“Kẻ hủy diệt” boongke

THÙY LINH |

Xuyên qua vài mét bê tông cốt thép của các điểm khai hỏa, phá hủy đường băng sân bay hoặc hầm chứa tên lửa hạt nhân của địch – đó là những nhiệm vụ đặc biệt dành cho bom hàng không xuyên phá bê tông và đạn pháo.

Trong những năm gần đây, bom đạn xuyên phá công suất lớn ngày càng được tăng cường sử dụng trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố, trú ẩn trong hầm ngầm.

Búa tạ của Stalin

Lực lượng pháo binh Liên Xô đã sử dụng các loại đạn pháo xuyên bê tông trong Chiến tranh Mùa đông với Phần Lan. Sau thất bại trong lần đầu tấn công phòng tuyến Mannerheim (tuyến phòng thủ của Phần Lan) cùng tổn thất về binh lính, chỉ huy Liên Xô đã quyết định tích cực sử dụng hệ thống pháo binh trước khi tung xe bọc thép và lực lượng bộ binh vào trận chiến.

Phương án pháo nòng ngắn 203 mm B-4 tỏ ra đặc biệt hiệu quả khi chống lại các công trình bê tông cốt thép trên eo đất Karelian.

Các loại đạn xuyên bê tông của pháo nòng ngắn 203 mm B-4 có thể chọc thủng bức tường dày 2m và nhiều lớp bảo vệ của boongke, biến các lô cốt và ụ súng thành đống phế liệu xây dựng.

Những “gã khổng lồ” này đã phá hủy hàng trăm công trình đắt tiền. Người Phần Lan thậm chí còn đặt biệt danh cho pháo B-4 là "búa tạ của Stalin" vì sức mạnh và khả năng phá hủy của nó.

Từ mặt đất đến bầu trời

Sự thành công của hệ thống pháo binh sử dụng đạn xuyên bê tông đã truyền cảm hứng cho quân đội và các kỹ sư Liên Xô để phát triển một phương diện hủy diệt hàng không tương tự. Loại đạn pháo 203mm đã được sử dụng làm cơ sở chế tạo quả bom xuyên bê tông nội địa đầu tiên BetAB-150DS với đầu nổ nặng hơn 100kg.

Được trang bị bộ phận gia tốc phản lực, BetAB-150DS có thể tăng tốc khi tiến gần mục tiêu. Ngoài ra, BetAB-150 còn có thể có thể “ thâm nhập” mặt đất với độ sâu hơn 1,5m, tạo thành một cái hố có đường kính lên đến 2m.

“Kẻ hủy diệt” boongke - Ảnh 1.

Các chiến sĩ Hồng quân khai hỏa tấn công phòng tuyến của Phần Lan. Nguồn: RIA

Trong thời gian hậu chiến, phi đội máy bay ném bom được trang bị loại bom mạnh hơn với trọng lượng hơn 500kg. Bom xuyên bê tông, đã trải qua nhiều giai đoạn hiện đại hóa, vẫn đang được Không quân –Vũ trụ Nga (VKS) sử dụng trong ngày hôm nay, kể cả khi tham chiến ở Syria.

Những cú tấn công chính xác bằng bom xuyên bê tông đã tiêu diệt các cứ điểm chỉ huy kiên cố, hầm chứa được đặc biệt bảo vệ, các kho vũ khí và điểm truyền tin ngầm của bọn khủng bố.

Khác với đạn phân mảnh hay xuyên giáp, đạn xuyên phá bê tông có lớp vỏ chắc chắn. Loại đạn này xuyên qua khối bê tông cốt thép theo 1 góc vuông với tốc độ cao. Sau khi xuyên qua bức tường kiên cố, bên trong công trình, các viên đạn nổ tung. Vì vậy, để tiêu diệt các công trình bê tông kiên cố, lực lượng pháo binh cần những khẩu pháo có cỡ nòng lớn.

Bên cạnh đó, Không quân-Vũ trụ Nga hiện đang sử dụng một vài loại bom xuyên phá bê tông rơi tự do và được trang bị bộ phận gia tốc phản lực như BetAB-500 và BetAB-500ShP. Bất kỳ loại máy bay tấn công hiện đại nào cũng có thể mang theo BetAB-500.

Bom được ném từ độ cao vài nghìn mét để có thời gian tăng tốc rồi nhanh chóng tiếp cận và hủy diệt hoàn toàn mục tiêu. Quả bom 500kg rơi tự do “đi qua” lớp bê tông có độ dày lên đến 1m và “ khoan” đến độ sâu 3m.

Phiên bản cải tiến của BetAB-500 là BetAB-500ShP, được trang bị dù để ổn định tốc độ trong khi bay và động cơ phản lực cho phép tăng tốc khi ở mặt đất. Khả năng xuyên phá của phiên bản gốc và cải tiến là như nhau.

Nhưng do thiết kế đặc biệt, BetAB-500ShP có ​​thể được ném từ độ cao thấp. Ngoài ra, quả bom này có hiệu quả tấn công chính xác hơn nhiều so với quả bom BetAB-500 thông thường.

Một trong những quả bom hiện đại nhất trong kho vũ khí của Không quân-Vũ trụ Nga là bom xuyên bê tông chùm RBK-500U. Loại bom này có chứa 10 đầu nổ và đặc biệt hiệu quả cho việc phá hủy các mục tiêu bề mặt như đường băng của sân bay, đường cao tốc.

Vũ khí được nhiều nước ưa chuộng

Quân đội Mỹ cũng đã luyện cách sử dụng vũ khí xuyên phá bê tông. Loại bom được Mỹ dùng nhiều nhất là bom điều khiển GBU-28. Nó được phát triển đặc biệt cho Chiến dịch Bão táp sa mạc ở Vịnh Ba Tư vào năm 1991.

Tại thời điểm đó, do không có đủ vũ trang để tiêu diệt các boongke của chính phủ Iraq và các đồn chỉ huy của quân đội nước này, Quân đội Mỹ đã yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này phát triển một loại bom mới trong thời gian 2 tuần.

Để đẩy nhanh tiến độ công việc, các nhà phát triển đã sử dụng phần thân của đạn pháo 203-mm làm lớp vỏ cho phiên bản đầu tiên của GBU-28. Trong các đợt thử nghiệm, GBU-28 có trọng lượng hơn 2 tấn và với gần 300kg thuốc nổ đã xuyên lớp bê tông dày lên đến 6m. Do được trang bị hệ thống laser dẫn đường nên GBU-28 có hiệu quả tấn công khá chính xác.

Trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, người Mỹ đã ném những quả bom được làm vội vội vàng từ máy bay ném bom F-111 và các boongke vào hầm tránh bom của quân đội và quan chức chính phủ Iraq khiến đối phương bị tổn thất nặng nề.

Ngoài Nga, Mỹ, các nước khác trên thế giới cũng đang tích cực sử dụng bom xuyên bê tông. Không quân Israel có bom hàng không điều khiển MRP-500, còn phi công Pháp đang sử dụng bom BLU-107 Durandal. Qua đó, có thể nhận thấy rằng, loại bom xuyên phá bê tông sẽ không được “nghỉ hưu” sớm, Hãng tin RIA Novosti nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại