Cuộc sống ẩn dật trong nghèo khổ của giang hồ khét tiếng Sài Gòn

Lê Nguyễn |

Nguyễn Văn Đáng, hỗn danh là Đáng “đao”, là đầu lĩnh trong băng người nhái của ông trùm Châu Nhị ở Sài Gòn trước năm 1975. Bây giờ về già, cuộc sống của Đáng “đao” có nhiều xa xót.

Giang hồ lừng lẫy ẩn dật mưu sinh bằng nghề… hát rong

Nói về giang hồ Sài Gòn trước những năm 1975 thì Đại Cathay được mệnh danh là trùm của các ông trùm.

Tuy nhiên, ngay cả thời hưng thịnh nhất, Đại Cathay vẫn phải nhường nhiều "mảnh đất mầu mỡ" cho băng "người nhái" của ông trùm Châu Nhị.

Tuy chỉ có 30 đầu lĩnh nhưng đều từng là binh lính tinh nhuệ nhất trong Liên đoàn người nhái của quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng được huấn luyện ở Mỹ nên vô cùng lợi hại.

Thêm nữa, bởi được chống lưng của chính quyền Sài Gòn nên băng người nhái chẳng xem ông trùm Đại Cathay ra gì, sẵn sàng nổ súng để đánh chiếm địa bàn.

Ngôi nhà gỗ nhỏ bé, lụp xụp giữa ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) là nơi mà chiến tướng của băng người nhái đang sống.

Hiện tại, người đàn ông lừng lẫy giang hồ một thuở mưu sinh bằng nghề hát rong.

Tuổi gần bát thập nhưng Đáng "đao" vẫn nhanh nhẹn, giọng vẫn sang sảng và đôi mắt sắc lẹm. Tuy nhiên, tài phi đao bách phát bách trúng năm nào đã mai một nhiều.

Cuộc sống ẩn dật trong nghèo khổ của giang hồ khét tiếng Sài Gòn - Ảnh 1.

Ông Đáng nhớ lại những ngày tháng sống kiếp giang hồ.

Nhấp ngụm nước trà ấm, ông trùm một thời thét ra lửa lần dở những ký ức đã ngủ vùi trong trí nhớ để kể lại cuộc đời quá lắm thăng trầm của mình cho chúng tôi nghe.

Tuổi thơ cơ cực

Đáng gốc là người thành Nam ( Nam Định), lúc ông ra đời thì cụ thân sinh đưa ra đình vào Đồng Nai làm công nhân cao su cho thực dân Pháp.

Khi Đáng lên 10 thì người cha chết thảm thương giữa rừng cao su ngút ngàn, phải đến một tuần lễ người ta mới tìm thấy xác người cha xấu số của ông.

Một thời gian sau thì mẹ ông đi bước nữa với một người dân địa phương. Người dượng khó tính lại hay rượu, ông ta không ưa gì Đáng. Mỗi khi buồn bực chuyện gì thì đứa con riêng của vợ biến thành nơi để người dượng này trút giận.

Phận người phụ nữ đã một lần đò nên mẹ Đáng chẳng biết làm gì hơn, mỗi lần chồng đánh đập Đáng bà cũng chỉ biết nuốt nghẹn nỗi đau thương xót vào trong.

Đáng cứ thế lớn lên bằng đòn roi, ghẻ lạnh của người dượng và tình thương của người mẹ nhưng chẳng thể che chở bảo vệ được con.

Không chịu đựng được người dượng bạc ác, một đêm tối ông đã lén bỏ nhà ra đi tuổi đời mới 13. Đáng làm thuê, làm mướn sống lay lắt qua ngày ngay tại địa phương.

Mẹ ông đã nhiều lần đi tìm và khuyên con trai về nhà, nhưng Đáng nhất quyết không chịu, ông bảo với mẹ rằng: "Nếu mẹ nhớ, muốn gặp con thì hãy đến đây, ngày nào còn ông ta thì con sẽ không bao giờ về".

Lớn lên chút nữa thì Đáng "đao" bị bọn tay sai cho Pháp bắt đi làm công nhân cạo mủ cao su ở nông trường Ông Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).

Sa chân vào đất cao su, chẳng tù thì cũng như tù chung thân, bọn thực dân Pháp đã bóc lột thậm tệ, tàn nhẫn sức của những người lao động.

Làm ở đây được chừng 6 năm thì người Pháp thất bại ở trận Điện Biên Phủ và Đáng đã may mắn thoát khỏi địa ngục trần gian ấy.

Quãnh thời gian sống trong "hang quỷ" đã tôi rèn cho Đáng sự gan lì.

Cuộc sống ẩn dật trong nghèo khổ của giang hồ khét tiếng Sài Gòn - Ảnh 2.

Người vợ hiền mà ông Đáng trọn đời thương yêu.

Trong ký ức của Đáng vẫn chưa quên lần gánh mủ cao su làm tràn ra ngoài, ông đã bị một tên lính Pháp rút súng bắn thẳng vào bắp chân.

Theo Đáng "đao" thì như thế vẫn còn nhẹ, có anh công nhân gánh mủ vị té ngã, làm đổ cả hai xô mủ, tên thực dân đã đã lạnh lùng bắn chết khi chưa kịp giải thích

Lúc Đáng 19 tuổi, trong một lần gánh mủ cao su làm tràn ra ngoài, ông lại bị tên lính Pháp ngày trước tát cho một cú như trời giáng vào mặt.

Mối thù lần trước chưa trả, lại thêm lần này, máu nóng trong người Đáng sôi sùng sục, chẳng cần nghĩ ngợi, ông vơ lấy đòn gánh vào đánh tên lính Pháp tơi bời.

Được cao thủ võ truyền dạy tuyệt kỹ phi đao

Đó năm 1960, Đáng "đao" kể sau những cuộc thanh trừng ác liệt, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế đều về dưới trướng của Đại Cathay, phò tá ông trùm đi cướp đất Chớ Lớn của Tín Mã Nàm.

Thời ấy, Đáng "đao" chỉ là tên lính quèn, đóng quân ở Long Khánh. Tuy nhiên, trong thời gian này Đáng đã học được tuyệt kỹ của "phi đao" mà sau này đã khiến người trong giang hồ phải nể sợ.

Ông Đáng nhớ lại, trong băng người nhái có 30 người, ai cũng giỏi kung phu, bắn súng thiện xạ, nhất là khi tác chiến ở dưới nước.

Ông tuy không giỏi võ bằng huynh đệ, nhưng được tất cả nể phục bởi khả năng phi đao tuyệt đỉnh, lấy mạng 3 đến 4 kẻ địch chỉ trong chớp mắt.

Ông Đáng học được món bí kíp này từ một người lính cùng tiểu đội trong đơn vị. Ông này vốn là võ sư đất Bình Định, tuổi đã ngoài 40 nhưng vẫn không thoát khỏi quân dịch.

Ông này rất quý tính của Đáng nên đã nhận làm để tử để truyền dạy võ thuật. Vị sư phụ mới kịp truyền dạy cho Đáng món phi đao để phòng thân thì ông ta đã tử trận trong chiến dịch ở Bình Long (Bình Phước).

Sau này, Đáng ngang dọc hành tẩu trong giang hồ cũng nhờ cái vốn liếng đã học được từ ông thầy này.

Nghĩ sư phụ võ thuật tinh thông nhưng cũng không tránh khỏi tên bay đạn lạc vì vậy mà sau một năm ở lính tránh Đáng đã tìm cơ hội để đảo ngũ.

Lúc ấy, người dượng cũng đã chết nhưng đảo ngũ rồi Đáng "đao" cũng chẳng thể về nhà bởi sợ quân cảnh bắt lại. Đáng "đao" tá túc trong một nhà thờ ở đất Đông Hòa (Long Khánh, Đồng Nai).

Ban ngày, ông đi làm thuê cho người địa phương, tối lại quay lại nhà thờ để ngủ.

Cuộc sống ẩn dật trong nghèo khổ của giang hồ khét tiếng Sài Gòn - Ảnh 3.

Ngôi nhà nhỏ nơi ông Đáng sống đời ẩn dật

Chạy trốn "tình duyên" ngay trong ngày cưới

Thời gian ấy, Đáng "đao" 23 tuổi, người vạm vỡ, đẹp trai, biết nhiều chữ nghĩa và nói được cả tiếng Pháp do đó khiến rất nhiều cô nàng ở đây mê mẩn.

Trong số những người con gái ấy có Nguyễn Thị Nga, em gái một người bạn rất thân của Đáng đã tương tư anh lính đảo ngũ này.

Thế nhưng trong trái tim của ông trùm khi ấy đã có hình bóng của người con gái khác, đó là bà Trịnh Thị Mọn, vợ ông bây giờ.

Bà Mọn cũng là người cùng quê với ông, bà mồ côi từ bé và lưu lạc vào đất này nhiều năm trước. Hai người quen nhau khi cùng làm công nhân trong nông trường cao su Ông Quế.

Lúc đi lính thì bà Mọn cũng rời về Hố Nai (Đồng Nai) sinh sống, vì thế mà ông bà đã mất liên lạc với nhau.

Ông Đáng đảo ngũ về thì không thấy người thương, ông cũng nhiều lần dò la và đi tìm kiếm nhưng mọi thông tin về bà Mọn vẫn bặt vô âm tín.

Bà Nga là một cô gái có nhan sắc và thông minh, mẹ ông cũng ưng bụng cô gái này và đã nhắm Nga là con dâu của mình từ rất lâu.

Đáng dù ngang tàng đến đâu nhưng ông rất thương mẹ, không muốn làm mẹ buồn bởi thế ban đầu, ông chấp nhận mối tơ duyên này.

Đáng "đao" là lính đảo ngũ nên chuyện mừng cũng không dám tổ chức rình rang khiến quân cảnh để ý. Bởi, nếu Đáng bị bắt, ông sẽ bị xử nặng.

Hai bên thông gia sau nhiều buổi họp bàn cuối cùng cũng tìm ra được cách qua mặt chính quyền là hôn lễ được tổ chức ngay tại nhà gái.

Đến ngày, mọi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch đã định trước đó, mẹ của Đáng và người thân họ hàng chuyển đồ và thực phẩm sang nhà cô dâu để chuẩn bị làm cỗ cưới.

Khi ấy, thấy không thể lừa dối lòng mình, Đáng "đao" lấy lý do xuống Long Khánh mời thêm mấy người bạn rồi xong sẽ sang sau nhưng kỳ thực là ông đi trốn.

Ông Đáng kể, người tạo điều kiện cho ông trốn đi chính là cậu bạn thân, cũng là người anh vợ tương lai của ông. Trước ngày cưới, Đáng đã tâm sự với người bạn ấy.

"Mẹ tao bắt tao lấy Nga, nhưng mà tao không thương. Nếu lấy nhau mà không có tình yêu thì cả hai sẽ đau khổ. Mày kiếm cho tao mấy đồng bạc và bộ quần áo để tao bỏ đi, như thế là tốt nhất".

Thông cảm cho hoàn cảnh khó xử của Đáng, người bạn này đã kiếm tiền, quần áo tiếp tay cho Đáng trốn. Khi cỗ bàn đã làm xong, khách khứa, quan viên hai họ được mời đến dự đã ngồi hết cả vào mân thì người bạn của Đáng mới nói cho mọi người biết hết sự thật.

Bỏ trốn khỏi lễ cưới, Đáng đã hết đường đi, ông đành quay về đơn vị cũ tự thú. Cũng từ đây, người trong giang hồ biết đến cái tên Đáng "đao".

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại