, băng người nhái đúng nghĩa là những sát thủ được tướng Kỳ tạo ra để trừ khử những kẻ chống đối. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là con tốt thí…

LTS: Nguyễn Văn Đáng, hỗn danh là Đáng "đao", là đầu lĩnh trong băng người nhái của ông trùm Châu Nhị ở Sài Gòn trước năm 1975. Bây giờ về già, cuộc sống của Đáng "đao" có nhiều xa xót.


>Cuộc sống ẩn dật trong nghèo khổ của giang hồ khét tiếng Sài Gòn
>Dùng dao thay súng, gã giang hồ liều mạng "lấy số" những ông trùm khét tiếng miền Tây
>Em rể suýt lấy mạng anh vợ và sự suy tàn của ông trùm miền Tây
>Từ ân nhân thành cừu thù và cái chết bí ẩn của trùm giang hồ Đại Cathay

Sứ mệnh sát thủ

Ông Đáng kể, trong giai đoạn tướng Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng của Ngụy quyền cũng chính là những năm tháng mà băng đảng người nhái "xưng hùng xưng bá".

Được hậu thuẫn của ông Nguyễn Cao Kỳ, băng người nhái đã vươn lên đỉnh cao quyền lực trong chiếu giang hồ. Nhưng cũng chính ông Kỳ đã khiến cho băng đảng này bị tiêu điệt.

Theo ông Đáng, anh em trong băng nhóm đều đều bị truy sát, chết một cách mờ ám.

Ông Đáng kể, bởi xuất thân từ quân đội nên kỷ luật của băng nhóm rất nghiêm ngặt và hoạt động tuyệt đối bí mật.

Phương "nhái" và Đáng "đao" là hai phó tướng thân cận nên được ông trùm Châu Nhị tuyệt đối tin tưởng.

Dưới sự chỉ huy của Châu Nhị, Đáng "đao" được giao phụ trách việc đâm thuê chém mướn, bảo kê thu "thuế", tổ chức sòng bài, chích hút và điều hành gái mại dâm.

Phương "nhái" thì có nhiệm vụ thanh trừng những chính khách, sỹ quan Ngụy theo mệnh lệnh của tướng Kỳ. Việc này là điều tối mật, chỉ duy nhất người em rể của Đáng và ông trùm biết với nhau.

Những vụ ám sát trong cuộc đấu chính trị của ông Kỳ đều do Châu Nhị và Phương "nhái" tự ra tay đạo diễn. Thỉnh thoảng Châu Nhị cũng mang theo Tầm "nhái" và Trọng "bác sĩ" đi hỗ trợ.

Kết cục thảm hại của những sát thủ mang phận tốt thí - Ảnh 1.

Ông Đáng kể, bởi không tham gia vào những phi vụ chính trị nên ông mới may mắn sống sót.

Ông Đáng nhớ lại, lúc ông còn ngồi trong khám Chí Hòa với Đại Cathay ở biệt khu ED thì ông gặp Trọng "bác sĩ". Trọng bị bắt với tội danh du đãng và bị giam ở phòng 22E khu ED, còn ông thì ở phòng 25E.

Lúc đó, Trọng "bác sĩ" theo lệnh Châu Nhị cố tình trà trộn vào Chí Hòa tìm cơ hội để ra tay giết sĩ quan Ngụy là Hoàng Ngọc Thông.

Ông Thông thuộc phe trung thành với tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau đảo chính năm 1963, ông bị bắt giam ở phòng 34D, khu ED.

Khi ấy, Đáng "đao" được cảnh sát trại giao cho quyền tự quản ở khu E, được cầm chìa khóa phòng giam, hành lang và tùy ý cho phạm ra vào buồng giam.

Ở khám Chí Hòa, Trọng "bác sĩ" đã nhận ra Đáng "đao" bởi trước đó, khi là trùm giang hồ miền Tây, Trọng có theo Phương "nhái" về đánh chiếm lãnh địa của ông một lần.

Cũng nhờ Trọng báo tin ông đang bị giam ở "lò bát quái" Chí Hòa cho Phương "nhái", cậu em rể này đã lo lót để chạy án cho ông.

Lý do tại sao Đáng không được tham gia vào những vụ ám sát của tướng Kỳ, đó là vì ông là người duy nhất trong băng người nhái không có thẻ đặc biệt của phủ đầu rồng.

Người có thẻ này có thể tự do ra vào những nơi có an ninh tối mật, canh phòng nghiêm ngặt. Hơn nữa, tài dùng đao của Đáng không ai có thể qua được, nhất là biệt tài phi đao, còn khả năng bắn súng của ông vẫn còn hạn chế so với những anh em khác.

Châu Nhị nhận định, Đáng "đao" từng thành danh bằng mã tấu và dao lê, ông phù hợp với việc đấm chém tranh giành quyền bảo kê, lãnh địa với các băng nhóm trên giang hồ hơn là việc làm một sát thủ.

Có lẽ, cũng vì vậy mà khi băng đảng bị thanh trừng, Đáng "đao" là người duy nhất thoát khỏi đại nạn.

"Tôi gia nhập người nhái rồi và trở thành phó tướng của băng trong một thời gian rất ngắn, bởi thành tích bất hảo về đâm chém, tranh giành lãnh địa với các băng nhóm khác.

Nhiều lần Châu Nhị đã định đưa tôi vào kế hoạch các phi vụ ám sát theo lệnh của tướng Kỳ nhưng cậu em rể đã can ngăn, gạt tôi ra khỏi những kế hoạch ấy.

Phương "nhái" biết được những việc mà mình đang làm vô cùng nguy hiểm, có thể bị giết chết để bịt đầu mối bất cứ lúc nào nên chú ấy đã không cho tôi tham ra", giọng trầm buồn, ông Đáng kể.

Kết cục thảm hại của những sát thủ mang phận tốt thí - Ảnh 2.

Bà Mọn, người vợ chung thủy của ông Đáng

Hai mãnh hổ ở một rừng

Người trong giang hồ đều biết, thời kỳ hậu Đại Cathay, Sài Gòn có hai thế lực lớn là băng người nhái của Châu Nhị và băng lính nhảy dù của ông trùm Hợi "điên".

Nếu băng người nhái là cận vệ của ông Kỳ thì Hợi "điên" là cận vệ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Cũng như tướng Kỳ, ông Thiệu cũng đi lên từ lính nhảy dù nên khi ông đắc cử tổng thống ông đã kéo băng đảng Hợi "điên" về làm cận vệ cho mình ở phủ đầu rồng.

Băng nhảy dù cũng gan dạ, liều mạng như người nhái. Lực lượng của Hợi "điên" có phần hùng hậu hơn hẳn băng đẳng của ông trùm Châu Nhị. Dù vậy, quyền lợi và lãnh địa của nhảy dù vẫn luôn kém phân hơn.

Đáng "đao" lý giải, sau lần huyết chiến với Đại Cathay ở bến Bạch Đằng thì toàn bộ những nơi béo bở mầu mỡ ở Sài thành đều lọt vào tay băng nhóm của ông, một phần cũng vì Hợi "điên" và đám đàn em về Sài Gòn muộn hơn.

Hai đại ca phục vụ cho hai người tối cao nhất của Ngụy quyền nên băng nhảy dù và người nhái sống ôn hòa, không động chạm tới địa bàn của nhau.

Kết cục thảm hại của những sát thủ mang phận tốt thí - Ảnh 3.

Theo ông Đáng, băng người nhái chính là những cận vệ của tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Đến khi quân nhảy dù được phân công luân phiên về đóng ở vườn Tao Đàn và Dinh Độc lập để đề phòng đảo chính, Hợi "điên" mới lao vào các cuộc tranh chấp với các phe phái khác, trong đó có băng người nhái.

Theo ông Đáng lý do mà Hợi "điên" gây hấn tranh giành địa bàn của người nhái là vì gã nghe theo lời của vợ bé là Lệ Thanh. Sau đó, để giữ hòa khí, Châu Nhị cũng nhượng một phần lãnh địa (khu vực Tự Do) cho Hợi.

Tuy nhiên, sự hòa hoãn đó chẳng giữ được lâu. Một chiều đầu năm 1968, Sài Gòn đã mất đi cả hai mãnh hổ, Châu Nhị và Hợi "điên" đã kết liễu đời nhau.

Cái chết của ông trùm

Dù Đáng "đao" không trực tiếp chứng kiến, nhưng sau này ông được nghe em rể kể lại toàn bộ biến cố trong buổi chiều định mệnh ấy.

Hợi "điên" hẹn gặp ông trùm Châu Nhị để bàn chuyện làm ăn tại phòng trà của ca sĩ Khánh Ly. Châu Nhị đã không để phòng chỉ mang theo hai cận vệ là Phương "nhái" và Tài "béo" đi cùng đến điểm hẹn.

Hợi "điên" bước vào phòng trà thì ông trùm Châu Nhị đang ngồi tán gẫu với cô thu ngân, gã chĩa luôn khẩu súng M18 về phía Châu Nhị xiết cò. Châu Nhị chưa kịp chống trả thì đã trúng đạn ngã ngục.

Phương ‘nhái" và Tài "béo" đang ngồi ở bàn, nghe thấy tiếng súng đã vội nằm xuống đất đẻ tránh đạn của 4 tên đàn em của Hợi "điên" rồi bắn súng chống trả.

Hợi "điên" sau khi xử xong Châu Nhị định quay lại tiêu diệt hai kẻ kháng cự, nhưng không may cho Hợi, một viên đạn từ súng của Phương "nhái" đã găm vào đầu gã.

Đàn em của Hợi "điên" thấy đại ca bị ăn đạn đã sợ hãi bỏ chạy, mặc ông trùm nằm trên vũng máu.

Sau khi bắn chết Hợi "điên" ở phòng trà, Phương "nhái" đã bảo với Đáng "đao" rằng: "Tướng Kỳ không bảo vệ chúng ta được nữa rồi. Anh đưa vợ con em trốn khỏi nơi này ngay đi.

Em ở lại lo cho anh em trước, sau đó sẽ liên lạc với mọi người".

Nghe theo lời người em rể, ngay đêm đó Đáng "đao" đã đưa em gái và các con của Phương về Cẩm Mỹ (Đồng Nai).

Kết cục thảm hại của những sát thủ mang phận tốt thí - Ảnh 4.

Tài sản duy nhất đáng giá của ông trùm giang hồ khét tiếng một thời.

Khi Đáng vừa đi khỏi thì toàn bộ những phần tử trong băng người nhái đều bị ám sát. Bản thân Đáng "đao" còn bị những cận về của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu truy lùng gắt gao.

Lúc đó, giang hồ Sài Gòn cho rằng, Châu Nhị và Hợi "điên" chết cũng chỉ bởi một người đàn bà Lệ Thanh, nhưng theo ông Đáng sự thật không phải như vậy.

Ông Đáng cho rằng có thể băng người nhái là những con tốt thí trong một cuộc đấu chính trị của hai người có quyền lực cao nhất của Việt Nam cộng hòa là ông Kỳ và ông Thiệu.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại