Tờ The Moscow Times ngày 26/3 dẫn bài đăng trên Twitter của tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đề xuất các hãng vận tải sử dụng tuyến đường biển phương Bắc, chạy dọc lãnh thổ Nga ở Bắc Cực, để kết nối châu Âu-Á, trong bối cảnh kênh đào Suez đang bị tắc nghẽn do tàu container mắc kẹt.
Tuyến đường mà Nga đề xuất (màu đỏ) có chiều dài ngắn hơn đáng kể tuyến đường truyền thống qua kênh Suez. Ảnh: The Economist
"Bạn có thể bị mắc kẹt ở kênh đào Suez nhiều ngày nữa", bài đăng có đoạn. Theo dữ liệu của Barents Observer, tuyến hàng hải phương Bắc mà Nga đề xuất có chiều dài quãng đường kết nối Trung Quốc và châu Âu thấp hơn 40% so với tuyến đường biển truyền thống qua kênh Suez.
Tuy nhiên, tuyến đường này gần như quanh năm bị bao phủ bởi lớp băng dầy. Hiện chỉ có Nga sở hữu đội ngũ tàu phá băng hạt nhân đủ mạnh để mở đường hoặc giải cứu các con tàu trong trường hợp chúng bị băng trôi bủa vây.
Tàu phá băng Nga lao trên lớp băng dày, giải cứu tàu bị mắc kẹt gần Bắc Cực. Video: TL/YT
"Nếu bạn gặp vấn đề với băng tuyết, chúng tôi có tàu phá băng, những con tàu rất tốt có thể phá tan băng", Rosatom thông báo, đính kèm thông tin về việc tàu phá băng Nga đã giải cứu một tàu hàng mắc kẹt hồi cuối năm ngoái.
Tàu phá băng Yamal thuộc đội tàu phá băng của Rosatom. Ảnh: ITN
Theo truyền thông Nga, nước này gần đây đang tăng cường hiện diện ở Bắc Cực, trong bối cảnh khu vực này đang nóng lên không phải nhanh gấp đôi mà hơn bốn lần so với phần còn lại của thế giới, mở ra cơ hội khai khoáng nguồn tài nguyên khổng lồ và khả năng khai thác thường xuyên hơn tuyến đường biển phương Bắc nối châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương.