Kế hoạch Citadel và bí mật điệp viên Wether

Hồng Sơn |

Chiến thắng của Hồng quân đã được bảo đảm từ ngày 12-4-1943 trước đó, khi tình báo Xô-viết đặt trên bàn của Stalin kế hoạch của chiến dịch “Citadel” về âm mưu phản công của quân Đức tại Kursk, trên đó có chữ ký của những tướng lĩnh hàng đầu của quân phát xít.

Người biến điệp viên Liên Xô thành công dân Mỹ Ngôi sao điện ảnh Đức là điệp viên của tình báo Xôviết

Ngày 23-8-1943 là ngày đánh dấu sự kết thúc một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất trong Đại chiến thế giới thứ hai.

Trong vòng một tháng rưỡi đối đầu với Hồng quân Xôviết tại khu vực vòng cung Kursk, phát xít Đức gần như đã cạn kiệt sinh lực tại mặt trận phía Đông – 500 ngàn binh sĩ chết và bị thương, 1.500 xe tăng và 1.700 máy bay bị tiêu diệt. Từ thời điểm bước ngoặt này, quân đội của Hitler đã không thể gượng dậy, bắt đầu buộc phải rút lui trên khắp mặt trận phía Đông.

Trên thực tế, chiến thắng của Hồng quân đã được bảo đảm từ ngày 12-4-1943 trước đó, khi tình báo Xôviết đặt trên bàn của Stalin kế hoạch của chiến dịch “Citadel” về âm mưu phản công của quân Đức tại Kursk, trên đó có chữ ký của những tướng lĩnh hàng đầu của quân phát xít. Bản thân Hitler cũng phải 3 ngày sau đó mới được nhìn thấy kế hoạch trên.

Cho tới bây giờ, tên tuổi chính xác của điệp viên nằm trong bộ tham mưu thân cận nhất của Hitler đã chuyển bản kế hoạch “Citadel” cho Moscow vẫn chưa được giải mật. Người ta chỉ biết nhân vật này có mật danh “Wether”. Có nhiều giả thuyết khá thú vị về nhân vật bí ẩn này…

Rudolf Roessler – Người bán tin tuyệt mật

Nhiều người cho rằng, đóng vai trò chính trong việc lấy cắp tài liệu quan trọng về kế hoạch “Citadel” từ Berlin chính là Rudolf Roessler, chủ nhân của nhà xuất bản Vita Novi. Đó là một người đàn ông Đức, di cư tới Thụy Sĩ sau khi Hitler lên nắm quyền. Tại đây, ông mở một nhà xuất bản nhỏ làm bình phong cho hoạt động khai thác và buôn bán thông tin tình báo.

Kế hoạch Citadel và bí mật điệp viên Wether - Ảnh 1.

Rudolf Roessler.

Tháng 11-1942, ông tự đề nghị được hợp tác với Cơ quan tình báo quân đội Xôviết (GRU) với mật danh Lucy. Roessler đã trao cho GRU không chỉ có bản kế hoạch “Citadel”, mà còn bản vẽ loại xe tăng Panthera cùng nhiều thông tin giá trị khác.

Khác với phần lớn các điệp viên Xôviết ở nước ngoài, Roessler không phải là một đảng viên cộng sản. Ông chỉ hợp tác bằng việc bán lại thông tin và được coi là điệp viên được trả công cao nhất trong lịch sử tình báo Xôviết. Một số tờ báo phương Tây khẳng định, Roessler đã nhận được gần 500 ngàn đôla chỉ riêng cho kế hoạch “Citadel”.

Roessler được đánh giá là một nhân vật khá bí ẩn trong làng tình báo thế giới. Khi quân Đức bắt đầu xâm chiếm châu Âu, ông ban đầu chỉ buôn bán các tài liệu mật với các cơ quan mật vụ của Anh, Thụy Sĩ và Mỹ; sau đó mới quyết định hợp tác với Liên Xô. Vì theo như lời ông, “chỉ có Liên Xô mới có khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến này”.

Cho đến tháng 5-1944, GRU thậm chí còn chưa biết đến cả tên thật của Roessler. Từng tham gia vào Đại chiến thế giới thứ nhất, nên Roessler đã chiến đấu và quen biết với một số lớn các sĩ quan cao cấp của Đế chế thứ ba.

Không có gì ngạc nhiên, khi ông đã gây dựng được những nguồn tin đặc biệt ngay trong bộ tham mưu của Hitler. Theo đánh giá, điệp viên Wether nhiều khả năng nằm trong số nguồn tin này của Roessler. Nhưng bất chấp mọi yêu cầu của GRU, Roessler không chịu tiết lộ tên tuổi thực sự các nguồn tin của mình.

Nhờ thông tin kịp thời của Roessler, bộ chỉ huy quân đội Hồng quân đã kịp thời bổ sung lực lượng, xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc, đồng thời chuẩn bị sẵn kế hoạch phản công để giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Kursk. Tham gia hỗ trợ Roessler trong việc liên lạc còn có nữ nhân viên điện đài Margarita Bolli.

Tình báo Đức đã nhanh chóng nhận ra sự nguy hiểm của Roessler, nên cử nhân viên tới Thụy Sĩ tìm cách lật tẩy mạng lưới tình báo của ông. Nhân vật này đã quyến rũ Bolli, lấy được bản mật mã làm bằng chứng để gửi cho nhà chức trách Thụy Sĩ. Mùa thu năm 1943, Bolli bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ, trước khi Roessler cũng bị sa lưới vào tháng 5-1944.

May mắn cho họ là Thụy Sĩ vì không muốn làm hỏng mối quan hệ với Liên Xô, nên đã khước từ yêu cầu dẫn độ của Berlin. Nhờ đó, Roessler được xử trắng án, còn Bolli chỉ phải nhận bản án 9 tháng tù treo cùng khoản tiền phạt nhỏ.

Được biết sau chiến tranh, Roessler vẫn tiếp tục cung cấp các thông tin tình báo cho Liên Xô. Vài năm sau, ông lại bị bắt và giam giữ một năm. Ra tù chưa đầy một năm, điệp viên đắt giá nhất của tình báo Xôviết qua đời ở tuổi 61.

Heinrich Hoffmann – Nhiếp ảnh gia thân cận nhất của Hitler

Theo đánh giá, phải là một nhân vật cực kỳ thân cận với Hitler và bộ tham mưu của trùm phát xít mới có thể lấy được bản kế hoạch “Citadel” một cách nhanh chóng đến như vậy. Một trong những giả thuyết về nhân vật này được cho là Heinrich Hoffmann, nhiếp ảnh gia riêng của Hitler.

Kế hoạch Citadel và bí mật điệp viên Wether - Ảnh 2.

Bộ tham mưu của Hitler bàn bạc kế hoạch tác chiến.

Trên thực tế, có 2 nhiếp ảnh gia thường xuyên làm việc với Hitler là Hugo Jaeger và Heinrich Hoffmann. Jaeger là người làm việc chủ yếu trong lĩnh vực ảnh phóng sự nên mối quan hệ với trùm phát xít mang tính xã giao chính thức.

Còn Hoffmann lại là chuyện hoàn toàn khác. Với tư cách nhiếp ảnh gia riêng của Hitler, ông có thể tham dự bất cứ cuộc họp bí mật nào, có thể bước vào tất cả mọi cánh cửa tại Bộ tham mưu, thậm chí nhiều viên tướng còn phải nịnh nọt ông.

Sự ưu ái này có được là nhờ việc chính Hoffmann vào năm 1929 đã giới thiệu người tình Eva Braun với Hitler, khi cô ta còn là người mẫu chụp ảnh khỏa thân của ông. Kể từ thời điểm đó, sự nghiệp của Hoffmann lên như diều gặp gió. Ông ta được bầu làm đại biểu quốc hội, độc quyền tất cả những bức ảnh của Hitler và trở thành một nhà triệu phú.

Chỉ ông mới có độc quyền chụp cả những bức ảnh về cuộc sống riêng tư của Hitler, kể cả những chuyến đi nghỉ của cặp Hitler-Braun tại vùng Alps. Theo một số người thân cận, Hoffmann ngay từ năm 1938 đã làm giàu bằng cách bán ra nước ngoài nhiều tranh và tài sản giá trị tịch thu của người Do Thái.

Câu hỏi chính liên quan tới giả thuyết này là tại sao Hoffmann lại mạo hiểm hợp tác với tình báo Xôviết, trong khi ông đã có quá nhiều tiền nếu so với Roessler.

Trên thực tế, Hoffmann không phải là một nhân vật đơn giản. Dù đã gia nhập đảng phát xít, nhưng ông vẫn giữ tại két sắt bí mật của mình tại Thụy Sĩ những bức ảnh nhạy cảm của Braun như một cách phòng thân.

Ông từng cảnh báo các tướng lĩnh Đức sau bàn nhậu rằng, việc gây chiến với nước Nga là một bước đi nguy hiểm, nhất là sau thất bại của quân Đức tại ngoại ô Stalingrad.

Sau thảm bại tại vòng cung Kursk, Hoffmann cũng từng bị ông trùm SS Walter Schellenberg liệt vào danh sách những người bị nghi ngờ đã trao tài liệu mật cho Liên Xô vì hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, ông là một trong rất ít những nhân vật không hề bị lục soát trước khi vào ra văn phòng tuyệt mật của đế chế (theo qui định thì các tướng lĩnh cũng như thứ trưởng cũng bị khám xét).

Thứ hai, Hoffmann có rất nhiều thiết bị chụp ảnh đặc biệt, chẳng hạn như có cả camera có thể bố trí trong cúc áo, một vật đặc biệt hiếm có vào thời bấy giờ. Mùa hè năm 1945, quân Đồng minh đã tìm thấy tại nhà Hoffmann 286 thiết bị chụp ảnh khác nhau, trong đó có loại có thể chụp được con ruồi đang bay ở khoảng cách 200 mét.

Ngày 10-5-1945, Hoffmann bị người Mỹ bắt giữ tại thị trấn Oberwossen. Một năm sau, ông bị xét xử vì có dính líu tới tội ác của phát xít Đức, phải nhận bản án 10 năm tù cùng việc bị tịch thu tài sản.

Được biết trong thời gian chờ đợi tại phiên tòa Nuremberg, Hoffmann còn được một số sĩ quan tình báo Liên Xô trực tiếp gặp riêng với nội dung cuộc nói chuyện không được tiết lộ.

Sau khi tuyên án chưa đầy một tháng, Hoffmann còn được bất ngờ giảm hình phạt xuống còn có 4 năm. Còn một chi tiết quan trọng nữa, khi Hoffmann đã quen biết với Roessler ngay từ Đại chiến thế giới thứ nhất.

Martin Bormann – Nhân vật thứ hai trong Đảng Phát xít

Gần 20 năm trước, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer là Lou Kilzer xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Hitler's Traitor: Martin Bormannand the Defeat of the Reich” (Kẻ phản bội của Hitler: Martin Bormann và thất bại của Đức Quốc xã).

Trong đó, ông cũng nêu lên câu hỏi: Ai là điệp viên Wether nổi tiếng đã chuyển cho tình báo Liên Xô tài liệu về kế hoạch “Citadel”? Sau khi nghiên cứu những tài liệu của mật vụ phát xít tại kho lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, Kilzer đã đưa ra một giả thuyết gây chấn động.

Theo đó, điệp viên Wether không ai khác chính là… Martin Bormann, nhân vật thứ hai trong đảng phát xít, từng được coi là thư ký riêng, cánh tay phải của Hitler.

Kế hoạch Citadel và bí mật điệp viên Wether - Ảnh 3.

Martin Bormann.

Trên thực tế, người đầu tiên đã đưa ra nhận định bất ngờ trên không ai khác chính là Reinhard Gehlen, thiếu tướng của Abweh (Cơ quan tình báo quân sự phát xít), về sau là người đứng đầu Cơ quan tình báo CHLB Đức (BND). Từ năm 1963, Gehlen đã từng phát biểu rằng, Bormann là một điệp viên siêu bí mật của Liên Xô.

“Trong một cuộc gặp bí mật tại quán cà phê ở Berlin, chúng tôi đã bàn luận vấn đề này với người đứng đầu Abweh, đô đốc Canaris– Ghelen viết trong hồi ký của mình – Hoạt động của tình báo Xôviết đơn giản là rất tuyệt vời. Họ có thể nhanh chóng biết ngay tất cả mọi nội dung bàn bạc trong giới chức cao cấp nhất của Đức. Vậy thì ai có thể là nguồn tin của người Nga?

Đến tháng 11-1943, chúng tôi đã biết chính xác rằng, tín hiệu vô tuyến điện truyền về Moscow được phát trực tiếp từ… văn phòng của Bormann: có nghĩa là ông ta đã thiết lập một trạm phát sóng của người Nga ngay trước mũi Hitler! Nhưng bất cứ nỗ lực nào theo dõi Bormann đều sẽ đồng nghĩa với cái chết dành cho tôi và Canaris”.

Trên thực tế, Canaris đã bị cách chức chỉ khoảng 3 tháng sau, đến tháng 7-1944 bị bắt giữ và tử hình trước khi quân Đức đầu hàng khoảng một tháng. Rất có khả năng, Bormann đã biết Abweh đang tổ chức theo dõi mình.

Khi được yêu cầu giải thích về việc phó tướng của Hitler lại có thể làm việc cho Moscow, Gehlen trả lời rất đơn giản: “Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả. Tình báo Nga khi đó là cơ quan xuất sắc nhất, họ hoàn toàn có khả năng tuyển mộ thậm chí cả Bormann”.

Liên quan đến câu chuyện này, còn có một số giả thuyết khác. Như một số người còn quả quyết, tại khu nghĩa trang Vvedenskoye ở Moscow, có người đã phát hiện và chụp ảnh một tấm bia mộ trên có đề dòng chữ: Martin Bormann, 1900-1973 (năm sinh trùng hợp với nhân vật thứ hai của đảng phát xít). Nhưng về sau, ngôi mộ trên đã biến mất một cách đầy bí ẩn.

Cần biết là lần cuối cùng Bormann được nhìn thấy giữa những đống đổ nát tại khu vực boongke của Hitler là vào ngày 1-5-1945. Sau đó, ông ta đã biến mất hoàn toàn, không ai có dịp được bắt gặp, ngay cả thi thể. Quan điểm về Bormann cũng nhận được sự đồng thuận từ một số nhà nghiên cứu của Mỹ, từng chuyên đào bới trong các kho hồ sơ lưu trữ của quân phát xít.

Chẳng hạn như nội dung một báo cáo trong năm 1969 từ một nguồn tin của Mỹ tại Đông Berlin cho biết, một sĩ quan mật vụ Đông Đức khẳng định, Bormann đã được tình báo Liên Xô tuyển mộ từ 30 năm trước, sau đó được cài cắm vào bộ sậu của Hitler theo chỉ đạo của lãnh tụ Đảng cộng sản Đức Ernst Thalmann.

Có lẽ chúng ta chỉ có thể biết được chân tướng thực sự của điệp viên Wether, sau khi các tài liệu lưu trữ về Đại chiến thế giới thứ hai được giải mật hoàn toàn, một thời điểm có lẽ còn rất lâu nữa.

Chẳng hạn như theo qui định, hồ sơ về chuyến bay của Rudolf Hess chạy sang nước Anh chỉ được giải mật vào năm 2045. Nhưng có lẽ ai là điệp viên Wether trên thực tế không còn quá quan trọng nữa. Điều chủ yếu là chính nhân vật này 76 năm trước đây đã giúp Hồng quân giành thắng lợi quyết định tại Kursk, trận đánh có vai trò chủ chốt trong việc đánh bại phát xít Đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại